Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Bàn cách phát triển bền vững cho Thủ đô

Thứ Hai, 11/10/2010-1:40 PM)
Bàn cách phát triển bền vững cho Thủ đô
Bảo tồn và phát triển văn hoá là một cách gìn giữ, xây dựng Thủ đô ngày một văn minh, giàu đẹp.
KTNT - Những giá trị văn hóa mà Thăng Long - Hà Nội đã tích lũy trong suốt nghìn năm qua là vốn quý của dân tộc. Nhưng làm thế nào để gìn giữ và phát huy vốn quý ấy trước nhu cầu đổi mới, hội nhập lại không hề đơn giản.

Phát triển nhưng còn nhiều thách thức

Theo ông Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, những năm gần đây, cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và ấn tượng. Từ năm 2000 đến nay, tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng bình quân 11,45%/năm; GDP bình quân tăng từ 990 USD/người (năm 2000) lên 1.765 USD/người (năm 2009). Tính từ năm 1990 đến nay, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất tăng 2,5 lần. Nếu năm 1999, Hà Nội chỉ có một khu đô thị mới Bắc Linh Đàm thì đến nay đã và đang triển khai xây dựng trên 50 khu đô thị với nhiều chung cư cao tầng hiện đại.

Với môi trường đầu tư thuận lợi, từ khi thực hiện chính sách đổi mới, Hà Nội luôn nằm trong số các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 8.000 dự án, số vốn cam kết là 18 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện thành phố vẫn đang phải đối mặt với những thách thức cần tập trung giải quyết như: Vấn đề dân số đô thị tăng quá nhanh, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường..., trong khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch lại chưa được kiểm soát tốt, khiến Hà Nội dần mất đi những vẻ đẹp vốn có. Kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều nguồn lực và lợi thế của Thủ đô chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Sự nghiệp phát triển văn hoá - xã hội Thủ đô chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, chưa xứng với vai trò, vị thế của Thủ đô. Vì thế, vấn đề phát triển bền vững của Hà Nội như là một yêu cầu, đòi hỏi mang tính khách quan.

Cùng hiến kế phát triển Thủ đô

GS. TS. Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Muốn phát triển toàn diện, bền vững, trong 10 năm tới, Hà Nội tất yếu phải triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhằm khai thác, phát huy các nguồn lực vốn có. Muốn vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo, một mặt, phải coi trọng triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp; mặt khác, phải tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá trong từng nhiệm vụ, giải pháp. Ba khâu đột phá mà Hà Nội cần tập trung hướng tới là đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới căn bản công tác cán bộ, tăng cường công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch, tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, giải quyết dứt điểm những bức xúc về giao thông, nhà ở, cấp thoát nước, ô nhiễm môi trường”.

10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội kết thúc bằng một đêm hội văn hóa, nghệ thuật hoành tráng tối ngày 10/10. Đêm hội đậm chất sử thi, tái hiện truyền thống hào hùng với những giá trị văn hóa, lịch sử vô giá của mảnh đất ngàn năm văn hiến; những cơ hội phát triển trong tương lai. Trong những ngày đại lễ, muôn triệu trái tim cùng chung niềm vui, chung niềm tự hào và nhen thêm niềm hy vọng... Hà Nội Thủ đô tiếp tục bước vào hành trình phát triển mới, dựa trên nền tảng văn hóa hun đúc từ ngàn năm.

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Theo một nghiên cứu mới đây của Pricewaterhouse Coopers, Hà Nội được dự đoán là một trong hai thành phố đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng trung bình GDP trong giai đoạn 2008-2025. Do đó, để thành phố tiếp tục có được những thành tích ấn tượng, chúng ta cần lưu tâm đến những thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh tạo nên, đặc biệt là những thách thức liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa”. Theo bà, thách thức của việc bảo tồn và phục hồi di sản là làm thế nào giải quyết nhiều vấn đề mà không phá hoại “văn hoá sống” và không di dời “những người canh giữ di sản”. Bà tin Hà Nội có thể đảm bảo lợi ích có được từ tiến trình đô thị hoá sẽ mãi mãi bền vững trong tương lai.

Còn GS.TS William Logan (Đại học Deakin, Melbourne, Australia) nhận định, Hà Nội là một thành phố mà di sản văn hoá của nó rất khó tách thành bộ phận riêng. Ông cảnh báo sẽ có những khó khăn và thách thức trong những năm tới như áp lực về du lịch, áp lực phải có những phương pháp bảo vệ thích hợp và hệ thống quản lý nghiêm ngặt. Nếu không đề cập đến vấn đề này một cách hiệu quả, các di sản của Hà Nội, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long, có thể có nguy cơ trượt ra khỏi danh sách di sản thế giới như đã từng xảy ra với Dresden năm 2009.

Theo GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, bảo tồn di sản văn hoá của Thủ đô không thể nói là không quan trọng, nhưng hướng tới tương lai để phát triển một Thủ đô văn minh bền vững cũng quan trọng không kém việc nhìn về quá khứ. PGS. Lê Mậu Hãn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng quan điểm trên, ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần những bộ não thông minh, biết bảo tồn quá khứ, giữ vững và phát triển hiện tại. Duy trì những di tích còn lại của Hà Nội là duy trì một phần quá khứ cho con cháu nay mai, dù nhỏ nhưng giá trị lớn”.

Dương Thanh

Không có nhận xét nào: