Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Bằng tiến sĩ của ông Ngọc có chữ ký ngoại trưởng Hoa Kỳ?

Bằng tiến sĩ của ông Ngọc có chữ ký ngoại trưởng Hoa Kỳ?

>> Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái học tiến sĩ chỉ 6 tháng

Liên quan đến vụ ông Nguyễn Văn Ngọc - phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - học lấy bằng tiến sĩ chỉ trong sáu tháng, ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - nói: “Cá nhân tôi không tin là có thể học chương trình tiến sĩ ngắn hạn như vậy”.

Ông Nghĩa cho biết không có nước nào quy định chương trình đào tạo tiến sĩ, công nhận bằng tiến sĩ (Ph.D) với thời gian đào tạo trong sáu tháng. Trong trường hợp bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Nghĩa cho rằng để xác minh không có gì phức tạp. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, “Bộ GD-ĐT chỉ tiến hành thẩm định khi có yêu cầu của cơ quan sử dụng hoặc của chính đương sự kèm theo hồ sơ về bằng cấp đó” - ông Nghĩa giải thích.

Chân dung Trường SPU

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ngọc học tiến sĩ tại Trường Southern Pacific University (ĐH Nam Thái Bình Dương - SPU) là một trường ĐH trực tuyến. Trường chỉ tồn tại trên trang web www.spuni.edu với tất cả các đầu mối liên lạc (contact) bằng email hoặc qua trang web này. Theo những thông tin thể hiện trên trang web, SPU không có địa chỉ, không có campus (cơ sở trường lớp).

Thông tin trên trang web cho biết SPU được thành lập năm 1995 với danh nghĩa “một viện ĐH phi truyền thống”. Mục đích là cung cấp các chương trình học đào tạo từ xa hoặc online (qua mạng), cấp bằng từ diploma, cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ. Theo quảng cáo của trường, SPU có khả năng “cung cấp các chương trình học phù hợp với đối tượng học viên đa dạng ở khắp nơi trên thế giới”.

Tuy là một trường ĐH nhưng SPU không được kiểm định chất lượng. Với những giấy phép hoạt động được công bố trên trang web này, SPU có tên đầy đủ là “Southern Pacific University Limited”, đăng ký với danh nghĩa như một công ty thương mại tư nhân tại St.Kitts & Nevis (bang Delaware, Mỹ) và Belize.

Đối với chương trình đào tạo tiến sĩ, SPU có thông báo thời gian đào tạo yêu cầu từ 2-3 năm. Người học có thể học từ bất cứ đâu sau khi đăng ký qua mạng.

Lật lại lịch sử của SPU, vào ngày 28-10-2003, “trường ĐH” này đã bị chính quyền Hawaii (Mỹ) cấm hoạt động do vi phạm pháp luật, có các hoạt động không hợp pháp. Theo các thông tin được cung cấp bởi các thành viên trên http://online.degree.net - một diễn đàn cung cấp các thông tin về chương trình đào tạo, cấp bằng online - thì SPU hiện có rất nhiều văn phòng chi nhánh nhưng đều hoạt động tại Malaysia, cung cấp bằng cấp theo hình thức “mua bán văn bằng”.

Học phí không tới 17.000 USD

Tại Việt Nam, tìm kiếm liên lạc với dịch vụ cung cấp chương trình đào tạo và văn bằng của SPU cũng rất dễ dàng. Trên mạng có thể tìm ra hàng chục mẩu tin quảng cáo trên các trang web... rao vặt với nội dung: “Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, học tại chỗ, nhận bằng tốt nghiệp được kiểm định quốc tế. Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển hồ sơ...”. Học viên có nhu cầu chỉ cần liên hệ vào một email cá nhân thông thường hoặc các số điện thoại...

Dịch vụ cũng cung cấp cả “giảng viên hỗ trợ học tập, hướng dẫn khoa học tại Việt Nam: GS, PGS, TS Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt”. Mức học phí, phí hướng dẫn trọn vẹn khóa đào tạo đối với bằng thạc sĩ gồm 50 USD lệ phí hồ sơ, 6.000 USD học phí nộp chia đều hai lần trong thời gian đào tạo tối thiểu. Đối với bằng tiến sĩ có mắc hơn một chút gồm 50 USD lệ phí hồ sơ, 10.000 USD học phí nộp chia đều ba lần tính trên thời gian đào tạo tối thiểu. Mức học phí dịch vụ này rẻ hơn nhiều so với 17.000 USD của ông Nguyễn Văn Ngọc.

Đáng chú ý, trước đó ông Ngọc được cấp bằng thạc sĩ cũng từ một trường ĐH trong danh sách “đen” nhưng lại được “đóng dấu bảo đảm” là sản phẩm liên kết giữa khoa quản trị kinh doanh ĐH Quốc gia Hà Nội với “đại học” Irvine, có xuất xứ Hoa Kỳ. Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, khóa học thạc sĩ này kéo dài 12 tháng, chỉ học vào thứ bảy và chủ nhật với mức học phí hơn 8.000 USD.

Học viên được khuyến cáo bỏ thêm ngần ấy tiền nữa để đi “thực tế” Hoa Kỳ hai tuần, nhưng nếu không đi thì... vẫn cấp bằng bình thường. Chỉ lướt qua website của một số cơ quan, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng thương mại... đã thấy có cán bộ đang “sở hữu” những tấm bằng “sang” từ một trường quốc tế “dỏm”.

Bằng tiến sĩ của ông Ngọc có chữ ký ngoại trưởng Hoa Kỳ?

Theo thông tin riêng của Tuổi Trẻ, tại lớp học lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA dạng “hợp tác quốc tế” với ĐH Irvine của ĐH Quốc gia mà ông Ngọc theo học vào năm 2007, một số học viên đã từng được một người tự xưng là giám đốc Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế - tài chính (trụ sở tại phố Kim Đồng, Giáp Bát, Hà Nội) liên hệ để giới thiệu về khóa đào tạo “lên” tiến sĩ tại SPU, lấy bằng nước ngoài với các yêu cầu rất “nhẹ nhàng”.

Chiều 26-7, ông Nguyễn Thanh Nam - giám đốc Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế - tài chính - không thừa nhận mình “dẫn đường đi” cho những vị tiến sĩ theo học Trường SPU, nhưng lại khẳng định chắc chắn về tính pháp lý của những tấm bằng này: “Chuyện SPU bị đóng cửa từ năm 2003 mới chỉ là đóng ở... bộ phận của bang, chứ chỗ khác vẫn hoạt động bình thường”.

Ông Nam còn “bật mí”: “Bằng của ông Ngọc tôi đã có dịp xem qua, bảo đảm do ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là bà Condoleezza Rice ký, kèm theo đó là chữ ký của cả... tòa án New York, thống đốc bang New York. Còn bằng tiến sĩ của ông giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Thọ mà gần đây dư luận xôn xao còn có cả chữ ký của cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton”.

Ngọc Hà

Theo Thanh Hà - Ngọc Hà
Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào: