Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Ba người chia nhau Nobel Kinh tế 2010

Ba người chia nhau Nobel Kinh tế 2010
,

Ủy ban Giải Nobel vừa công bố, giải thưởng Nobel Kinh tế 2010 đã thuộc về hai công dân Mỹ Peter Diamond và Dale Mortensen và Christopher Pissarides - người mang song tịch Anh, Cyprus vì đã phát triển các lý thuyết giúp giải thích việc những chính sách kinh tế có thể ảnh hưởng đến vấn đề thất nghiệp như thế nào.

TIN LIÊN QUAN

(Ảnh Getty Images)
(Ảnh Getty Images)

Ông Diamond, 70 tuổi, là một nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đề cử ông trở thành thành viên của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ đã không phê chuẩn đề cử này trước khi các nhà lập pháp bắt tay vận động tranh cử cho những vòng bỏ phiếu giữa kỳ.

Trong khi đó, ông Mortensen, 71 tuổi, là một giáo sư kinh tế tại Đại học Northwestern ở Evanston, bang Illinois, Mỹ và ông Pissarides, 62 tuổi, là một giáo sư của Trường Kinh tế London, Anh.

Theo Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển, cả ba nhà khoa học trên xứng đáng giành giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay "vì những phân tích về các thị trường với mô hình search friction". Mô hình mà các ông Diamond, Mortensen và Pissarides đưa ra cũng đã lý giải tại sao nhiều người vẫn còn thất nghiệp ngay cả vào những thời điểm có một lượng lớn cơ hội việc làm mở ra.

Như vậy, số tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (1,5 triệu USD) sẽ được chia đều cho Diamond, Mortensen và Pissarides.

Việc công bố các chủ nhân của giải Nobel Kinh tế đã chính thức khép lại mùa giải Nobel 2010, với vô số những bất ngờ khi đây là năm đầu tiên người Mỹ không chiếm số lượng áp đảo trong các giải thưởng Nobel như thường thấy.

Nobel Kinh tế là giải duy nhất trong hệ thống các giải Nobel được tạo nên ngoài di chúc năm 1895 của nhà tư bản công nghiệp Alfred Nobel. Giải thưởng này do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập năm 1968 và được trao giải lần đầu tiên năm 1969.

Kể từ khi ra đời, giải Nobel Kinh tế hàng năm hầu hết rơi vào tay người Mỹ.

Năm ngoái, Elinor Ostrom, quốc tịch Mỹ, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel Kinh tế trong 40 năm lịch sử của giải thưởng nhờ công trình nghiên cứu chung với người đồng hương Oliver Williamson liên quan đến lĩnh vực "tổ chức và hợp tác trong hệ thống quản lý điều hành kinh tế", vốn được đánh giá là quan trọng để tìm hiểu về khủng hoảng tài chính toàn cầu và góp phần đẩy lùi hiện tượng biến đổi khí hậu.

  • Thanh Bình (Theo AP, CNN)

Không có nhận xét nào: