Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Khai mạc Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”

Khai mạc Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”

Xem tin gốc

ĐCSVN - 2 ngày trước 12 lượt xem 1 tin đăng lại

Khai mac Hoi thao quoc te “Phat trien ben vung Thu do Ha Noi van hien, anh hung, vi hoa binh”

Ngày 7/10, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” đã khai mạc trọng thể. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND TP.Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức. Video

Tham dự hội thảo quốc tế có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; GS.TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng gần 600 đại biểu là các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Lào, Thái Lan...

Từ những giá trị được kết tinh, chắt lọc hàng nghìn năm, truyền qua hàng trăm thế hệ, làm thế nào để biến thành những nguồn lực phát triển Thủ đô, đòi hỏi phải có nhiều công trình nghiên cứu công phu. Với gần 150 bài tham luận, trong đó có 25 bài của các học giả quốc tế đến từ 10 nước (Australia, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Lào, Hoa Kỳ, Thái Lan, Đức và Trung Quốc) đã đề cập khá toàn diện các vấn đề liên quan đến Thăng Long - Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu bật ý nghĩa của việc dời đô đến Thăng Long vào năm 1010: "Trước hết đó là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt liên tiếp từ các triều Đinh và Tiền Lê. Để đến khi Đức Lý Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế thì đất nước ta đã có đủ điều kiện vật chất và tinh thần, đủ hùng mạnh cả về thế và lực, tự tin bước lên một tầm cao mới. Và quả thực, quyết định đặt Đế đô ở Thăng Long đã mở ra một bước ngoặt lớn không chỉ trong lịch sử phát triển của đô thị này mà còn của toàn dân tộc Việt Nam. Với Thăng Long là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo và văn hóa, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên Đại Việt, một kỷ nguyên văn minh – văn hiến rực rỡ, có nội lực và xung lực phát triển vô cùng mạnh mẽ…

Chính trong những năm tháng đầy thử thách cam go, khốc liệt đó, những giá trị cốt lõi của Thăng Long – Hà Nội lại ngời sáng hơn bao giờ hết và Thủ đô yêu dấu của chúng ta đã trở thành “lương tri của nhân loại”. Đối với mỗi người Việt Nam thì Hà Nội không chỉ là lương tri mà còn là lẽ sống, là niềm tin bất diệt bởi Hà Nội là nơi có Bác Hồ - vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc và Hà Nội là nơi có Trung ương Đảng và Chính phủ, bộ chỉ huy tài tình của cả nước”.

Sự sáng suốt trong việc dời đô của Vua Lý Thái Tổ một lần nữa được đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Đúng 1000 năm trước, với tầm nhìn xa trông rộng, Đức Vua Lý Thái Tổ đã có một quyết định vô cùng quan trọng và sáng suốt. Người đã chọn thành Đại La, nơi được “” làm kinh đô của nước Đại Việt, đặt tên là kinh thành Thăng Long, nơi xứng đáng là “”.

Qua 1000 năm lịch sử, thế hệ sau - những người con của kinh thành Thăng Long luôn bền bỉ trong lao động, kiên cường trong đấu tranh, đã sáng tạo nên một nền văn hiến vô cùng rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách, Thăng Long - Hà Nội luôn là niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.

Cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, trong những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đã và đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và đầy ấn tượng. Từ năm 2000 đến nay, tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng bình quân 11,45%/năm; GDP bình quân đầu người tăng từ 990 USD/người năm 2000 lên 1.765 USD/người năm 2009. Tính từ năm 1990 đến nay, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên địa bàn Thành phố đã tăng 2,5 lần.

Đồng chí Phạm Quang Nghị cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức và mặt còn hạn chế của Hà Nội ngày nay: “Hà Nội đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, như: vấn đề dân số đô thị tăng quá nhanh, vấn đề ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…trong khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch lại chưa được kiểm soát tốt, khiến Hà Nội đang dần mất đi những vẻ đẹp vốn có. Kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều nguồn lực và lợi thế của Thủ đô chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, chưa xứng với vai trò, vị thế của Thủ đô…"

Phát biểu tại Hội thảo, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam bày tỏ vinh hạnh được cùng các các vị giáo sư và các nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới tham dự hội thảo đầy ý nghĩa này, được tổ chức với mục đích trao đổi những quan điểm cùng các biện pháp hữu hiệu nhất cho việc phát triển bền vững thành phố Hà Nội 1000 năm tuổi. Trong suốt chiều dài của lịch sử, nhiều thành phố là những chiếc nôi của văn minh và Thăng Long - Hà Nội chắc chắn là một trong số đó. Với một lịch sử lâu đời cùng những tài nguyên di sản và văn hóa hết sức phong phú được giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ta không hề ngạc nhiên là Hà Nội đã đạt những điều hết sức đáng kể, cả trên khía cạnh xã hội lẫn kinh tế. Theo Frommer's, nhà xuất bản du lịch hàng đầu của Hoa Kỳ, thành phố này là một trong "Những điểm đến hàng đầu của năm 2010".

Bà Katherine Muller-Marin cho biết: Theo một nghiên cứu mới đây được Pricewaterhouse Coopers thực hiện và được đăng trên ấn phẩm Triển vọng kinh tế Vương quốc Anh (UK Economic Outlook) của cơ quan này, Hà Nội được dự đoán là một trong hai thành phố đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng trung bình thực của GDP trong giai đoạn 2008-2025. Do đó, để thành phố Hà Nội tiếp tục có được những thành tích như vậy, chúng ta cần lưu tâm đến những thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh tạo nên, đặc biệt là những thách thức liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa. Do vậy, UNESCO hoàn toàn ủng hộ quyết định tổ chức một hội nghị như thế này để từ đó đưa ra những khuyến nghị tốt nhất nhằm hỗ trợ cam kết của các nhà lãnh đạo của thành phố trong việc tiếp tục giữ gìn giá trị, bảo vệ và bảo tồn di sản, tạo cơ hội cho phát triển bền vững và cho một cuộc sống có chất lượng của cư dân thành phố Hà Nội.

Bà Katherine Muller-Marin cho rằng, bảo tồn các giá trị văn hóa không phải là một điều đối lập với phát triển đô thị. Những phương thức phát triển kinh tế và hoạch địch việc quản lý bảo tồn có thể được tích hợp với nhau thành một mô hình mới trong đó di sản trở thành tâm điểm trong quy trình phát triển của thành phố chứ không phải đơn thuần là một phần được lắp thêm vào. Quy trình này tiến triển thông qua 4 hợp phần, đó là nhận thức, coi trọng, bảo vệ và sử dụng.

Trình bày tham luận “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trên nền tảng 1000 năm văn hiến, anh hùng”, GS. TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Bên ngưỡng cửa thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, dân tộc Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang đứng trước những vận hội và thách thức lịch sử mới của kỷ nguyên văn minh trí tuệ, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung và lãnh đạo và nhân dân Hà Nội nói riêng hướng tầm mắt tới tương lai từ đỉnh cao trí tuệ, nhân văn của Thủ đô tròn 1000 tuổi, cân nhắc và định hướng chiến lược phát triển bền vững trên cơ sở nghiên cứu, phát huy những giá trị văn minh - văn hiến, những nguồn lực vật chất và tinh thần của đất và người Thăng Long - Hà Nội, tạo nên nguồn xung lực phát triển mạnh mẽ Thủ đô trên tầm cao của thiên niên kỷ thứ III…

Để góp phần định hướng phát triển bền vững Thủ đô trong thiên niên kỷ mới, đồng chí Phùng Hữu Phú cho rằng, muốn phát triển toàn diện, bền vững, trong 10 năm tới, Hà Nội tất yếu phải triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhằm khai thác, phát huy tất cả các nguồn lực vốn có và có thể tạo thêm. Muốn vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo, một mặt, phải coi trọng triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp, mặt khác, phải tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá trong từng nhiệm vụ, giải pháp…

Đồng chí Phùng Hữu Phú nhấn mạnh 3 khâu đột phá mà Hà Nội cần tập trung hướng tới, đó là, đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới căn bản công tác cán bộ; tăng cường công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch, tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, giải quyết dứt điểm những bức xúc về giao thông, nhà ở, cấp thoát nước, ô nhiễm môi trường.

Trong phiên khai mạc Hội thảo, nhiều tham luận khác cũng đã được trình bày, như: "Thăng Long – Hà Nội: Truyền thống anh hùng và khát vọng hòa bình" của GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; "Thành Thăng Long – Hà Nội: Giá trị toàn cầu, niềm tự hào và trách nhiệm quốc gia" của GS.TS William Logan, Đại học Deakin, Melbourne, Australia; "Phát triển bền vững đô thị Hà Nội trên nền tảng truyền thống đại học Việt Nam" của GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội…

Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 9/10. Ngoài hai phiên chính thức, Hội thảo sẽ có 4 phiên thảo luận theo các nhóm chuyên đề: lịch sử - chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, môi trường, tài nguyên và xây dựng quản lý đô thị.

Không có nhận xét nào: