Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

GS Ngô Bảo Châu - “quả đấm” mạnh của nền Toán học Việt Nam

GS Ngô Bảo Châu - “quả đấm” mạnh của nền Toán học Việt Nam
(Dân trí) - Nhhiều nhà toán học trong nước cho rằng, sự kiện Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields như "quả đấm" mạnh “cứu vớt” nền toán học Việt Nam đang có nguy cơ thụt lùi.
>> 651 tỷ đồng đầu tư cho chương trình trọng điểm phát triển Toán học
>> “Nền Toán học Việt Nam có nguy cơ tiêu vong”
>> Báo chí quốc tế viết về sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields
GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: Bùi Tuấn)
Còn nhớ vào tháng 5 năm 2009, Viện Toán học Việt Nam đã tổ chức một hội thảo về “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đến năm 2020”, hội thảo hội tụ tất cả các giáo sư đầu đàn của ngành toán học Việt Nam. Tại hội thảo, nhiều đại biểu lo lắng cho rằng nếu không có biện pháp vực dậy thì nền toán học Việt Nam đang có nguy cơ bị tiêu vong.

GS Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho biết: “Toán học của nước ta hiện bị tụt hậu khá xa so với một số nước trong khu vực vốn kém hoặc không hơn ta như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và đang đứng trước nguy cơ bị tiêu vong.

Mặc dù ngành toán học được xây dựng cơ bản từ năm 1954, đi lên từ con số 0, đến nay, Toán học nước ta đã được xếp vào loại khá trong các nước đang phát triển, có thể xếp vào hàng thứ 50-55 trên thế giới. Tuy nhiên, cách đây 10 năm, khi xác định các hướng khoa học công nghệ trọng điểm, Toán học không còn được đánh giá đúng mức. Thêm vào đó, dưới tác động của kinh tế thị trường, số học sinh, sinh viên giỏi theo ngành Toán học đã giảm sút nghiêm trọng. Hậu quả là Toán học nước ta vừa ít về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Nếu so với đồng nghiệp ở nước ngoài thì toàn bộ số giảng viên Toán đồng thời là những người có công trình công bố quốc tế về Toán học của nước ta không bằng một trường đại học lớn ở nước ngoài - GS Hoa cho hay.
GS Lê Tuấn Hoa.(Ảnh: TPO)

Còn GS Hoàng Tụy cho rằng: “Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển Toán học, do đó bị tụt hậu so với Singapore, Hàn Quốc hiện nay. Việc mình đứng thứ bao nhiêu trên thế giới không phản ánh được điều gì. Chúng ta chỉ hơn các nước là có một số nhà Toán học có trình độ cao nhưng lại thua các nước về trình độ trung bình”.

Theo GS Tụy, các nước phát triển thành công là nhờ thu hút được nhân tài trên khắp thế giới. Mục tiêu quan trọng nhất của nền Toán học Việt Nam trong thời gian tới là phải giữ vững đội ngũ nhà Toán học có trình độ cao như hiện nay. Đặc biệt, cần có chế độ, chính sách đối với sinh viên theo ngành Toán học để họ kế thừa và phát triển được thành quả nghiên cứu trước đó. Nếu không, thời gian tới, Việt Nam không có nhà Toán học nào có tầm.
GS Hoàng Tụy. (Ảnh: SGTT)
Với GS Nguyễn Đình Trí: “Muốn phát triển Toán học không có cách nào khác là phải đẩy mạnh nghiên cứu Toán học. Các trường ĐH nên gắn khoa Toán với Viện nghiên cứu để giảng viên nhận được đề tài nghiên cứu. Mặt khác, cần bố trí giảm thời lượng giảng dạy trên lớp để giảng viên có thời gian nghiên cứu về Toán. Có như vậy, thì mới có “nguồn” để xây dựng nền Toán học sau này”.

Trước thực trạng trên, Viện Toán học Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp lập Viện nghiên cứu và đào tạo cấp cao về Toán học. GS Lê Tuấn Hoa cho biết, đây là cách làm có tính khả thi cao, tiết kiệm, hiệu quả nhất. Vì chúng ta tập trung được lực lượng đầu tàu vốn ít ỏi, để từ đó tạo nên một “quả đấm” mạnh, có sức giải quyết được một số vấn đề lớn.

Đợt về nước mới đây, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, GS Ngô Bảo Châu đã bày tỏ nguyện vọng được cống hiến cho sự phát triển Toán học Việt Nam nói riêng và nền khoa học Việt Nam nói chung, ở một mức độ cao hơn và hiệu quả hơn, so với những hoạt động giảng dạy trực tiếp mà bấy lâu nay anh vẫn tích cực tham gia, mỗi khi có điều kiện về nước.

Trước quyết tâm và nỗ lực lớn của các nhà toán học Việt Nam, đặc biệt là ý kiến của GS Ngô Bảo Châu. Trước 3 ngày, GS Châu nhận giải thưởng Fields, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020” với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng.

GS Lê Tuấn Hoa khẳng định: “GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields đã có ý nghĩa rất lớn không chỉ với Việt Nam mà cả quốc tế. Nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ này thì những tác động của nó là rất lớn. GS Châu sẽ trở thành một cầu nối giúp mời được rất nhiều chuyên gia ở nước ngoài sang Việt Nam làm việc, giúp đỡ chúng ta làm khoa học và điều đó không phải ai cũng mời được, có nhiều tiền cũng không dễ mời được những chuyên gia đầu ngành về khoa học, không chỉ riêng ngành toán học mà cả những ngành khác. Những chuyên gia này sẽ giúp mang lại cho chúng ta những kiến thức, cơ hội cho thanh niên của chúng ta học được những thành tựu mới nhất, cao nhất của khoa học, Toán học thế giới.

GS Ngô Bảo Châu không thể làm được mọi chuyện nhưng người như anh Ngô Bảo Châu sẽ giúp chúng ta tìm được những người thầy giỏi nhất. Khoa học thì số lượng là quan trọng nhưng chất là quan trọng hơn. Nếu gặp thầy giỏi nhất thì sẽ có cơ hội trở thành chuyên gia đầu ngành của thế giới. Đóng góp đó là vô giá, nếu không có những cầu nối của những người như anh Châu thì sẽ không thể tìm được thầy giỏi hàng đầu thế giới cho thanh niên của chúng ta".

Theo GS Lê Tuấn Hoa, sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields ngày 19/8/2010 như “quả đấm” mạnh của nền toán học Việt Nam hiện nay. Còn theo, GS Hoàng Tụy: "Giải thưởng của GS Ngô Bảo Châu như cơn mưa rào xuống mảnh đất khô hạn".

Hồng Hạnh

Không có nhận xét nào: