Bế mạc Đại hội Nhà văn lần thứ 8:
Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch Hội
>> Ông Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn
TP- Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân tái đắc cử với số phiếu cao, nếu chỉ tính chuyện bầu cử thì Đại hội Nhà văn 8 được coi là suôn sẻ.
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang với các nhà văn dự Đại hội.
Bầu bán, tham luận: Bão trong chén trà
Danh sách Ban chấp hành mới 15 người, nói như nhà văn Hoàng Minh Tường là có từ đại bác, đội tinh nhuệ cho đến dân quân tự vệ. Phải chăng mong muốn của hội viên Phạm Thị Minh Thư trước lúc bầu cử đã phần nào được đáp ứng: “Không cần người có thành tựu nổi bật, có uy tín văn chương vào BCH, mà cần người biết điều hành, lo lắng cho công việc của Hội”. Nhìn sang Đại hội Điện ảnh mới đây, còn bầu được Chủ tịch Hội là người mà có lẽ ngoài giới điện ảnh ra không mấy ai biết: Đạo diễn phim tài liệu Đặng Xuân Hải.
Thế còn ước nguyện của hội viên Dư Thị Hoàn “Ai cứu báo Văn Nghệ, hẵng làm lãnh đạo Hội Nhà văn”? Có tin Nguyễn Quang Thiều sẽ đảm nhiệm vị trí này, anh nay đã là Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN. Các hội viên Văn Chinh, Chu Lai... cũng tỏ ý nguyện Thiều về nắm tờ báo của Hội.
Trước bầu cử, Nguyễn Quang Thiều phát biểu với Tiền Phong, người chịu về Văn Nghệ bây giờ phải là người biết hy sinh, trọng thị, cầu thị, bởi tờ báo của Hội “đã bị mất thương hiệu quá lâu, đang chịu cảnh nợ nần, có một đội ngũ phóng viên và biên tập viên rất yếu, trở nên nhạt nhòa với chính hội viên”.
Chưa thành công ở mặt tham luận "Các tham luận không thành công. Chỉ vài ba trong tổng số hơn 20 bản đề cập chuyện nghề. Theo tôi biết có những tham luận rất mạnh mẽ và sâu sắc, vì thời gian hay lí do nào đó không được đọc”- nhà văn Tô Nhuận Vỹ nhận xét. Nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyễn Huy Thiệp... cũng cho rằng quá thiếu tham luận đáng chú ý. " |
Trong khi nhiều nhà văn tỏ ý tín nhiệm nhà thơ Thư mùa đông một cách tuyệt đối thì cũng có người cho biết, họ bầu ông Thỉnh không hẳn vì ông đã làm quá xuất sắc hai khóa trước, mà vì “không còn ai khác”. Số thuộc loại ngày thường ngang cành bứa nhưng khi bầu bán lại đơn giản không ngờ, giải thích rằng còn bầu bán gì nữa, an bài rồi còn đâu. Nói như nhà thơ Phan Cung Việt: “Có những người, những khu vực, những sự việc mà từ trường của họ mạnh lắm. Mình có giãy đạp gì cuối cùng cũng bị hút vào cái từ trường ấy. Mà nhà văn thì xét cho cùng vẫn là loại người vô sự ”.
Mấy tháng trước, nhiều nhà văn trong đó có Tô Nhuận Vỹ đoán, lần này sẽ đại hội toàn thể, và như thế Hữu Thỉnh sẽ có số phiếu đề cử cao nhất. Nghe nói ở đại hội cơ sở của đoàn nhà văn Hà Nội, nhà văn Ông Văn Tùng còn nói thốc: “Tôi nói điều này với anh Thỉnh anh đừng ngại, trong nhà tôi có treo ảnh anh”.
Trước khai mạc vài hôm, phóng viên thù tạc với đoàn nhà văn Bình Thuận, có trêu đùa rằng chưa đi đại hội đã biết các anh bầu ai. Chỉ cần đọc Phan Thiết có anh tôi là đủ nức lên chứ gì. Nhà thơ bèn gật lia lịa, bảo chúng tôi ở xa trung ương, có thông tin gì đâu, rồi ngân nga đọc “Biển ùa ra xoắn lấy mọi người/Vì yêu biển mà họ thành sơ hở/Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ/Mất chỉ còn cách nước một vài gang” (Phan Thiết có anh tôi - thơ Hữu Thỉnh).
Dù tỏ quan điểm “phải khinh bỉ hơn đối với công việc của BCH thì mới dễ bầu” nhưng khi nhà văn tỏ ra dễ dãi quá, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng chê họ nông nổi: “Đã qui định bầu 30 người để chọn lấy 15. Khi có 12 người rút đi thì phải đôn những người khác lên chứ. Đằng này dễ dàng đồng ý chọn 15 trong 18. Đi mua hàng mà được chọn 30 mua 15 chắc chắn phải được món hàng tốt hơn là chỉ được 18 món chứ. Nhà văn mình hay à uôm”. Và: “Có người bị tai biến, yếu lắm, vợ kể bê bát cháo không được cũng cố ngồi vào chấp hành”.
BCH Hội Nhà văn khóa 8 ra mắt Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Cái thiếu và cái yếu
Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người là khẩu hiệu của Ban chấp hành, kiểm điểm nhiệm kỳ đã qua và phương hướng phát triển văn học nhiệm kỳ tới. Phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang tại đại hội cũng nhấn mạnh nghị quyết 23 về văn học nghệ thuật: “Đảng và nhà nước khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo, mọi phong cách và bút pháp; tôn trọng tự do sáng tạo nghệ thuật đi đôi với trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà văn; tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết về tinh thần và vật chất cho các nhà văn...”.
15 nhà văn trúng cử Ban chấp hành khóa 8: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Trung Trung Đỉnh, Lê Quang Trang, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Đức Tiến, Đào Thắng, Võ Thị Xuân Hà, Đình Kính, Vũ Hồng, Nguyễn Hoa, Văn Công Hùng, Phan Trọng Thưởng. Ba phó chủ tịch Hội: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Lê Quang Trang. |
“Nhà văn Việt Nam thiếu tiết tháo”- Nguyễn Huy Thiệp nói. “Chỉ cần một số người tiết tháo thì cái ác cũng nhụt đi”. Anh nói thêm “tất nhiên tài năng cũng ngày càng hiếm. Viết cho hay là khó lắm. Đến tôi mà còn thấy khó nữa là”.
Cái được nhất theo Nguyễn Trọng Tạo ở đại hội này, là bầu cử nhanh, một lần là xong, không như những lần trước mất nửa thời gian đại hội. Còn cái thiếu nhất theo anh, là sự lịch lãm, sang trọng- “Thiếu những lời nói tử tế và trí tuệ” trong khi sự lịch lãm, trí tuệ phải là đặc thù của giới viết. Báo cáo của BCH Hội có đoạn: “Muốn chuyển tải các giá trị văn hóa, nhà văn phải là nhà văn hóa. Muốn dẫn đầu và soi sáng, nhà văn phải là những nhà tư tưởng”.
Về việc BCH mới hơi ít người tên tuổi, Nguyễn Huy Thiệp nói hóm: “Phải có người nọ người kia mới làm việc được chứ. Thằng nào cũng nổi tiếng thì ai chịu ai”.
Phan Thị Vàng Anh cho rằng Ban chấp hành mới có thể dễ làm việc với nhau hơn BCH khóa 7 ít người mà lại phân cực của chị. Cho đến phút chót, vẫn có những đại biểu đòi chất vấn Hồ Anh Thái vì sao bất hợp tác với BCH. Anh cũng sẵn sàng nhưng rồi không có cơ hội giải thích dù chỉ một câu.
Vấn đề đoàn kết và tình đồng nghiệp trong giới viết cũng khiến nhiều nhà văn ngán ngẩm. Như Nguyễn Quang Thiều thậm chí bức bối. Trước câu hỏi của phóng viên “Hội thảo Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh do anh tổ chức thành công nhưng cũng có người bảo anh lobby trước thềm đại hội”, anh Thiều nói: “Tôi biết người ta nói tôi như thế. Nếu chúng ta sợ hãi thì sẽ không bao giờ làm được gì cả. Trong việc tổ chức hội thảo, tôi đã cố gắng xóa dấu vết của mình. Chúng tôi chuẩn bị từ hàng năm trước và tôi cũng đủ tinh tế để không ai nhận ra là tôi làm, mà để trường Đại học Văn hóa đứng ra.
Tôi quyết tâm làm bởi tôi thấy việc đó đáng làm. Thế mà có những nhà văn viết cho những người Mỹ rằng, đừng có vào Việt Nam, đó là cái bẫy chính trị. Tôi đã nổi giận nhưng sau đó nghĩ lại. Nếu mình cứ nổi giận chỉ vì một vài cá nhân không thiện chí thì hỏng việc. Đến một ngày nào đó chúng ta phải nói ra những điều đó, những điều khác nữa và những sự thật khác nữa về cách mà nhà văn chúng ta cư xử với nhau”.
Dương Phương Vinh
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Gần đây có ý kiến cho rằng nhà văn xa rời nhiều sự kiện nóng của đất nước. Nhân vật chính của văn chương bây giờ không đơn giản, rất phong phú, mỗi nhà văn tìm cho mình nhân vật chính riêng, phản ánh các góc của xã hội đầy biến động. Nhà văn sáng tạo cá nhân nhưng cuối cùng gặp nhau ở tính nhân bản, nhân văn, dân tộc và nhân loại. Hy vọng rằng sau đại hội, các nhà văn có chung ý kiến về nghề văn, vai trò nhà văn với đất nước để có được tác phẩm chất lượng, thay đổi cách nghĩ của xã hội là coi thường nhà văn. Toan Toan ghi |
Bên lề Nhà báo nhạy bén nhất? Chính là nhà văn Trần Nhương và tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện. Tác giả trang web trannhuong.com có hàng triệu độc giả, và chủ nhân blog Nguyễn Xuân Diện cập nhật từng phút không khí Đại hội từ phòng báo chí. Trần Nhương say sưa làm báo điện tử nhiều người đã biết, dịp này lại nổi lên ông Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện với những “Đại hội Nhà văn ngâm khúc” do anh tự chế, kiểu như: Khắp các web dở hay mọi nhẽ/Khói thuốc lào vần vũ quán văn/Khắp nơi tán chuyện văn nhân/Nửa đêm tâm sự xa gần chuyện riêng. Xem ra vẫn chưa thể bì được chuyên gia “vè đại hội” là Nguyễn Duy (đợt này không thấy anh dự): Sân khấu chuyển sang hồi bầu cử/ Vận động ngầm, ấm ứ nhỏ to/Nhà văn thì cứ tự do/Thằng nào xứng đáng ta cho vào hòm (Diễn ca đại hội Nhà văn 4).
Chiều hôm trước, Nguyễn Quang Thiều kể với phóng viên “Trong bầu không khí nghi ngờ, có người bảo tôi chính là tổng biên tập bản tin “Người đưa tin” gây xôn xao trước thềm đại hội, cập nhật 17 bản tin nóng sốt. Rồi lại đồn nhóm Nguyễn Quang Lập hoặc Nguyễn Trọng Tạo làm”. Thực tế ba ngày đại hội cho thấy, khá nhiều sự việc đã diễn ra đúng như trong bản tin không chính thức này - được gửi qua email của nhiều nhà văn nhà báo. Nguyễn Trọng Tạo giải thích: “Tôi không làm bất cứ thứ gì nặc danh”. Trần Mạnh Hảo được ban tổ chức xin lỗi vì sự cố tịt micro? Tin đồn là như vậy. Còn chính thức, trong buổi chiều gần bế mạc đại hội, trung tướng Hữu Ước lên diễn đàn phát biểu: “Sự cố mất điện, hỏng loa khi anh Hảo phát biểu là bình thường, thế mà có người nghĩ ngay là an ninh chúng tôi can thiệp”. Nhà văn Hữu Ước đại diện khối nhà văn công an nên ngồi ghế chủ tịch đoàn, điều hành cuộc bầu cử lần thứ nhất trong buổi sáng 6-8. Về việc Trần Mạnh Hảo lên diễn đàn phản đối Hữu Ước vì “viết được cái gì mà ngồi ở đây điều khiển những nhà văn bậc thầy chúng tôi”, Hữu Ước phản pháo: “Anh Hảo viết gì tôi cũng đọc, trong khi sách của tôi chồng lên nhau dày 9 tấc, gồm 17 vở kịch, ba tập thơ, ba truyện dài... thì anh không chịu biết mà lại còn nói năng thiếu tôn trọng. Nhiều nhà văn chúng ta cư xử với nhau thiếu tôn trọng”. Thông tin từ ban trực cấp cứu- ngay cửa ra vào hội trường đại hội- ngày 6-8 không có ca nặng. Hôm trước có ba trường hợp bị cấp cứu: Một nhà văn ngồi tầng 2 cùng đoàn đại biểu khối T.Ư, đến sớm ngã chảy máu đầu. Nhà văn khác ngã ngay tiền sảnh Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, phải đưa vào viện E cấp cứu. Một nhà văn cấp cứu do sức khỏe yếu. Ngoài ra, có hàng chục trường hợp nhẹ hơn được xử lý kịp thời. Nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Phùng Ngọc Hùng bị tai biến đã lâu, đi phải có người dìu, nhưng rồi không có vấn đề gì. Toan Toan - D.P.V |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét