Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, Anh hùng, Vì hòa bình”



Phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, Anh hùng, Vì hòa bình”
Làm rõ tiềm năng, đề xuất giải pháp xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô
08/10/2010 07:45

Trong rất nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cuộc Hội thảo "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, Anh hùng, Vì hòa bình" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội.

Đúng 1000 năm trước, với tầm nhìn xa trông rộng, Đức vua Lý Thái Tổ đã có một quyết định vô cùng quan trọng và sáng suốt.

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, đẹp và bền vững. Ảnh: Xuân Chính

Người đã chọn Thành Đại La, nơi “địa linh nhân kiệt”, được “cái thế rồng chầu, hổ phục”, “nhìn sông, tựa núi”, “nơi hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước” làm kinh đô của nước Đại Việt, đặt tên là Thăng Long, xứng đáng là “nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”.

Qua 1000 năm lịch sử, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, những người con của Kinh thành Thăng Long luôn bền bỉ trong lao động, kiên cường trong đấu tranh, đã sáng tạo nên một nền văn hiến vô cùng rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách, Thăng Long - Hà Nội luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Như mọi người đều biết, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa. Đến thời đại Hồ Chí Minh, với những cống hiến lớn lao đối với đất nước và nhân loại, cùng với truyền thống nghìn năm văn hiến, Thủ đô Hà Nội được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới trao tặng những danh hiệu vô cùng cao quý: “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”…

Cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, trong những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đã và đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và đầy ấn tượng. Từ năm 2000 đến nay, tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng bình quân 11,45%/năm; GDP bình quân đầu người tăng từ 990 USD/người năm 2000 lên 1.765 USD/người năm 2009. Tính từ năm 1990 đến nay, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố đã tăng 2,5 lần. Vào năm 1999, thành phố chỉ có một Khu đô thị mới Bắc Linh Đàm, đến nay đã và đang triển khai xây dựng trên 50 khu đô thị mới với nhiều chung cư cao tầng hiện đại.

Với môi trường đầu tư thuận lợi, từ khi thực hiện chính sách đổi mới, Hà Nội luôn nằm trong số các tỉnh, thành đi đầu trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 8.000 dự án, số vốn cam kết là 18 tỷ USD. Thành phố Hà Nội hiện đóng góp 18% GDP của cả nước và 20% thu ngân sách quốc gia.

Bạn bè quốc tế còn biết tới Hà Nội là nơi có môi trường chính trị ổn định; văn hóa xã hội đạt được nhiều thành tựu; trật tự an toàn được giữ vững; bộ mặt thành phố ngày càng được cải thiện; con người Thủ đô rất thân thiện, cởi mở và thanh lịch; vị thế của Hà Nội ngày càng được nâng cao trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nhân loại đang sống trong thời đại văn minh trí tuệ với sự phát triển hết sức mạnh mẽ và kỳ diệu của khoa học và công nghệ. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Cùng với xu thế hòa bình và phát triển, toàn cầu hóa là một xu thế khách quan, ngày càng có nhiều nước tham gia, trong đó vừa có hợp tác, vừa có cạnh tranh. Đồng thời, càng ngày mọi người càng hiểu một cách sâu sắc hơn tầm quan trọng của vấn đề phát triển bền vững như là một yêu cầu, một đòi hỏi mang tính khách quan. Những cái giá mà nhiều quốc gia đã phải trả qua cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế mới đây đang nói lên điều đó. Và cũng chính trong bối cảnh đó, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: kinh tế - xã hội Việt Nam vừa có vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức hết sức gay gắt. Việt Nam cũng đang phải ra sức tìm kiếm các giải pháp đảm bảo cho sự phát triển bền vững; phải đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề môi trường, huy động và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; các biện pháp đối phó với vấn đề biến đổi môi trường, khí hậu, v.v…

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, đòi hỏi tâm huyết, sự nỗ lực bền bỉ của các cấp, các ngành, đặc biệt là của các nhà khoa học để tập trung giải quyết như vấn đề dân số đô thị tăng nhanh, vấn đề ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… trong khi các vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch lại chưa được kiểm soát tốt, khiến Thủ đô Hà Nội phần nào mất đi những vẻ đẹp vốn có. Nhiều di sản kiến trúc của thành phố đang dần xuống cấp hoặc biến mất, thêm vào đó là sự phát triển không đồng đều giữa nội thành và ngoại thành. Kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều nguồn lực và lợi thế của Thủ đô chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn nhiều hạn chế. Sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, với vai trò, vị thế của Thủ đô.

Vị thế, vai trò đã được xác định: “Hà Nội là trái tim của cả nước, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, đào tạo; trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế”. Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang ra sức phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng và phát triển con người; tổ chức thật tốt các hoạt động chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và sắp tới là tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XV, quyết tâm phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Hà Nội ưu tiên phát triển các ngành kinh tế có chất lượng cao, trình độ công nghệ hiện đại; phát huy mạnh mẽ tiềm lực trí tuệ, tạo mọi điều kiện để các chuyên gia, các nhà khoa học có cơ hội cống hiến, đóng góp ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Với mong muốn và quyết tâm đó, lãnh đạo thành phố hết sức vui mừng, coi cuộc hội thảo này là cơ hội quý báu được lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học. Thành phố Hà Nội mong muốn hội thảo tập trung làm sáng tỏ các giá trị cốt lõi trong suốt 1000 năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội là: “Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình - Hữu nghị”. Qua đó, góp phần làm rõ hơn những thế mạnh và tiềm năng để phát triển và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những giá trị cao đẹp của Thăng Long - Hà Nội, hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô trong bối cảnh của một thế giới đang đổi thay vô cùng nhanh chóng; thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đều lớn.

Không có nhận xét nào: