Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ trích Trung Quốc

Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ trích Trung Quốc

Ông Lưu Hiểu Ba

Ông Lưu Hiểu Ba bị kết án tù 11 năm vào tháng 12/2009

Lãnh đạo lưu vong của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, chỉ trích chính phủ Trung Quốc vì đã phản đối giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến đang bị cầm tù.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chính phủ Trung Quốc “không biết đánh giá các ý kiến khác biệt”. Việc xây dựng một xã hội mở là “cách duy nhất để cứu toàn bộ nhân dân Trung Quốc”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét như vậy với truyền thông Nhật.

Trong khi đó, vợ của ông Lưu được biết bị đặt trong tình trạng quản chế tại gia sau khi ông Lưu nói ông dành giải thưởng của mình cho các “liệt sỹ” trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Ông Lưu là một nhân vật quan trọng trong các cuộc biểu tình khi đó.

Ông còn tham gia thảo ra bản Hiến chương 08 cách đây hai năm, là tài liệu kêu gọi Trung Quốc có dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền.

Năm 2009, ông chịu án tù 11 năm vì bị buộc tội “kích động lật đổ”.

Cắt liên lạc

Trung Quốc nói quyết định vinh danh ông Lưu là một điều “thô thiển”.

Bắc Kinh nói quan hệ với Na Uy, nơi hội đồng trao giải Nobel Hòa bình đặt trụ sở, có thể bị tổn hại.

Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi TQ phải thay đổi

Bắc Kinh còn triệu tập đại sứ Na Uy lên để chính thức phản đối.

Hôm thứ Hai, đại sứ quán Na Uy nói một hội nghị về thủy sản với Trung Quốc đã bị hủy bỏ, mặc dù họ không nêu lý do.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1989, nói chính phủ TQ “phải thay đổi”.

Ngài đưa ra nhận xét này cho hãng thông tấn Kyodo, khi đi qua sân bay Tokyo trên đường từ Ấn Độ sang Mỹ.

Trong khi đó, các nhóm nhân quyền nói vợ của ông Lưu, bà Lưu Hà, đã bị đặt trong tình trạng quản chế tại gia.

Một nhóm nhân quyền tại Mỹ, Freedom Now, nói bà được phép thăm chồng trong tù hôm Chủ Nhật, nhưng kể từ đó không được rời khỏi nhà.

Ban tiếng Trung của BBC Thế giới vụ cho biết sau khi trở về Bắc Kinh, bà Lưu chỉ mới nói được hai câu qua điện thoại di động thì bị cắt.

Nhân viên cảnh vệ có vũ trang được biết đứng gác bên ngoài nhà bà.

Tin cho hay các nhà hoạt động chính trị khác ở Bắc Kinh cũng bị hạn chế đi lại, trong đó có những người cùng tham gia với ông Lưu Hiểu Ba trong cuộc biểu tình Thiên An Môn khi trước.

Không có nhận xét nào: