Ngược xuôi văn nghệ Nhìn từ… đại hội nhà văn 08/08/2010 07:58 (HNM) - Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam Khóa VIII đã kết thúc. Những câu chuyện ngoài đại hội, những chuyện được kể trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy đại hội rất vui và cũng rất... buồn... Vui vì ngoài những vị được "chấm" còn có cả gần trăm hội viên tự ứng cử vào ban chấp hành. Điều này cho thấy, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình khát khao muốn vào ban chấp hành để làm mới các hoạt động của hội mà họ cho rằng nhiệm kỳ VII hoạt động mờ nhạt và hành chính hóa. Vui vì có cả trăm tham luận, chưa bàn đến các ý kiến đó có ý nghĩa ít hay nhiều đối với sáng tác, phát hành, bản quyền, chất lượng tác phẩm... nhưng nó cho thấy không khí dân chủ và cởi mở trước các quan niệm khác nhau của hội viên. Còn buồn là ở chỗ: sao họ bàn quá nhiều chuyện nhân sự đến thế? Trước đại hội, trên các blog, bên bàn trà, quán rượu, bia... người ta bàn tán ông này, bà kia không xứng đáng làm chủ tịch, phó chủ tịch hội; nên bầu cho ông A hay bà B vào ban chấp hành? Trong đại hội trù bị, các nhóm cũng thì thầm về chuyện này. Lại có ý kiến cho rằng nhà văn trẻ không được quan tâm. Với độc giả, nếu tác phẩm đọc thấy hay, họ không cần biết tác giả trẻ hay già. Già hay trẻ là khái niệm không có giá trị trong văn học nghệ thuật. Nhà văn Tô Hoài qua cái tuổi xưa nay hiếm vẫn sáng tác và tác phẩm của cụ vẫn gây được dư luận với bạn đọc, với xã hội. Trẻ nhưng tác phẩm hời hợt thì đâu có ý nghĩa gì. Lại có những ý kiến bàn tán về tiền Nhà nước hỗ trợ cho nhà văn quá ít. Thời xưa, có ai cấp tiền cho các nhà văn, nhà thơ đâu mà sao họ vẫn có nhiều tác phẩm giá trị cho đến ngày hôm nay? Thực tế cho thấy, thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, văn học Việt Nam không có tác phẩm nào có giá trị nhân văn gây được tiếng vang trong xã hội. Trong khi đó, nhà văn Việt Nam lợi thế về đề tài hơn các quốc gia khác. Đề tài hậu chiến vẫn còn rất nhiều thứ có thể khai thác, rồi cuộc sống ngày hôm nay ngổn ngang quan niệm khác nhau về giá trị đạo đức, lối sống, tiền bạc... Chính vì thế, độc giả với sự vô thức đã tìm đến những cái lạ trong các tác phẩm hay những đề tài câu khách, giật gân kiểu như "Sợi xích" hay "Dại tình". Lại có không ít độc giả bị cuốn vào những chiêu lăng xê tinh vi để rồi ấm ức mua nhầm mà trước đó không ai chỉ cho họ biết. Trong suy nghĩ, không ít nhà văn cho rằng văn học Việt Nam trong nhiều năm qua không có tác phẩm hay vì có những "rào chắn", có vùng "nhạy cảm" khiến họ không thể chạm bút tới. Thực ra đó chỉ là ngụy biện cho sự bất lực của bản thân. Khác với báo chí, văn học có nhiều thủ pháp nghệ thuật giúp nhà văn có thể nói điều anh ta muốn nói, không nhất thiết phải mô tả sự thật một cách trần trụi. Nghề văn là nghề khắc nghiệt và tất cả những ai trước khi dấn thân vào chuyện đánh vật với con chữ đều biết và hiểu điều đó. Thế nên khi tự nhận trước bản thân, trước xã hội hai chữ "nhà văn" thì "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Còn nếu khăng khăng cho rằng văn chương thiếu tác phẩm hay, chưa vươn ra được với thế giới vì "có barie" là thiếu trách nhiệm với độc giả, với nền văn học nước nhà. Đáng tiếc tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua không thấy nhà văn nào dũng cảm nhận trách nhiệm về bản thân mình và đội ngũ nhà văn hiện nay. |
Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010
Nhìn từ… đại hội nhà văn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét