Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII: “Nóng” nhưng vui!

Thứ bảy, 7/8/2010, 9:35 (GMT+7)

Có lẽ ai cũng dễ dàng cảm nhận được không khí “nóng” tưởng như có thể nảy lửa hoặc sắp nổ ra một “cuộc chiến” tại điễn đàn Đại hội. Chỉ khác là ở “cuộc chiến” này không có vũ khí tối tân hay bom hạt nhân mà chỉ là khẩu khí trong các tham luận và trên đăng đàn, vốn là một vũ khí cực kỳ lợi hại của các chiến binh trên mặt trận văn hóa. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực ban Bí thư đã thay mặt Ban Bí thư tặng Đại hội bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết - dân chủ - xây dựng - sáng tạo”.

Đồng chí Trương Tấn Sang trao bức trướng cho Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam.
“Nóng” từ trước khi diễn ra Đại hội

Các “chiến binh” tham gia đăng đàn đều biết cách tạo nên những ấn tượng cho công chúng bằng các loại “vũ khí nóng”. Đấy là những lời lẽ đầy tâm huyết, đặng góp phần chấn hưng nền văn học nước nhà, cũng như hội nghề nghiệp mà mình đang tham gia, nên dù ít dù nhiều vẫn phải có trách nhiệm đóng góp. Nhưng người đọc vẫn không thể tránh khỏi cảm giác bị “sốc” bởi những câu chữ gây cảm giác mạnh.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nhà văn ta vẫn thế, nói thì chẳng ai bằng vì họ là những “thợ chữ bậc siêu cao”, nhưng chẳng làm gì ai đâu, vì là họ thuộc hạng “kẻ sĩ” bậc nhất. Nhiều khi nói chỉ để mua vui cho mình, cho đồng nghiệp là chính, chứ họ đều là những người “khẩu xà, tâm phật” ấy mà.

Tại Đại hội lần này, tựu chung có ba vấn đề chính nổi lên: 1) Kết quả hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua và định hướng phát triển nền văn học nước nhà trong thời gian tới, trước mắt là nhiệm kỳ 2010 - 2015; 2) Điều lệ sửa đổi của Hội Nhà văn Việt Nam; 3) Bầu BCH khóa tới.

Nhưng trước ngày đại hội nội bộ diễn ra, nhà thơ Vũ Quần Phương lại dự đoán khác, không giống với những bài viết gây “sốc” trên một số báo. Ông nói: “Có hai khả năng, một là uể oải cho qua Đại hội và hai là sẽ bật lên một số vấn đề. Ông cũng tỏ ra lấy làm tiếc vì thời gian tổ chức hơi ngắn. Tôi e là quá vội vã vì sẽ không kịp bàn bạc những vấn đề lớn của văn học nước nhà. Chỉ có một ngày chính để bàn. Trong khi đó, dường như người ta quan tâm đến nhân sự Ban chấp hành nhiệm kỳ tới là chính...”.

Không như sự tưởng tượng của nhiều người

Về Định hướng phát triển nền văn học thời gian tới đã được Chủ tịch Hội Nhà văn khóa VII, nhà thơ Hữu Thỉnh tóm gọn thành tiêu đề của Báo cáo chính trị là “Vì sự cường thịnh của đất nước - vì phẩm giá con người”. Tuy nhiên từ định hướng chung đó, tới việc triển khai nó trong hoạt động sáng tác, lý luận phê bình, dịch thuật, xuất bản... còn có một khoảng cách nhất định nên cần phải có thời gian với sự chung tay góp sức của tất cả hội viên và sự đồng thuận của cộng đồng, chứ không chỉ là trách nhiệm của riêng BCH, những người có tiếng nói đại diện cao nhất cho hơn 900 hội viên.

Tại Đại hội nội bộ ngày 5/8, nữ nhà thơ Hoàng Việt Hằng hồn nhiên nói: Tôi có nghe thấy gì đâu. Tôi cũng không để ý gì về việc bầu ban chấp hành. Đến gặp chị em bạn bè vui là chính thôi. Tham luận dài mà toàn nói những việc Hội Nhà văn phải làm thế này thế kia nghe một lúc lại thấy chối.

Nữ nhà thơ Lê Phương Liên được các đại biểu bầu chọn là có “tham luận ngắn nhất”, chỉ kéo dài chưa đầy 2 phút. Đây không chỉ là tham luận ngắn nhất ở Đại hội này mà còn được xếp vào hàng tham luận ngắn nhất của tất cả các kỳ đại hội Hội nhà văn.

Tuy nhiên, hầu hết các tham luận chỉ dài, còn những vấn đề được coi là “nóng” như báo giới đã loan tin trước đây, tại Đại hội lần này không được nhiều người quan tâm. Chẳng hạn như vấn đề cải tổ tổ chức Hội, Điều lệ sửa đổi và vấn đề bầu Ban chấp hành khóa tới... tất cả đều diễn ra trong tầm kiểm soát của Đoàn chủ tịch. Dù có không ít tham luận bị vỗ tay mời xuống tới 2- 3 lần, cá biệt có người nhận được tới 5 tràng pháo tay. Các đại biểu về sau cũng vì sợ... bị mời xuống sớm nên rào trước: “Tôi chỉ đọc tham luận ngắn gọn”.

Không loại trừ những tràng pháo tay đột ngột giữa chừng thi thoảng làm các diễn giả... giật mình lo lắng. Có nhà văn còn thắc mắc: “Tôi không biết đây là tràng vỗ tay tán thưởng hay vỗ tay để mời xuống?” như trường hợp tham luận của một nhà văn vào buổi sáng ngày 6/8, khi đã đến giờ nghỉ trưa, Đoàn chủ tịch buộc phải rung chuông xin diễn giả để đến buổi chiều đọc tiếp(!?).

“Bị” vỗ tay quá nhiều, không ít diễn giả luống cuống, nhầm lẫn dòng nọ với dòng kia, trang này và trang khác. Có người sợ bị “vỗ tay” nên đã viện lý do “đau họng” để không lên đọc. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lại chọn cho mình cách một tham luận riêng. Trước khi đọc ông nói: “Mỗi người đến đây đều mang theo một bồ chữ. Vì thế tôi không muốn khua văn múa chữ ở đây, chỉ xin đọc một trích đoạn ngắn của tham luận”, mặc dù tham luận của ông cũng rất ngắn.

Kết quả ngoài mong đợi

Ở kỳ đại hội nào cũng vậy, dù muốn hay không vấn đề “xôm trò” nhất vẫn là khâu bầu BCH mới. Có người nói đã là chốn văn chương thì “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, ít người mà chạy được nhiều việc, còn hơn nhiều người cứ ngồi đấy mà tranh luận với nhau. Lại có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính của việc hoạt động kém hiệu quả của nhiệm kỳ BCH vừa qua là vì có ít người quá, lại có người “ly khai” khỏi vị trí công việc của mình từ nhiều năm nay, nên nhiệm kỳ này phải bầu cho đủ từ 9 – 20 người. Rốt cuộc cả hai luồng ý kiến trên chẳng ai sai, mà đều đúng cả. Vì thực tế, số lượng BCH nhiều hay ít chưa nói lên được nhiều hiệu quả hoạt động của lực lượng đầu tàu này, mà cơ bản vẫn là phương hướng, cách thức tổ chức, điều hành hoạt động. Vậy thì đâu là ít, đâu là nhiều. Tuy nhiên nhiều người lo ngại là Đại hội sẽ khó bầu được một BCH như dự kiến.

Phần kịch tính nhất là công bố kết quả kiểm phiếu đề cử và ứng cử. Theo Ban kiểm phiếu, cho đến 23 giờ đêm ngày 5/8 công việc kiểm phiếu mới hoàn tất. Và sau giờ giải lao buổi sáng ngày 6/8, Ban kiểm phiếu công bố chính thức danh sách 18 nhà văn được đề ứng và ứng cử tham gia bầu BCH khóa VIII. Tổng số phiếu phát ra 676, số phiếu thu vào 663. Kết quả nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn khóa VII có số phiếu bầu cao nhất 618, tiếp theo nhà văn Nguyễn Trí Huân được 574 phiếu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được 559 phiếu. Các nhà văn trúng cử BCH khóa VIII gồm 15 người: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Lê Quang Trang, Trung Trung Đỉnh, Đào Thắng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Đức Tiến, Đình Kính, Vũ Hồng, Văn Công Hùng, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Hoa, Khuất Quang Thụy, Phan Trọng Thưởng. Tiếp theo, Đại hội thảo luận về Điều lệ sửa đổi. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau về các vấn đề như quy chế kết nạp hội viên chính thức và hội viên danh dự, để hay không các Ban văn học đề tài, giải thưởng hàng năm... nhưng tất cả đều mong muốn làm sao Hội Nhà văn Việt Nam là mái nhà chung để tập hợp tất cả những ai có tài và có đức muốn đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà.

Chiều ngày 6/8, cùng với việc công bố các chức danh lãnh đạo Hội, Đại hội tiếp tục thảo luận và thông qua Nghị quyết Đại hội.

Dù có “nóng” đôi chút nhưng không đến mức như nhiều người lo ngại trước đó, mà rốt cuộc kết quả đã đạt được ngoài sự quan ngại của nhiều người, tất cả đều vui. Đại hội đã chọn ra được BCH khóa VIII để đứng mũi, chịu sào chèo lái con thuyền văn chương nước nhà. Đại hội đã thành công tốt đẹp!

ĐỖ NGỌC YÊN

Danh sách Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII

Các nhà thơ, nhà văn trúng cử BCH khóa VIII: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Lê Quang Trang, Trung Trung Đỉnh, Đào Thắng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Đức Tiến, Đình Kính, Vũ Hồng, Văn Công Hùng, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Hoa, Khuất Quang Thụy, Phan Trọng Thưởng.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII: Nhà thơ Hữu Thỉnh.

Các Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN khóa VIII: Nhà văn Nguyễn Trí Huân; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; nhà thơ Lê Quang Trang.

Thường vụ BCH Hội Nhà văn khóa VIII: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Lê Quang Trang, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Không có nhận xét nào: