Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Tự hào Thăng Long - Hà Nội 1000 tuổi

Khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng LongThứ Sáu, 01/10/2010 11:11 In
(TT&VH Online) – Sáng nay thời tiết đã ủng hộ lòng người, Hồ Gươm đẹp lung linh trong sắc thu và dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ, Lễ khai mạc 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long đã chính thức bắt đầu.

* 10h15 phút sáng nay cụ Rùa Hồ Gươm lại nổi


>> Chuyên đề: Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

8h, dàn trống, cồng, chiêng tấu bản nhạc lễ mở đầu và tiếp theo đó là nghi lễ thắp lửa thiêng. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận vinh dự cầm đuốc thắp lửa và ngọn lửa đã bùng cháy trên bầu trời lễ đài.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước lên dâng hương trước tượng đài vua Lý Thái Tổ
(Ảnh: TTXVN)
Ngay sau đó các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã lên dâng hương trước tượng đài vua Lý Thái Tổ.

Tới dự lễ khai mạc hôm nay có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Đỗ Mười; Nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Lê Khả Phiêu, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Về phía Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị; Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh.
Sau lễ dâng hương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đọc bài diễn văn khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

“Đúng 1000 năm trước, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô. Từ buổi bình minh dựng nghiệp lớn, từ ánh hào quang của Rồng vàng bay lên trên sóng nước sông Hồng, Đức vua đã nhìn thấy vầng dương của vận nước: “Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam – Bắc – Đông - Tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, đúng là nơi định đô bậc nhất của kinh đô muôn đời.

…Và từ 1000 năm trước, theo Đại Việt Sử lược, thành Đại La có chu vi khoảng 6.000 m, với hơn 5.000 mái nhà. Hà Nội ngày nay đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn với 3.344 km2 với dân số hơn 6,5 triệu người mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh to lớn”. (Trích phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị).

Sau lời tuyên bố lễ khai mạc, bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục - Khoa học & Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã lên trao bằng Di sản Văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Bà Irina cho biết bà rất vinh dự được tham gia Đại lễ: “Hôm nay trái tim chúng ta hòa cùng nhịp đập. Tôi tin rằng, Thần Rùa đang lắng nghe chúng ta từ hồ Hoàn Kiếm – một biểu tượng thiêng liêng, một biểu tượng hòa bình của Thủ đô”. Bà Irina cũng nhấn mạnh tầm vóc của di tích Hoàng thành Thăng Long vì “hiếm có một dân tộc nào trên thế giới có thể gìn giữ những ký ức về việc dựng đô từ 1000 năm trước”. Do đó, bằng chứng nhận này không chỉ có ý nghĩa với Thăng Long một ngàn tuổi, đồng thời cũng là trọng trách của Hà Nội phải giữ gìn một di sản không chỉ mang tầm vóc quốc gia mà còn là di sản của cả nhân loại.



Bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO đã lên trao bằng Di sản Văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Sau phần nghi lễ, biểu tượng trái đất ở góc trái của sân khấu đã mở bung và 1.000 cánh chim bồ câu hòa bình bay lên bầu trời, thể hiện khát vọng của thành phố vì Hòa Bình – một danh hiệu mà Hà Nội đã vinh dự được UNESCO trao tặng vào năm 1999.

Kết thúc lễ khai mạc là phần trình diễn nghệ thuật với những bài ca ngợi ca lịch sử hào hùng của dân tộc, ngợi ca Thủ đô thân yêu.

Vào lúc 10h 15 tại khu vực hồ ven hồ phía ngã tư Hàng Khay, cụ Rùa lại nổi lên ít phút. Người dân đã chen chân, chật kín khu vực ven hồ để được ngắm báu vật của Hồ Gươm.
Ngay từ sáng sớm hôm nay, nhiều người dân từ các nơi đổ về đã tiến tới khu vực xung quanh sân khấu tổ chức lễ khai mạc với mong muốn được hòa cùng thời khắc thiêng liêng của dân tộc. Nhiều người chỉ lên một cây cổ thụ xòa tán trước sân tượng đài vua Lê trầm trồ, vì cây đã thay lá và toàn bộ cành đang nảy lên những chồi non mơn mởn. Và trước ngày đại lễ cụ Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm đã nổi. Người Hà Nội tin đó đều là điềm lành báo trước cho 10 ngày Đại lễ.

Theo ghi nhận của phóng viên chúng tôi, sáng nay lễ khai mạc đã diễn ra suôn sẻ. Khu vực hồ Hoàn Kiếm không quá đông, cảnh sát giao thông xử lý rất tốt giao thông ở các khu vực tiến về hồ Hoàn Kiếm, nên không xảy ra tình trạng ùn tắc.

Tự hào được sống trong thời khắc lịch sử

Vũ Ngọc Hùng – Sinh viên ĐH Mở: Tôi ra Bờ Hồ từ 10h sáng vì sợ tắc đường nhưng lúc đi tôi thấy giao thông rất tốt. Đến bờ hồ tôi rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ hồ Gươm đẹp đến tôi. Tôi rất tự hào vì được tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Nguyễn Mai Anh, học sinh trường Marie Curie: “Em rất hồi hộp và tự hào vì được tham gia lễ khai mạc. Đây là một cơ hội nghìn năm có một”.

Bác Đỗ Đình Mùi (74 tuổi), nhà ở Xuân Đỉnh: “Sáng nay tôi phải bắt xe buýt vài chặng mới tới được hồ Gươm vì đường rất đông. Hôm nay hồ đẹp quá, tôi hơi tiếc vì người dân chỉ được đứng vòng ngoài. Nhưng cảm giác được sống ở Hà Nội vào thời gian này, trong tôi ngập tràn cảm giác tự hào”.

Chương trình nghệ thuật diễn ra trong sáng nay – 1/10

Sân khấu 1 tại vườn hoa Lý Thái Tổ có chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng”.

Sân khấu 2 tại sân khấu Đền Bà Kiệu với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thủ đô văn hiến”.


Sân khấu 3 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hoà bình”.

Sân khấu 4 tại ngã 3 Lê Thái Tổ - Hàng Trống với chủ đề “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển”.


Sân khấu 5 tại ngã 4 Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài với chủ đề “Hà Nội, trái tim của cả nước”.

Sân khấu 6 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám: sau khi kết thúc chương trình của sân khấu 1, dàn quân nhạc di chuyển về phía sân khấu Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, vừa đi vừa biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long - Hà Nội.


Một số hình ảnh Lễ Khai mạc











Bài: Hải Diệp - Vũ Ngọc

Không có nhận xét nào: