Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Chương trình "Hoa Ban Trắng"(HUET: from 23/8/2010 to 21/8/2013)(9c)

http://images.yume.vn/photo/pictures/20100503/tmtien218/origin/picture_077_878151461.jpg

QUYẾT ĐỊNH BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

tmtien218 | 26 June, 2010 19:44


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
————— CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
——————————
Số: 174/2008/QĐ-TTg Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008


QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b). KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
Đã ký

QUY ĐỊNH
TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM
CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008
của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
2. Quy định này được áp dụng đối với nhà giáo đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ (gọi chung là từ trình độ đại học trở lên) ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
3. Các giáo sư, phó giáo sư đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong, công nhận hoặc bổ nhiệm trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục giữ chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Điều 2. Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Sử dụng thành thạo ngoại ngữ” trong chuyên môn được xác định bởi các nội dung sau (cho cùng một ngoại ngữ):
a. Đọc hiểu được các tài liệu chuyên môn viết bằng ngoại ngữ;
b. Viết được các bài báo chuyên môn bằng ngoại ngữ;
c. Trao đổi (nghe, nói) về chuyên môn bằng ngoại ngữ.
2. “Giao tiếp được bằng tiếng Anh” tức là diễn đạt được những điều muốn trình bày cho người khác hiểu bằng tiếng Anh và hiểu được người khác nói bằng tiếng Anh.
3. Thâm niên đào tạo là thời gian làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tính theo năm, tháng. Mỗi năm gồm 12 tháng.
Điều 3. Thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Thủ tục bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư bao gồm việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
2. Thủ tục miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư gồm việc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và việc miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Điều 4. Công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện hằng năm căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư
2. Việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư căn cứ vào nhu cầu công việc, cơ cấu đội ngũ giảng viên của cơ sở giáo dục đại học, việc giao nhiệm vụ và quyền cho giáo sư, phó giáo sư được quy định tại Điều 5, Điều 6 của Quy định này.
Điều 5. Nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư
1. Thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
2. Giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên: giảng dạy; biên soạn chương trình, tài liệu phục vụ đào tạo; hướng dẫn đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, chuyên đề và luận án tiến sĩ và những nhiệm vụ chuyên môn khác do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học giao.
3. Nghiên cứu khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học.
4. Bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn và định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ cho tổ, nhóm chuyên môn.
5. Hợp tác với đồng nghiệp trong và ngoài cơ sở giáo dục đại học về công tác chuyên môn, tham gia các hoạt động tư vấn khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các công tác khác.
6. Quản lý và tổ chức các sinh hoạt học thuật của bộ môn, nếu được cử làm trưởng bộ môn.
Điều 6. Quyền của giáo sư và phó giáo sư
1. Được hưởng các quyền của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục.
2. Được ưu tiên trong việc giao đề tài, đề án khoa học và các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 7. Hội đồng Chức danh giáo sư
1. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước
a. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư;
b. Thành viên của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước gồm: Chủ tịch hội đồng, một Phó Chủ tịch hội đồng, Tổng thư ký và các ủy viên. Các thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phải có chức danh giáo sư. Tổng thư ký hội đồng làm việc theo chế độ chuyên trách. Các thành viên khác của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
c. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có con dấu hình quốc huy và tài khoản riêng. Kinh phí hoạt động của Hội đồng được cấp từ ngân sách Nhà nước thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trụ sở làm việc của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đặt tại trụ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở là các hội đồng chuyên môn, do Chủ tịch hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quyết định thành lập để giúp Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thực hiện nhiệm vụ được giao.
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở.

Chương II
TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 8. Tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
2. Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ.
3. Có bằng tiến sĩ từ đủ 36 tháng trở lên kể từ ngày có quyết định cấp bằng tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ và có chuyên ngành được đào tạo phù hợp với ngành chuyên môn của chức danh giáo sư, phó giáo sư đăng ký xét đạt tiêu chuẩn.
Nếu đã có bằng tiến sĩ nhưng chưa đủ 36 tháng tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ thì phải có số công trình khoa học quy đổi gấp hai lần tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 8 của Quy định này, bao gồm cả các bài báo khoa học và các công trình thực hiện trong ba năm cuối.
4. Có đủ số công trình khoa học quy đổi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học quy đổi được thực hiện trong ba năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.
5. Có báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ dưới dạng một công trình khoa học tổng quan được viết như một bài báo khoa học trình bày ý tưởng khoa học, hướng nghiên cứu chính, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của tác giả từ sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ đối với người đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư hoặc từ sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư đối với người đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư.
6. Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh.
Quy định tại khoản 6 Điều 8 của Quy định này được áp dụng thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Trước thời điểm này thì áp dụng quy định về tiêu chuẩn ngoại ngữ tại Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2001.
7. Đạt từ hai phần ba số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, đạt từ ba phần tư số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và đạt từ hai phần ba số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.
Điều 9. Tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư
1. Đạt tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 8 của Quy định này.
2. Đã có ít nhất sáu năm thâm niên làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên, trong đó ba năm thâm niên cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy trình độ đại học hoặc trình độ cao hơn.
Nhà giáo có trên 10 năm công tác liên tục ở cơ sở giáo dục đại học tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, nếu trong ba năm cuối có thời gian đi thực tập nâng cao trình độ hoặc tu nghiệp không quá 12 tháng thì thời gian đi thực tập này không tính là thời gian gián đoạn của ba năm cuối.
Nhà giáo chưa đủ sáu năm thâm niên làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên thì phải có số công trình khoa học quy đổi ít nhất gấp hai lần tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 8 của Quy định này và ba năm thâm niên cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đang đào tạo trình độ đại học hoặc trình độ cao hơn.
Nhà giáo có bằng tiến sĩ khoa học theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cần có ít nhất một năm thâm niên cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đang trực tiếp đào tạo trình độ đại học hoặc trình độ cao hơn.
3. Hướng dẫn chính ít nhất hai học viên cao học để bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn (chính hoặc phụ) một nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Quy định tại khoản 3 Điều 9 của Quy định này được áp dụng thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Trước thời điểm này chỉ yêu cầu hướng dẫn chính ít nhất một học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn (chính hoặc phụ) một nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
4. Chủ trì ít nhất hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.
Điều 10. Tiêu chuẩn chức danh giáo sư
1. Đạt tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 8 của Quy định này.
2. Đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư có thời gian từ đủ 3 năm trở lên tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.
3. Hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Quy định tại khoản 3 Điều 10 của Quy định này được áp dụng thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Trước thời điểm này chỉ yêu cầu hướng dẫn chính ít nhất 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đang hướng dẫn (chính hoặc phụ) một nghiên cứu sinh khác.
4. Biên soạn sách sử dụng trong đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư. Sách phải được xuất bản, nộp lưu chiểu trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.
5. Chủ trì ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Chương III
THỦ TỤC BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Mục 1
CÔNG NHẬN ĐẠT TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 11. Đối tượng được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên.
2. Những người đang tham gia làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học.
Điều 12. Đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Nhà giáo có nguyện vọng được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đăng ký và nộp hồ sơ tại cơ sở giáo dục đại học mà nhà giáo đang tham gia làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quy định thống nhất mẫu hồ sơ.
2. Cơ sở giáo dục đại học tập hợp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư gửi tới Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở.
Điều 13. Thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở
1. Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo trình tự sau:
a. Mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư hoặc phó giáo sư cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản; mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản;
b. Trao đổi công khai về các ý kiến của những người thẩm định, đánh giá và kết luận đối với từng hồ sơ.
c. Nghe từng người đăng ký xét chức danh trình bày bản báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và báo cáo kết quả đào tạo.
d. Xác định trình độ ngoại ngữ của từng người đăng ký.
đ. Thảo luận và thông qua danh sách những người đăng ký đủ điều kiện để đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm;
e. Biểu quyết tín nhiệm bằng phiếu kín cho những người đăng ký.
2. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, nơi có Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở xác nhận kết quả xét của Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở; gửi kết quả xét và hồ sơ của các nhà giáo đạt đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở cấp cơ sở đến cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo.
3. Thủ trưởng cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo xác nhận danh sách, có ý kiến bằng văn bản về kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của các nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.
Điều 14. Thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành
1. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phân loại hồ sơ và chuyển cho các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành.
2. Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo trình tự sau:
a. Mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư hoặc phó giáo sư cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản; mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản.
b. Trao đổi công khai về các ý kiến của những người thẩm định, đánh giá và kết luận đối với từng hồ sơ.
c. Nghe từng người đăng ký chức danh trình bày bản báo cáo tổng quan kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và báo cáo kết quả đào tạo;
d. Xác định trình độ ngoại ngữ của từng người đăng ký;
đ. Thảo luận và thông qua danh sách những người đủ điều kiện để đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm;
e. Biểu quyết tín nhiệm bằng phiếu kín cho những người đăng ký;
g. Báo cáo kết quả xét cho Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.
Điều 15. Thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước
1. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức thẩm định kết quả xét của các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành, quyết nghị bằng phiếu kín công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư cho các nhà giáo.
2. Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ nghị quyết của Hội đồng ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, chức danh phó giáo sư cho các nhà giáo.

Mục 2
BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 16. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh giáo sư:
a. Nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư không quá hai năm;
b. Nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài;
2. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư:
a. Nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư không quá hai năm;
b. Nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư hoặc phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài.
Điều 17. Trình tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Cơ sở giáo dục đại học thông báo công khai số lượng giáo sư, phó giáo sư ở các ngành mà đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm theo cơ cấu đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
2. Nhà giáo thuộc đối tượng quy định tại Điều 16 của Quy định này có nguyện vọng được bổ nhiệm chức danh giáo sư hoặc chức danh phó giáo sư nộp hồ sơ tại cơ sở giáo dục đại học.
3. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào nhu cầu cần bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học lập danh sách các ứng viên, báo cáo Thủ trưởng cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo xác nhận và có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ đề nghị của Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư và chức danh phó giáo sư.
5. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các giáo sư, phó giáo sư đã được bổ nhiệm.
Định kỳ 3 năm một lần, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tiến hành rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các giáo sư, phó giáo sư để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp theo.

Chương IV
THỦ TỤC MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Mục 1
HỦY BỎ CÔNG NHẬN ĐẠT TIÊU CHUẨN
CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 18. Đối tượng bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Những người đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; những người đã được phong hoặc được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành bị phát hiện và xác định là không đủ tiêu chuẩn quy định tại thời điểm được phong hoặc công nhận.
2. Những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp hoặc đã bị thu hồi hoặc tước bằng tiến sĩ thuộc ngành chuyên môn của chức danh giáo sư, phó giáo sư
3. Những người đã bị kỷ luật buộc thôi việc.
4. Những người bị tòa án phạt tù giam hoặc án treo, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Điều 19. Thủ tục hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xác minh những trường hợp thuộc đối tượng bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
2. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thẩm định và nghị quyết bằng lấy phiếu kín từng trường hợp hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
3. Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ nghị quyết của Hội đồng ra quyết định hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo, cho các cơ sở giáo dục đại học và cho người bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh hoặc cho người bị tước bỏ công nhận chức danh.
Mục 2
MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

Điều 20. Đối tượng miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Những người đã được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao quy định tại Điều 5 của Quy định này.
2. Những người đã bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
3. Những người được phong, công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng bị tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Điều 21. Trình tự miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Trưởng khoa hoặc trưởng bộ môn trực thuộc trường căn cứ ý kiến của bộ môn đề nghị Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học về việc miễn nhiệm đối với từng giáo sư hoặc phó giáo sư thuộc đối tượng miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư quy định tại khoản 1 Điều 20 của Quy định này.
2. Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học xem xét đề nghị của trưởng khoa đối với từng trường hợp đề nghị miễn nhiệm và có ý kiến bằng văn bản gửi Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học.
3. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ ý kiến của Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học lập danh sách những người cần miễn nhiệm kèm theo văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ trưởng cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo. Đối với những người thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và 3 Điều 20 của Quy định này thì đưa thẳng vào danh sách cần miễn nhiệm không phải thực hiện các công đoạn quy định tại các khoản 1 và 2 của Điều này.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ đề nghị của Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ra quyết định miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
5. Căn cứ quyết định miễn nhiệm, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động với người đã được miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.


Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Hướng dẫn thực hiện việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định tại Văn bản này.
2. Tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ việc thực hiện quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và hủy bỏ kết quả công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, việc tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, việc thực hiện thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định tại Điều 23 của Văn bản này.
3. Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xây dựng và trình Chính phủ quyết định ban hành các chính sách, chế độ cho giáo sư và phó giáo sư.
Điều 23. Trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo sư, phó giáo sư đã được bổ nhiệm tại cơ sở, tạo điều kiện cần thiết để các giáo sư, phó giáo sư hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đảm bảo các quyền của giáo sư, phó giáo sư theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Văn bản này.
Điều 24. Khiếu nại, tố cáo
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
Đã ký

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

tmtien218 | 26 June, 2010 19:39

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thành viên của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước gồm: Chủ tịch hội đồng, một Phó Chủ tịch hội đồng, Tổng thư ký và các ủy viên. Các thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phải có chức danh giáo sư. Tổng thư ký hội đồng làm việc theo chế độ chuyên trách. Các thành viên khác của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2009-2014
Chủ tịch Hội đồng:
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phó Chủ tịch Hội đồng:
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tổng Thư ký Hội đồng:
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các Uỷ viên Hội đồng:
1. Giáo sư, Tiến sĩ Từ Quang Hiển, Giám đốc Đại học Thái Nguyên.
2. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Cơ học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
3. Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Minh, Trường Đại học Dược Hà Nội.
4. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hoá, Bộ Công thương.
5. Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
6. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đào, Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải.
7. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoà Bình.
8. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.
9. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh, Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
10. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trung tướng, Học viện Quốc phòng.
11. Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
12. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
13. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trí Úc, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
14. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
15. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Chủ nhiệm Khoa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
16. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Quang Côn, Viện Sinh thái tài nguyên sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
17. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
18. Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
19. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hoàng Kiếm, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
20. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hà Huy Khoái, Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
21. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hoò Chí Minh.
22. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thu Hà, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
23. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chí Quế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
24. Giáo sư, Tiến sĩ Bạch Thành Công, Chủ nhiệm Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
25. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Liên, Bộ Xây dựng.
26. Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khánh, Học viện Quân y.
Quay lại

Không có nhận xét nào: