Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Tin lề trái và lề phải vụ Bắc Giang

Tin lề trái và lề phải vụ Bắc Giang

Ảnh anh Nguyễn Văn Khương trên bàn thờ tại gia đình - ảnh do trang nuvuongcongly cung cấp

Hiện Pháp y Trung ương vẫn chưa đưa ra kết luận về cái chết của anh Khương

Vụ thanh niên 21 tuổi Nguyễn Văn Khương đột tử sau khi bị công an ở Bắc Giang bắt về đồn và cuộc tụ họp phản đối lớn 'chưa từng có' ở đây một ngày sau đó đã gây xôn xao dư luận mạng trong và ngoài nước.

Có những blog, chẳng hạn blog mang tên freelecongdinh, đã liên tục cập nhật tin bài và có những bài nhận được gần 600 bình luận trong vòng chưa đầy 24 giờ.

Trang mạng ngoài luồng nuvuongcongly.net cũng có các tin bài ở dạng tường thuật viết, hình ảnh và video.

Và không chỉ dư luận 'lề trái' mới quan tâm tới vụ này.

Tờ báo 'lề phải' VnExpress đăng lại tin chính thống của Thông tấn xã Việt Nam với tít "Sáu người bị tạm giữ trong vụ đưa quan tài lên ủy ban nhân dân tỉnh" trong ngày 27/7 và bài này cũng nằm thứ ba trong danh sách 10 bài được đọc nhiều nhất.

Trang tin Dân Trí cũng đăng lại bài của Thông tấn xã Việt Nam "Tỉnh Bắc Giang thông tin về vụ gây rối ở Ủy ban tỉnh".

Bản gốc trên trang của Thông tấn xã Việt Nam với tít "Bắc Giang sẽ sớm làm rõ cái chết của anh Khương" dẫn lời của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Bùi Văn Hải và đưa ra quan điểm của chính quyền về những gì xảy ra.

Rất nhiều chi tiết mà "thân nhân" của anh Khương nói với báo lề trái đã không xuất hiện trong bài của hãng tin chính thức.

Tuy nhiên bài viết kết luận: "Quan điểm của tỉnh là giải quyết vụ việc đảm bảo khách quan, trung thực, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm trước pháp luật".

Lý giải chính thức

Bài của Thông tấn xã nói công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã đưa xe máy và anh Nguyễn Văn Khương vào trụ sở "để lập biên bản xử lý" sau khi anh vi phạm luật giao thông.

Vẫn theo Thông tấn xã:

"Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết."

Bản tin chính thức về cái chết của anh Khương cũng nói cơ quan Pháp y Trung ương hiện hiện chưa đưa ra kết quả khám nghiệm tử thi mặc dù bản tin nói Pháp y Trung ương đã tiến hành khám nghiệm ngay hôm 24/7.

Trong đám đông có những trường hợp quá khích kéo đổ tường rào khu cổng phụ Ủy ban Nhân dân tỉnh và ném đá vào lực lượng công an bảo vệ tại đây, gây mất trật tự khu vực này.

Thông tấn xã Việt Nam

Lý giải về cuộc tụ họp trước cửa ủy ban nhân dân tỉnh hôm 25/7 mà theo một số nguồn tin có hàng vạn người tham gia, Thông tấn xã nói:

"Đến 13 giờ ngày 25/7, gia đình tổ chức đưa anh Khương đi an táng tại nghĩa trang địa phương. Khi đưa tang, một số người quá khích đã kích động đưa xe tang lên thẳng Ủy ban Nhân dân tỉnh.

"Chính quyền và các ngành chức năng địa phương đã vận động, tuyên truyền nhưng nhiều người hiếu kỳ cùng tham gia kéo lên Ủy ban Nhân dân tỉnh.

"...Trong đám đông có những trường hợp quá khích kéo đổ tường rào khu cổng phụ Ủy ban Nhân dân tỉnh và ném đá vào lực lượng công an bảo vệ tại đây, gây mất trật tự khu vực này.

"Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các ngành có liên quan đã trực tiếp giải thích, tuyên truyền, thuyết phục những người tham gia đám đông giải tán; đồng thời có biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giữ sáu đối tượng quá kích có hành vi kích động gây mất trật tự trị an để điều tra làm rõ."

Thông tin lề trái

Trong lúc không một tờ báo chính thức nào, ngoại trừ Thông tấn xã, có phóng viên viết bài về vụ việc gây náo động Bắc Giang và dư luận, các trang mạng và blog bằng tiếng Việt đã liên tục cập nhật tin tức.

Trang nuvuongcongly.net xác nhận với BBC họ có phóng viên tới chụp ảnh và đưa tin.

Một video mà trang này đưa lên youtube cũng được hơn 30.000 lượt người xem.

Giải thích không chính thức là thanh niên Nguyễn Văn Khương đã bị tấn công với các vết bầm ở cổ và bàng quang bị vỡ.

Những hình ảnh và video trên mạng cũng cho thấy cuộc tụ họp trước cửa ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang hôm Chủ Nhật có một số lượng người rất lớn tham gia.

Bài viết của Song Hà trên nuvuongcongly.net trích lời một thân nhân anh Nguyễn Văn Khương nói:

"Đến 12 giờ trưa chủ nhật, quá bức xúc vì em tôi đã chết đầy bí ẩn, oan khuất và nằm đó qua hai lần mổ tử thi mà những thông tin đơn giản nhất về cái chết cũng không được trả lời.

"Mặt khác, cơ quan công an là nơi giữ em tôi và bị chết nhưng không có bất cứ một lời thăm hỏi nào nên chúng tôi quyết định đẩy em tôi lên cơ quan Tỉnh để đòi công lý cho em đỡ tủi vì oan khuất quá lớn."

Bạo lực cảnh sát

Vụ anh Nguyễn Văn Khương thiệt mạng chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các vụ người dân đột tử sau khi bị cảnh sát tạm giam.

Nỗi bức xúc của người dân với cảnh sát, nhất là cảnh sát giao thông có thể thấy rõ qua những tin tức về lái xe taxi hất cảnh sát lên mui xe và phóng đi vài cây số.

Jean Charles de Menezes

Jean Charles de Menezes, người Brazil đã bị bắn chết vì bị nghi là khủng bố

Nhưng chuyện cảnh sát lạm quyền và có hành vi bạo lực là chuyện xảy ra cả ở những nước phát triển như Anh và Mỹ.

Tại Anh hiện người ta cũng đang cáo buộc cảnh sát và các cơ quan tố tụng ém nhẹm một số vụ người dân chết oan vì cảnh sát.

Tuy nhiên những phản đối của công chúng và nhà báo đều có kênh chính thức chứ không bị đẩy ra ngoài rìa.

Một trong những scandal của cảnh sát Anh được cả thế giới biết tới là vụ thanh niên người Brazil, Jean Charles de Menezes, bị bắn chết dưới tàu điện ngầm ở London hồi 2005 vì 'trông giống kẻ khủng bố'.

Các cuộc điều tra vụ de Menezes đã lên tới cấp chính phủ, gây ra cuộc khủng hoảng cho Bộ Nội vụ.

Còn hôm thứ Bảy vừa rồi một cây viết của Anh đã kêu gọi độc giả báo The Guardian hiến kế nhằm quyên góp tiền kiện cảnh sát trong vụ cảnh sát viên Simon Harwood vô cớ đánh người bán báo Ian Tomlinson.

Nạn nhân, theo các bài báo, bị đánh từ đằng sau trong một đợt biểu tình ở London trong năm ngoái.

Ông Tomlinson đã chết sau đó do ông có chứng bệnh về tim mạch.

Nhà báo George Monbiot cũng đặt câu hỏi về bác sỹ được chọn để tiến hành khám nghiệm tử thi, người đã có nhiều lỗi lầm trong quá khứ và từng bị khiển trách.

Ông kêu gọi người dân thực hiện nghĩa vụ của mình - đó là không chấp nhận "sự bất công trắng trợn" trước pháp luật.

Như thế, các báo chính thống tại Anh đứng hẳn về phía dư luận và gây sức ép lên nhà chức trách.

Với Việt Nam, có vẻ như việc vẫn có 'lề trái' và 'lề phải' trong truyền thông khiến câu chuyện trở nên mù mờ và khiến việc tìm câu trả lời xác đáng cho gia đình nạn nhân vụ Bắc Giang trở nên khó khăn.

Bấm Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.

Không có nhận xét nào: