- Ông Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết nếu Ngô Bảo Châu có đoạt giải thưởng Fields thì cũng còn rất lâu nữa, vị trí Toán của Việt Nam trên bản đồ quốc tế mới được nâng lên. Ông đã có những nhận xét dưới đây về Ngô Bảo Châu và Toán học Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN | |
---|---|
Mở ra cơ hội lớn
Nếu Ngô Bảo Châu được nhận Giải thưởng Fields thì không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn trong khu vực và thế giới. VN, một đất nước nghèo, không có truyền thống về khoa học, về Toán lại được giải thưởng Fields. Nó chứng minh là nếu có cách làm đúng thì những người từ vùng lạc hậu như đất nước chúng ta cũng có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học. Đó là ý nghĩa sâu sắc đối với quốc tế.
Ông Lê Tuấn Hoa nhận định: Nếu Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields, sẽ có rất nhiều người tài được anh mời về dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam. |
Với châu Á, đây cũng là niềm tự hào vô cùng lớn, không phải do chúng tôi tự nghĩ ra, vì cho đến nay cả châu Á có 3 giải thưởng Fields thì cả ba người đều mang quốc tịch Nhật Bản.
Năm ngoái khi tôi đi Hong Kong, các giáo sư ở đó cũng dự đoán Ngô Bảo Châu là ứng cử viên nặng ký của giải thưởng Fields.
Ngay từ năm 2008, trong làng Toán nhiều người đã tin Ngô Bảo Châu sẽ đoạt giải thưởng Fields khi anh kết thúc công trình nghiên cứu của mình.
GS. Ngô Bảo Châu cũng như bất kỳ một nhà khoa học chân chính nào làm việc không vì giải thưởng, mà làm việc vì khám phá bí ẩn của khoa học. Giải thưởng có đến thì như một phần thưởng, như là một hệ quả (nói theo ngôn ngữ Toán học) của những cống hiến.
Nếu GS Châu được giải thưởng, nó cũng mở ra một cơ hội rất lớn, vì GS có thể là một cầu nối mời rất nhiều chuyên gia sang Việt Nam làm việc, giúp đỡ chúng ta làm khoa học, mà kể cả có tiền chúng ta cũng không mời được những GS đầu ngành Toán cũng như các ngành khoa học khác. Thế hệ trẻ sẽ có cơ hội học được những thành tựu mới nhất của khoa học thế giới.
Trả lương một tháng không bằng một ngày
Từ năm 2000, GS Ngô Bảo Châu thường xuyên về VN làm việc, tham gia giảng dạy, dạy trường hè cho SV học toán (có từ 3 năm nay) từ khắp các trường ĐH trong nước, gồm khoảng 100 em đến dự. Một trong những người tham gia xây dựng đề án và lăn lộn gặp các quan chức để xin được đề án chính là anh Châu. Chương trình đào tạo thạc sĩ Toán trình độ quốc tế (năm nay là năm thứ tư) cũng có sự góp mặt của Ngô Bảo Châu.
Ngô Bảo Châu hàng năm về dạy Toán cho sinh viên vào dịp hè. |
Viện Toán học đã "phá lệ" khi trả cho anh Châu mức cao nhất mỗi khi anh về VN làm việc, tức là bậc lương cao nhất của GS là 8.0, nhân với hệ số, như vậy một tháng cao nhất là 5 triệu, không bằng tiền một ngày làm việc ở nước ngoài. Anh phải tự bỏ tiền túi về VN làm việc và nhận đồng lương ít ỏi như thế.
Ai cũng biết rằng kết quả làm việc của Ngô Bảo Châu là làm việc tại Pháp, tại nước ngoài nhưng anh đã có thời gian rất dài học tập tại Việt Nam (hết lớp 12).
Sự đóng góp của mình lớn đến mức độ nào là tùy mỗi người đánh giá, chúng tôi không bao giờ nói sự trưởng thành của anh Châu là chủ yếu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sự thành công bao giờ cũng là tổng hợp của nhiều yếu tố. Anh Châu đã nhiều lần nói với chúng tôi: Nếu không có hệ chuyên Toán thì không có những người giỏi.
Việt Nam có số lượng tiến sĩ Toán ít hơn Microsoft
Nền toán học phải được đánh giá trên cái nền nghiên cứu toán học, chứ không phải là lớp chuyên toán hay các giải thưởng Olympic quốc tế. Hiện Việt Nam xếp hạng về Toán thứ 50 trên thế giới, dù anh Châu có đoạt giải thưởng Fields thì không có nghĩa vị trí Toán học của nước ta sẽ tăng lên. Bởi vì, điều đó phụ thuộc vào việc phải có rất nhiều người nghiên cứu Toán, nhiều người thích học Toán. XEM BẠN ĐỌC ĐỐI THOẠI VỚI TIẾN SĨ LÊ TUẤN HOA
Cả Việt Nam chỉ có khoảng 150 người được gọi là nghiên cứu Toán học đích thực (theo đuổi nghề nghiên cứu lâu dài). Số người có bằng cấp về Toán học (bằng tiến sĩ) có khoảng 1000.
Nói thêm là tỉ lệ đó bình thường trên thế giới, vì có người sau khi làm TS Toán họ không thích hoặc không có điều kiện theo đuổi tiếp con đường nghiên cứu. Riêng công ty Microsoft có 1.000 TS Toán làm việc, gấp nhiều lần cả nước Việt Nam.
Có như thế, người ta mới nghiên cứu ứng dụng được. Chẳng hạn, nếu không có Toán, làm sao chúng ta bảo mật được thẻ ngân hàng mà chúng ta dùng hàng ngày? Phát triển Toán học là làm nền cho phát triển khoa học.
- Tú Uyên (Ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét