Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Ngô Bảo Châu: Môi trường khoa học cần tự do tuyệt đối

Ngô Bảo Châu: Môi trường khoa học cần tự do tuyệt đối
,

- Nhận được hàng tràng pháo tay trong Hội trường lớn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, tối nay, 29/8, GS Ngô Bảo Châu bước lên bục danh dự và nói: "Tôi hiểu nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ là chuyên môn mà còn là đem đến cơ hội cho những người trẻ - không kể xuất xứ, lai lịch - cơ hội để phát triển tiềm năng trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đó là điều tôi muốn nói với các nhà khoa học, nhà quản lý và tất cả những người làm cha mẹ".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang phát biểu. Ảnh: Tú  Uyên
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang phát biểu. Ảnh: Tú Uyên

Mặc dù giấy mời ghi thời gian đón khách từ 19h30 nhưng từ 17h, Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình đã đông nghẹt học sinh, sinh viên các Trường ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa, Trường Tiểu học Thực nghiệm, Trường THCS Trưng Vương.

Đến 19h, ngay ngoài cổng số 2 của trung tâm đã phải đóng cửa. Chúng tôi thấy Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Thanh ở Bộ Công thương đang đứng ngoài. Một chiếc xe biển 80B cũng phải đợi khoảng 20 phút, sau khi lực lượng an ninh giải tán đám đông đứng ở tràn ở ngoài đường Phạm Hùng.

Vào tới sảnh, trước cửa kiểm tra an ninh, hơn 20 phóng viên, trong đó có cả một phóng viên bay từ TP.HCM ra tác nghiệp, cũng loay hoay tìm chỗ vào. Ngay gần đó, hai dãy dài bóng áo đồng phục học sinh khối phổ thông chuyên của ĐH Khoa học Tự nhiên cũng đang kiên nhẫn chờ qua cửa soát giấy mời. Tuy nhiên, mọi nỗ lực lọt qua cửa kiểm soát vòng 2 đều vô ích khi các nhân viên an ninh ra thông báo: "Hội trường đã kín chỗ". Tay cầm tờ giấy mời trên tay, nhà giáo nhân dân Hoàng Văn Thật dẫn theo đứa cháu đích tôn, không giấu nổi sự bực mình vì không thể nào vào trong hội trường.

Hội trường lớn trong lễ tôn vinh GS Ngô Bảo Châu tối nay không còn một chỗ trống.

Sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (về trân trọng nhân tài), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (về chiến lược cho toán học) cùng hai bạn trẻ (bày tỏ ngưỡng mộ, đam mê) là những chia sẻ chân thành của GS Ngô Bảo Châu.

Nghe GS Ngô Bảo Châu nói

Mỗi ví dụ của anh (về tuổi thơ khó khăn thời hậu chiến, về những ngày đầu nghiên cứu ở Pháp, Mỹ...) là một thông điệp, về sự tương thân trong cộng đồng, về không gian tự do tuyệt đối và môi trường khoa học chân chính. Hội trường gần 4.000 người lặng đi vì xúc động.

GS Ngô Bảo Châu bày tỏ niềm cảm động khi chia sẻ giải thưởng với đồng bào cả nước. "Bắt gặp sự hân hoan trong mắt các bạn trẻ, thì niềm tự hào trong tôi nhân lên nhiều lần", GS Ngô Bảo Châu tâm sự.

Theo GS Châu, lần đầu tiên giải thưởng trao cho một nhà toán học từ nước đang phát triển có thể sẽ tạo tiền để thay đổi về chất cho Toán học VN nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung.

Nhắc lại những yếu tố "thành người" như hôm nay, không phải để ôn nghèo kể khổ mà với GS Châu, là để nhắc nhớ đến quá trình làm nên một con người như hôm nay. Đó là việc cha mẹ nhịn ăn nhịn mặc nuôi dạy anh trong khó khăn thời hậu chiến. Là việc lớp người như anh tuy thiệt thòi cái ăn, cái mặc so với bạn bè thế giới nhưng không thua kém trong việc học hành, giáo dục do được dìu dắt bởi những người thầy, người cô, các nhà khoa học trẻ nhiệt huyết.

GS Châu kể lại, sinh ra trong gia đình hiếu học, nên có lẽ niềm nên ham mê khoa học và coi đó là giá trị tuyệt đối của trí thức đã ngấm vào anh.

"Trong hầu hết các gia đình VN, học tập vẫn là ưu tiên nhưng đam mê khoa học thì vẫn là chuyện hiếm hoi. Điều kiện thuận lợi đặc biệt nữa là tuổi học trò của tôi đã được cộng đồng toán học VN nuôi dưỡng. Từ thầy Tôn Thân ở Trưng vương đến thầy cô khối chuyên toán A0, trường Tổng hợp HN đến các nhà nghiên cứu trẻ đã dạy tôi hoàn toàn vô tư, trong hoàn cảnh khó khăn thời kỳ đó , tôi không thể kể hết tên. Như thầy Phạm Hùng Khối chuyên toán, tôi đã học thầy trong căn phòng nghi ngút khói thuốc bắc vì thầy ốm nhưng thù lao thầy nhận chỉ là cân đường hay vỉ thuốc bổ".

GS Châu nói, trong cộng đồng Toán học Việt Nam, việc người đi trước nắm tay người đi sau là lẽ tự nhiên.

"Gần đây, tôi hiểu tinh thần yêu thương đoàn kết trong cộng đồng toàn học VN là hiếm hoi và đáng quý. Toán học VN của chúng ta cũng như nền khoa học, nếu không có tinh thần yêu thương, đoàn kết cũng như tinh thần nghiêm khắc không bao che cho yếu kém học thuật thì sẽ không thể tiến bộ".

Điểm lại những nhân tố "trong nước" giúp mình thành công, GS Ngô Bảo Châu tiếp tục bày tỏ lòng tri ân với giới khoa học Pháp, Mỹ, những người thầy, những môi trường khoa học chân chính mà theo anh là "may mắn đặc biệt" vì nhờ Chính phủ Pháp cấp học bổng nên anh đã được sang Pháp học.

"Là SV nước ngoài nhưng tôi chưa bao giờ bị kém ưu tiên so với SV Pháp. Ngược lại chính GS trưởng khoa đã khuyên tôi làm việc với GS Laumont. Ông đã giúp tôi từ 1 cậu SV thích học toán trở thành nhà nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp. Ông là người tuyệt vời. Trong nhóm học trò của ông, có hai người đoạt giải thưởng Fields. Cô học trò trẻ tuổi nhất của ông đã thành GS Đại học Harvard khi chưa đến 30 tuổi. Trưởng thành trong nhóm của Laumont còn có nhiều nhà KH trẻ xuất sắc khác"

GS Châu nói: "Tôi hiểu được sức mạnh của một nhóm các nhà khoa học có tên tuổi kinh nghiệm và những nghiên cứu sinh tràn trề say mê khoa học. Đây là vinh dự, xứng đáng cho cộng đồng khoa học Pháp và cộng đồng khoa học VN".

Tiếp theo thời gian ở Pháp, là giai đoạn may mắn được làm việc ở Viện nghiên cứu cơ bản Princeton (Mỹ), nơi Einstein đã làm việc hơn 40 năm.

Ngô Bảo Châu miêu tả, ngoài GS cơ hữu ở Viện mà hầu hết là nhà vật lý, toán hàng đầu của Mỹ thì có nhiều nhà khoa học trẻ khắp nơi đến làm việc 1, 2 năm. Ngoài sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Mỹ và các cá nhân, với cách tổ chức hiệu quả của Viện, sau 50 năm, Viện đã thành lá cờ đầu của khoa học lý thuyết ở Mỹ.

Theo anh, nếu không có thời gian làm việc ở đó chắc bổ đề cơ bản không thể hoàn thành thời điểm này. Với sự tiếp xúc với các nhà khoa học ở đó, tôi cũng đã hình dung ra việc tiếp theo phải làm sau khi bổ đề hoàn thành.

"Từ trải nghiệm ở Pháp và Mỹ tôi đã hiểu ra rằng môi trường khoa học lành mạnh là tiền để cho sự phát triển của các nhà nghiên cứu khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi mà học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng của các nhà khoa học, không phân biệt già trẻ, cùng với sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học", GS Châu nói.

Anh cũng không quên nhắc đến nhà khoa học Henry Rogemorter, người đã cho anh ở nhờ tại nhà ông những ngày anh ở Paris.

Ông là người bạn lớn của Việt Nam, tham gia phong trào đấu tranh chống nền cai trị thuộc địa ở Đông Dương, sau đó sang Việt Nam nhiều lần, trở thành bạn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng sáng lập Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật Pháp - Việt.

"Tôi hiểu nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ là chuyên môn mà còn là đem đến cơ hội cho những người trẻ - không kể xuất xứ, lai lịch - cơ hội để phát triển tiềm năng trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đó là điều tôi muốn nói với các nhà khoa học quản lý và tất cả những người làm cha mẹ. Hiện thực khoa học, giáo dục nước nhà chưa được như mong đợi nhưng với ý thức mỗi người, sự cố gắng của Chính phủ qua các quyết sách đúng đắn, dũng cảm sẽ là tiền đề cho những chuyển biến tích cực", GS Ngô Bảo Châu nói.

Trong phát biểu trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một mặt cảm ơn ngành Toán học Việt Nam, mặt khác, cũng bày tỏ sự cảm ơn tới các nhà khoa học Pháp, Hoa Kỳ đã tạo cơ hội cho "hạt giống" Ngô Bảo Châu lớn mạnh như ngày nay.

Thủ tướng hoan hỉ, Ngô Bảo Châu, người con ưu tú đầu tiên của dân tộc và tổ quốc đã vinh dự đưa Việt Nam thành quốc gia thứ hai ở châu Á có người nhận được giải thưởng cao quý Fields. Vinh quang này là công lao, nỗ lực, niềm tự hào của GS, gia đình, các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu, thầy cô ở VN, Pháp, Hoa Kỳ, là niềm tự hào của giáo dục VN.

Theo Thủ tướng, khi thế giới đang chuyển sang toàn cầu hóa và kinh tế tri thức thì đòi hỏi cao nhất là phát triển nguồn nhân lực. Đó chính là lý do để Đảng xác định cải tạo nguồn nhân lực là khâu đột phá chiến lược, để không bị tụt hậu trong cạnh tranh với thế giới. "Chúng ta cần có nhiều Ngô Bảo Châu, có xã hội học tập và mọi người có cơ hội tiếp thu tri thức và cơ chế trọng dụng nhân tài".

(Tiếp tục cập nhật)...

  • Lê Nhung - Văn Chung

,

Không có nhận xét nào: