Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học

14:21 | 23/08/2010

Khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học

>> Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải 'Nobel Toán học'

Sự kiện giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu giành giải Fields không chỉ là niềm vinh dự, tự hào về kỳ tích của một nhà khoa học Việt Nam mà còn là động lực quan trọng để phát triển nền khoa học và khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ HOÀNG VĂN PHONG nói: Niềm tự hào chứa đựng nhiều yếu tố đan xen lẫn nhau: tự hào về thành công của một cá nhân - đó là GS Ngô Bảo Châu, một nhà toán học Việt Nam; tự hào về ngành toán học Việt Nam do nhiều thế hệ tạo dựng nên mà ngày nay mà GS Ngô Bảo Châu là một đại diện xuất sắc. Niềm tự hào xen lẫn sự khâm phục về tài năng và ý chí, niềm tin của GS vào công việc, niềm tin được bắt nguồn từ sự say mê, khát vọng khám phá những bí ẩn của tự nhiên, của tư duy.

Ông Hoàng Văn Phong- Ảnh: V.Dũng (Tuổi Trẻ)
Ông Hoàng Văn Phong- Ảnh: V.Dũng (Tuổi Trẻ).

Theo bộ trưởng, sự thành công của GS Ngô Bảo Châu sẽ là động lực thế nào để khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học?

Thành công của GS Ngô Bảo Châu là nguồn động viên khích lệ về nhiều mặt đối với các nhà toán học Việt Nam: đối với các thế hệ đi trước, bao gồm cả các thầy cô từng dạy GS khi còn trên ghế nhà trường, đó là niềm vui và tự hào vì từng dạy dỗ, giúp đỡ một nhân tài; đối với các thế hệ đi sau, kể cả học sinh phổ thông yêu thích toán học, GS Châu là một tấm gương sáng để noi theo và quan trọng hơn là thổi bùng lên niềm say mê, hoài bão, ước mơ và cũng có thể cả tình yêu cùng ý chí quyết tâm để học toán, làm toán như GS.

Bổ đề cơ bản mà GS Châu giải quyết được chưa phải là thành công cuối cùng, sau nó còn hàng loạt vấn đề khác cần những con người như GS Châu hoặc những người trẻ hơn chinh phục.

Còn đối với cơ hội cho khoa học Việt Nam, chúng ta có thể chờ đợi gì?

Việc Tổ chức Toán học thế giới trao giải thưởng Fields năm 2010 cho GS Ngô Bảo Châu là một sự kiện quan trọng trong đời sống toán học quốc tế. Thông qua sự giới thiệu nhiều mặt về sự kiện này, kể cả thân thế, sự nghiệp của GS, được các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới đăng tải, cộng đồng toán học quốc tế, cũng như các tổ chức khoa học trên thế giới sẽ hiểu thêm, quan tâm hơn đến sự phát triển của ngành toán học Việt Nam, về các thành tựu và khó khăn.

Cơ hội hợp tác quốc tế ở trình độ cao sẽ đến nhiều hơn với các nhà toán học Việt Nam nói riêng, các nhà khoa học Việt Nam nói chung. Chính phủ có điều kiện đáp ứng kịp thời và lớn hơn các nhu cầu phát triển của toán học.

Nhưng chúng ta sẽ tận dụng cơ hội đó thế nào khi GS Ngô Bảo Châu lo lắng về lỗ hổng thế hệ trong nghiên cứu toán học? Thực tế, lỗ hổng này xuất hiện tại nhiều lĩnh vực khoa học khác ở nước ta.

Đúng vậy, đây là một thực tế không chỉ đối với ngành toán học mà còn đối với các ngành nghiên cứu cơ bản khác như vật lý, hóa học, sinh học... và không chỉ đối với khoa học tự nhiên mà còn đối với cả khoa học xã hội. Chúng ta thiếu hụt rất nhiều thế hệ nghiên cứu cơ bản tuổi từ 30 - 50. Nếu nhìn rộng ra thì hiện tượng này không chỉ có ở Việt Nam mà đã xảy ra ở nhiều quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nga, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc...

Chúng ta phải quen dần để biết cách ứng phó với những quá trình chuyển dịch nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao, diễn ra mang tính khách quan khi xuất hiện những ngành nghề mới như kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng... trong nền kinh tế thị trường.

Các lĩnh vực này có tính hấp dẫn riêng nhờ sự thành đạt có thể đến nhanh hơn, thu nhập có thể cao hơn... chưa kể đến các lĩnh vực này cũng cần những người giỏi, những thành công mang tầm quốc tế mà người VN phải phấn đấu để đạt được.

Như vậy, nhiệm vụ của chúng ta là nhanh chóng bổ sung, lấp đầy các lỗ hổng bằng những lực lượng mới, bằng những chương trình hành động quyết liệt nhưng tỉnh táo, khôn ngoan và hợp lý, trong đó những nhà khoa học như GS Ngô Bảo Châu sẽ là những nhân tố đặc biệt quan trọng.

Thưa ông, xuất hiện lỗ hổng đó ngoài những nguyên nhân như ông nói còn có nguyên nhân chế độ lương bổng đối với khoa học thấp, khiến người theo đuổi đam mê khoa học không nhiều.

Thu nhập thấp là một nguyên nhân quan trọng khiến không ít nhà nghiên cứu phải rời bỏ công việc, lĩnh vực mà mình đã lựa chọn và nhiều thanh niên không chọn nghiên cứu khoa học làm nghề nghiệp của mình. Để khắc phục tình trạng này, trước hết, Chính phủ, với nguồn ngân sách còn rất hạn hẹp (đối với một quốc gia có gần 86 triệu dân) đang xây dựng để ban hành các chính sách, cơ chế từng bước đảm bảo thu nhập cao hợp lý đối với các nhà khoa học.

Mặt khác, từ thực tế cũng đặt ra cho các nhà khoa học chúng ta một sự dấn thân, vượt qua khó khăn, thách thức do thu nhập thấp gây ra để có được những thành công, những đóng góp hiệu quả hơn. Đồng thời rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội, trước hết là các doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Theo ông, làm cách nào để thu hút các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài đóng góp cho sự phát triển đất nước?

Cũng giống như tất cả quốc gia khác trên thế giới, đất nước chúng ta rất cần sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam đang sống, làm việc ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển khoa học và công nghệ, không phân biệt họ vẫn ở nước ngoài hay về hẳn Việt Nam.

Sẽ rất không hiệu quả và không hợp lý nếu về ở Việt Nam mà bản thân họ không làm được việc do không có đủ điều kiện và do đó sẽ không có đóng góp bằng đóng góp khi vẫn sống, làm việc ở nước ngoài.

Nhưng, cũng có không ít công việc, không ít lĩnh vực mà sự có mặt thường xuyên, sống và làm việc ở Việt amN lại rất cần thiết, rất quan trọng tới mức không thể thiếu được. Lúc này, rất cần có sự hi sinh, chấp nhận khó khăn và thách thức đối với cá nhân, đối với gia đình của họ (khó khăn hơn nhiều, tưởng như không thể vượt qua được so với khi ở nước ngoài) để làm việc, đóng góp và cống hiến cho Tổ quốc, cho đồng bào của mình.

Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào: