Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Một góc nhìn khác về Ngô Bảo Châu: Tài năng và si tình

01:57 | 22/08/2010

Một góc nhìn khác về Ngô Bảo Châu: Tài năng và si tình

>> Những giờ thanh thản sau giải thưởng

TP - LTS: Anh Hoàng Hồng Minh là một người bạn lâu năm của giáo sư Ngô Bảo Châu, hiện đang làm việc tại Paris, Pháp. Nhân dịp giáo sư Ngô Bảo Châu được giải Fields, anh Hoàng Hồng Minh kể cho độc giả Tiền Phong chủ nhật nghe một kỷ niệm liên quan đến thời gian Ngô Bảo Châu mới sang Pháp.

Trong bài tác giả sử dụng đại từ Anh La – đây là một biệt danh mà anh Ngô Bảo Châu thường dùng để gọi anh Hoàng Hồng Minh.

Ảnh: Nguyễn Xuân Hoàng
Ảnh: Nguyễn Xuân Hoàng.

Đầu những năm 90 của thế kỉ trước… nhiều lần đang ngồi ngắm sách ở cái thư viện tầng trệt của khu trường đại học Jussieu, Anh La thấy có một chàng trai nhỏ nhẹ bẽn lẽn hay lượn vào. Cái thư viện này không lớn, nhưng khá vắng vẻ, bạn có thể làm tổ ở đây không ai để mắt.

Anh La sau bao nhiêu năm rời bỏ tư duy định thức, ở ta hay gọi là “hình thức”, bay lượn mơ hồ trong không gian “nhân học”, thì nay lại lọ mọ khảo mấy cái toán logic, lý thuyết tập hợp nguyên ủy, trí tuệ nhân tạo… Quả thật Anh La đánh vần không xong mấy cái môn này, và phải dẹp loạn các thức tưởng trong đầu mình để đưa cái tư duy của mình vào khuôn.

Cái anh chàng bẽn lẽn ủy mị này đã lại lượn sau lưng Anh La tự bao giờ… Ngó nghiêng đám tài liệu của Anh La chút ít, chàng đã lại kịp giải thích và gợi ý suy nghĩ cho Anh La ngay. Cái tên Bảo Châu của chàng nghe cũng đã thấy bẽn lẽn, nhưng suy nghĩ của chàng thì khỏe khoắn giản dị lạ lùng.

Nhưng mà làm việc lâu với các vị tài giỏi, trẻ trung, nhanh nhẹn hơn mình thì mệt lắm. Mình chỉ tiến lên được theo cái nhịp của mình thôi… “Ta đi uống càfê nghen”. Và chàng bao giờ cũng đồng ý ngay.

….

Với sinh viên thì khu trường bên sông Seine này là thánh địa. Đơn giản vì ở đây có không gian, có sách vở, có bạn bè, có cantine để ăn, càfê rẻ tiền, có phòng máy tính… Bên Sorbonne cạnh đó cổ kính đẹp đẽ nhưng chật chội hơn. Nhiều khi học bên này rồi chạy sang bên kia. Và các khu trường này bao gồm nhiều trường tụ lại chia sẻ cùng nhau các không gian.

Nói chuyện phòng máy tính cá nhân thời đó toàn là thế hệ 8086, và máy 286 là xịn nhất. Trong cặp bạn có hộp đĩa “diskete” 512 K là oai lắm, không thì cũng một hai chiếc. Những chiếc đĩa này chứa những dòng chương trình “siêu đẳng cá nhân” cùng các virus đủ nguồn gốc. Vào phòng máy người ta phát cho bạn một diskete để khởi động máy, gồm DOS và ngôn ngữ lập trình, tỉ như PASCAL, PROLOG, LIPS, BASIC…

Lân la ở khu trường suốt ngày là rẻ nhất, mà cũng khá đủ niềm vui, và dù sao cũng học hành được chút đỉnh. Với những sinh viên nghèo khó, cô đơn, xa gia đình, có khi còn xa quê hương, xa đất nước… đây cũng là trung tâm san sẻ tâm tư.

Nếu uống càfê mà hỏi chuyện hai cái huy chương vàng Olympiad Toán Quốc Tế thì Bảo Châu chỉ cười mỉm thôi, lại càng bẽn lẽn. Chàng chỉ thích chuyện khác thôi. Nhưng mà cứ loanh quanh không rõ ràng…

Thời gian làm chàng tin tưởng Anh La, và ngược lại.

Cái âm thanh ban đầu hay tuột ra, nay cố định hơn, vững chắc hơn, mà cũng nuột nà hơn.

Đó là chữ “thanh thanh”. Vì chàng hay đề cập đến đề tài này bột phát, mà tai Anh La lại không thính, chàng áp dụng qui tắc nhân đôi âm thanh.

GS Ngô Bảo Châu và tác giả
GS Ngô Bảo Châu và tác giả.

Anh La thỉnh thoảng lại ngắm nhìn hơi lo âu Bảo Châu.

Rõ ràng vẫn là một thiếu niên hơn là thanh niên, e dè dễ mến, tài năng và triển vọng tràn trề, nhưng chàng đã yêu say đắm “bạn Thanh” từ thuở nao nao.

Liệu chàng có tập trung học hành được không?

Liệu chàng yêu chỉ vì chưa từng biết yêu, hay chàng đã biết yêu mà chưa từng yêu?

Từ nay đến lúc trưởng thành hơn, lâu đấy, chàng và nàng nuôi tình này thế nào?

Nếu chẳng may đổ vỡ, chàng và nàng sẽ ra sao đây?

Các câu hỏi không có nghĩa lý gì với chàng cả. Chàng dành dụm, và khi có thể là nhót về quê hương thăm nàng.

Và mỗi lần như thế, hôm sau Anh La lại đã được nghe chuyện “bạn Thanh” mới tinh tươm bên tách càfê rồi.…

Rồi mọi chuyện cuốn đi, ba cô con gái xinh đẹp thông minh nay lớn như thổi! Dù nhức đầu đến đâu, nếu ai được chuyện với bạn Thanh, những phiền não của bạn sẽ tan như bong bóng xà phòng dưới nắng vàng gió mát. Đấy là cái mà Bảo Châu chỉ còn biết cảm ơn bạn Thanh.

Điều Anh La khó hiểu nhất là giữa cái giải Fields và việc yêu sớm, vội cưới, đẻ nhiều con của Bảo Châu có liên quan gì không nhỉ? Bao nhiều lần định hỏi bạn Thanh, nhưng cứ gặp bạn Thanh là phiền não lại tan mất.

Chả nhẽ là không? Chắc gì là có?

Giáo sư Ngô Bảo Châu:

Nỗi lo lớn thành niềm vui lớn

Sau khi đoạt giải Fields làm nức lòng cả nước, GS Ngô Bảo Châu đã viết một bài nhỏ đăng lên blog của mình. Xin trích giới thiệu với bạn đọc.

Từ khi được thông báo về giải thưởng Fields, tức là cách đây vài tháng cho đến ngày hôm qua, là một khoảng thời gian đầy lo âu đối với tôi. Lo lắng lớn về cái trách nhiệm hiển nhiên của người nhận giải đối với đất nước. Lo lắng nhỏ về cái không gian riêng tư của mình sẽ bị người khác xâm phạm...

Từ ngày hôm qua, nỗi lo lớn đã trở thành niềm vui lớn. Nó là sự tự hào đã được nhân lên trong trái tim của triệu con người. Tôi chỉ mong ước một cách chân thành là nó sẽ ở lại trong trái tim bạn như một niềm tin nho nhỏ, được giữ gìn cẩn thận. Không phải ai cũng có khả năng để đạt giải Nobel hay Fields, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Tôi cũng muốn tin rằng giải thưởng Fields sẽ đánh dấu một bước ngoặt, sẽ đem đến một luồng gió mới cho khoa học và giáo dục đại học ở nước ta. Cá nhân tôi quá bé nhỏ so với một dự kiến lớn như vậy. Nhưng bên cạnh bao nhiêu yếu kém, trì trệ, bảo thủ, tôi còn thấy những người lớn tận tụy vì khoa học, những bạn trẻ tràn trề niềm say mê khoa học. Hy vọng chúng ta sẽ đi cùng một con đường.

Ở phần giải thích thắc mắc, GS Ngô Bảo Châu cho biết anh không có ý định nhận quà từ các cá nhân. Quỹ khuyến học NBC, sẽ ra đời trong tương lai, có thể tiếp nhận mọi thiện nguyện từ các cá nhân và được dùng trọn vẹn cho việc khuyến học.

Anh cũng cho biết, anh có thêm quốc tịch Pháp từ đầu năm 2010, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Anh lý giải: “Quốc tịch Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Mặt khác, tôi có nghĩ trong trường hợp có cái huy chương, bên cạnh toán học VN, toán học Pháp sẽ vì thế mà được vinh danh một cách xứng đáng”.

Ba cô con gái đều giỏi tiếng Việt

Ba cô con gái của  Ngô Bảo Châu. Ảnh: Blog Thích học toán
Ba cô con gái của Ngô Bảo Châu. Ảnh: Blog Thích học toán.

Giáo sư Ngô Bảo Châu lập gia đình năm 1994, khi anh mới 22 tuổi và vừa học xong chương trình thạc sĩ. Bạn đời của anh là chị Nguyễn Bảo Thanh – một người bạn cùng lớp với anh thời còn học trường THCS Trưng Vương.

Theo thầy giáo Phạm Văn Hùng, người trực tiếp dạy và dìu dắt Ngô Bảo Châu trong đội tuyển quốc gia đi thi học sinh giỏi quốc tế, thì ấn tượng của thầy về Châu là một cậu học trò xuất sắc và si tình, và bóng hồng ngự trị trong tim cậu học trò ấy là Bảo Thanh. Thầy cho biết, Bảo Châu si tình đến nỗi bố mẹ cậu phải tuyên bố “học xong đại học mới được cưới vợ”.

Năm 1995, chị Nguyễn Bảo Thanh theo chồng qua Pháp, sau đó là qua Mỹ. Hiện nay họ đã có ba cô con gái: Ngô Thanh Hiên – 15 tuổi, Ngô Thanh Nguyên – 10 tuổi; Ngô Hiền An – 7 tuổi. Các cháu đều nói tốt tiếng Việt và hầu như mùa hè nào cũng về Việt Nam ở với ông bà nội.

H.H.M.

Hoàng Hồng Minh


Không có nhận xét nào: