Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Tạ Quang Bửu:

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Tạ Quang Bửu:
Tấm gương và những lời căn dặn còn mãi
Lao Động Cuối tuần số 28 Ngày 25/07/2010 Cập nhật: 5:48 AM, 25/07/2010
GS Tạ Quang Bửu.
(LĐCT) - Trong những ngày này, khi nói đến những giải pháp giải quyết những bất cập, lạc hậu, bệnh hình thức, giả dối kéo dài trong nền giáo dục nước nhà, nhiều trí thức thường nhắc đến tấm gương và những di huấn của GS Tạ Quang Bửu (1910-1986).

Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp và Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên, nhà bác học lớn của đất nước, một “Lê Quý Đôn thời đại Hồ Chí Minh”.

Đó là một nhà trí thức từ hơn 40 năm trước đã kiên tâm phấn đấu cho một nền giáo dục “thực dạy, thực học”, “học đi đôi với hành” và đã sớm chỉ ra rằng đất nước không thể tiến lên được nếu không thanh toán được một nền sản xuất không có kỹ thuật và một nền kỹ thuật thiếu cơ sở khoa học, tức là nếu không sớm vươn lên một nền kinh tế tri thức như cách gọi hôm nay.

Giáo sư Bửu có sự uyên bác rất kỳ lạ. Tôi chỉ nói một khía cạnh nhỏ, đó là lĩnh vực sinh học - một lĩnh vực khác hẳn với chuyên ngành toán học, chuyên ngành mà ông đã lấy bằng tú tài Toán từ năm 1929, và sau đó là những năm được đào tạo chính quy ở các Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh)...

Trong kháng chiến chống Pháp, khi bố tôi - GS Nguyễn Lân - làm Giám đốc Giáo dục Liên khu X, có lần cụ đã mang về nhà cuốn sách “Sống” và cuốn “Vui sống” do GS Tạ Quang Bửu viết, được in trên giấy dó. Tôi còn nhỏ quá nên đọc không hiểu. Sau này học đại học chuyên ngành sinh học tôi mới có điều kiện đọc lại.

Phải nói là kỳ lạ vì GS Bửu viết ra những điều rất uyên bác ấy vào năm 1948, nghĩa là năm năm trước khi J.D.Watson và F.H.C.Crick khám phá ra cấu trúc ADN, mở màn cho thời đại sinh học phân tử. Thời ấy mà GS Bửu đã viết được: Ngoài chromosome (nay gọi là nhiễm sắc thể - NLD) thì tế bào chỉ chứa những hoá chất không có gì đặc sắc... Nhưng số đặc tính trong một con người lớn hơn số chromosome nhiều, nên các đặc tính ấy chỉ có thể chiếm những phần tử rất bé của chromosome: mỗi đặc tính sẽ chiếm một căn cứ gọi là gen...

Một chromosome là một chuỗi gồm 2000 gen và như thế chiều dài của mỗi gen không quá 3/10000mm hay ba trăm Angtrom. Theo đó một gen dài bằng một trăm lần khoảng cách giữa hai nguyên tử trong một khí. Còn bao nhiêu khái niệm hiện đại khác mà GS Bửu viết bằng tiếng Anh. Bất kỳ nhà sinh học nào đọc lại cuốn sách mỏng này và nhớ rằng GS Bửu viết ra vào năm 1948 thì chỉ có thể từ ngạc nhiên đến khâm phục.

Ngày nay, khi các nhà sinh học trên thế giới bắt đầu chuyển sang nghiên cứu sinh học lượng tử (Quantum Biology) thì ngay trong cuốn sách rất mỏng kia GS Bửu đã khẳng định được rằng: Gen, phân tử khổng lồ, theo thuyết Delbruck, cũng là một hệ thống phải cắt nghĩa bằng những định luật của lượng tử học. Tiếc rằng tác phẩm này GS Bửu viết bằng tiếng Việt chứ nếu không chắc hẳn phải được coi là một trong những trước tác kinh điển của giới sinh học quốc tế, vì trong đó đã có những tiên đoán rất khoa học.

Về những uyên bác trong toán học và vật lý học của GS Bửu chắc chúng ta đều đã biết rõ. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết GS Bửu là người cùng KS Phạm Quang Lễ (tức GS Trần Đại Nghĩa sau này) đã lên Thái Nguyên thử đạn bazôca của Mỹ ngay sau khi KS Lễ vừa theo Bác Hồ từ Pháp về Hà Nội. Ông không chỉ uyên bác về kiến thức mà rất tài hoa trong việc viết tài liệu phổ biến khoa học. Cái khó mà tôi cố học ở ông là: viết thế nào để ai đọc cũng thấy những cái mới nhưng ai đọc cũng hiểu được (hay ít nhiều hiểu được) nội dung chủ yếu.

Sự uyên bác của GS Bửu gắn liền với tinh thần tự học suốt đời của ông. Ông chỉ có bằng cử nhân trong tay, cho nên khi có người hỏi bằng cấp nào cao nhất mà ông có thì người ta đồn rằng ông đã trả lời là Bằng bơi lội do Hoàng gia Anh cấp.

Ông miệt mài đọc sách và chọn toàn những quyển cốt lõi nhất để đọc. Thí dụ như về sinh học ông chọn cuốn “Was is Leben” của E.Schrdinger qua bản dịch tiếng Đức (vì không có nguyên bản tiếng Anh). Ông thông thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga và cả chữ Hán nữa. Khi đã ở cương vị lãnh đạo cao, GS Bửu vẫn đều đặn đến thư viện khoa học để tự chọn sách mượn về đọc.

Là người lãnh đạo ngành đại học và trung học chuyên nghiệp trong 11 năm trời, GS Bửu đã đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo không chỉ cho hai ngành này mà cả cho ngành giáo dục phổ thông nữa.

Xin nhắc lại một số ý kiến mà GS Bửu đã từng phát biểu: “Mục đích phấn đấu của chúng ta là làm cho học sinh tốt nghiệp lớp 10 phải biết làm một số việc như biến đổi đại số, giải một số phương trình đại số, tính được một số đạo hàm, vẽ một số đồ thị; còn về mặt hình học cũng phải biết làm một số động tác cần cho các chứng minh và cho việc dựng hình. Biết làm là chủ yếu, còn biết nhiều về toán hoc chỉ là yêu cầu phụ và chúng ta phải làm sao cho học sinh thông qua biết làm mà biết nhiều và biết sâu... Thầy cần tránh nói sai để sau phải cải chính lại, vì cải chính chỉ xoá bỏ cái sai của thầy chứ không xoá được cái sai mà trò đã tiếp thu...”.

“Ở bậc phổ thông, bài tập nên theo sát từng đợt các bài giảng để học sinh nắm vững định nghĩa và quy tắc. Rõ ràng không cần nhiều bài tập mà cần một số ít nhưng thật tiêu biểu, nhất định phải làm được... Thần đồng toán học là một quá trình xây dựng chứ không phải là một hiện tượng bẩm sinh... Chúng ta nên kiên quyết tập cho học sinh từ bé cân nhắc trước khi viết, biết quý sự viết ít mà đúng...”. Hình như chúng ta chưa làm được bao nhiêu so với các lời căn dặn của GS Bửu.

Trong gần một thập kỷ phụ trách việc xây dựng và quản lý nền khoa học và công nghệ nước ta, GS Bửu cũng đã có biết bao chính kiến cơ bản và thoả đáng. Chúng ta không thể quên những lời chỉ bảo của ông, chẳng hạn như: “Kỹ thuật là nhập cảng, là bắt chước, rồi cải tiến, sáng tạo trong cái bắt chước... Tất nhiên chúng ta càng phải sáng tạo”.

“Nhưng sáng tạo ở đâu? Sáng tạo thế nào? Sáng tạo để làm gì? Chưa thật rõ ràng lắm. Phải chăng chúng ta phải sáng tạo để nâng cao hiệu suất và chất lượng? Ý thức về chất lượng, kỷ luật và chất lượng của chúng ta còn thấp. Cứ như vậy mãi, sẽ khó mà có tiến bộ kỹ thuật, đừng nói gì đến cách mạng kỹ thuật… Chúng ta phải thanh toán càng nhanh càng tốt hiện tượng sản xuất không có kỹ thuật. Hơn nữa, chúng ta phải tiến đến thanh toán kỹ thuật không có cơ sở khoa học...Trường chúng ta phải là trường vừa học vừa làm để đào tạo ra những người vừa làm vừa học...”.

GS Tạ Quang Bửu có một nhân cách hết sức quý giá, chưa bao giờ ông lo nghĩ cho riêng bản thân mình. Nghe nói ông dùng chiếc TV đen trắng cho mãi đến khi người con rể tặng ông một chiếc TV màu.

Ông rất gần gũi với mọi người và biết chọn trong mỗi ngành những người giỏi để trực tiếp giao nhiệm vụ. Ông giao cho những việc rất cụ thể và tận tình hướng dẫn để có thể làm bằng được. Đi công tác địa phương ông kéo những cán bộ này đi theo và chỉ định những nhiệm vụ khoa học cần giải quyết. Càng giỏi càng khiêm tốn và càng biết tin dùng lớp trẻ. Đó là bài học không phải ai cũng có thể học được.

Giáo sư Tạ Quang Bửu đã chia tay với chúng ta 24 năm rồi, nhưng tấm gương và những lời căn dặn của ông luôn còn mãi trong những người được có dịp làm việc với ông, những học trò của ông và tất cả những ai được biết đến về tài năng và nhân cách của ông.

Nguyễn Lân Dũng

Không có nhận xét nào: