Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Triển lãm và Liên hoan thư pháp lớn chưa từng có

Triển lãm và Liên hoan thư pháp lớn chưa từng có

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, Giám đốcTrung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã trao đổi với phóng viên Vietnam+ về Triển lãm và Liên hoan Thư pháp lớn chưa từng có sẽ diễn ra trong tháng 10 dịp Đại lễ 1.000 năm tới đây.

Không khí sẽ rất đặc trưng thư pháp

- Triển lãm thư pháp đã được tổ chức nhiều lần, nhất là ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám thì đã thành hoạt động thường niên, vậy xin ông cho biết sự khác biệt của
cuộc triển lãm lần này?

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Kế hoạch tổ chức Triển lãm và liên hoan Thư pháp đã được UBND thành phố phê duyệt. Triển lãm Thư Pháp và liên hoan Thư pháp lần này sẽ lớn chưa từng có để mừng Đại lễ. Dự kiến, Triển lãm sẽ được khai mạc vào chiều ngày 4/10/2010.

Nội dung sẽ là “hai trong một” vừa triển lãm Thư pháp vừa Liên hoan thư pháp. Tại đây Ban tổ chức sẽ trưng bày 250 bức thư họa kích cỡ khác nhau. Triển lãm sẽ được tổ chức tại sân nhà Thái học đồng thời tận dụng toàn bộ Nhà Thái học và sân Nhà Thái học nên sẽ có quy mô lớn để làm nổi bật sự độc đáo và hoành tráng.

Có mặt và làm nên không khí đặc thù rất riêng là các Thư pháp gia rất nổi tiếng của Hà Nội và cả nước. Toàn bộ sân nhà Thái học sẽ được dựng thành các nhà bát giác, long đình. Chúng tôi đã thống nhất tạo dựng trong triển lãm lần này mô hình tấm bia, mô hình cụ rùa và hình ảnh một nhà thư pháp.

Không gian sẽ rất xưa: Có bàn, có mực tàu, có người tài hoa cho chữ. Câu lạc bộ Thư pháp Hà Nội sẽ chọn ra người tiêu biểu. Các thư pháp gia cũng thường trực với quần the, trang phục cổ. Các loại chữ Hành, Triện, Lệ, Thảo sẽ thu hút những người yêu và quan tâm thư pháp được mãn nguyện.

- Thế còn không gian trưng bày, có "hành trình" đến với thư pháp đặc sắc, thưa ông?


Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Toàn bộ không gian được trang trí toàn bằng hoa. Cổng có hai cuốn thư bằng hoa lớn tương đương với cổng tam quan. Một bên ghi Liên hoan Thư pháp và triển lãm thư pháp. Một bên là chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

Theo bước khách suốt lối vào có hoa kết hai bên dẫn đường, nhấn mạnh ý nghĩa tôn vinh ngày Đại lễ bằng hoạt động Thư pháp. Cạnh Khuê Văn Các sẽ có một cuốn sách mở ra cực lớn làm bằng hoa “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” và một bên là có hình ảnh nghiên mực, bút lông cũng bằng hoa. Lá ngâu nền, hoa cúc vàng và hoa trạng nguyên màu đỏ.

Lần đầu tiên có trình diễn thư pháp

-Ông có nghĩ điều làm người quan tâm băn khoăn là không chỉ triển lãm mà còn Liên hoan thư pháp, có gì để được gọi là liên hoan?

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Điều từ trước đến nay chưa hề có là việc trình diễn tôn vinh thư pháp. Trước đây chỉ có treo các bức thư pháp, còn dịp này sẽ có trình diễn trong Liên hoan thư pháp. Đó là trình diễn các câu chuyện, giai thoại trong lịch sử có các tích chuyện liên quan đến chữ viết.

Đó là chuyện về Trần Quốc Toản viết 6 chữ Vàng “Phá cường địch báo Hoàng ân.” Hay như giai thoại lịch sử về Nguyễn Trãi-Lê Lợi với câu chuyện viết trên lá cây “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”… Hiện nay, các Nhà hát Tuồng, Nhà hát Ca múa Nhạc Thăng long đang tích cực tập luyện.

Đặc biệt, chúng tôi đã tham kiến về một chương trình chưa từng có sẽ được lồng vào lễ khai mạc. Đó là việc tổ chức lễ rước với ông đồ, tiến sĩ trong trang phục của thời xưa.

Các khúc, đoạn, bài nhạc được sử dụng đều được sáng tác riêng cho chương trình chứ không chỉ lấy sẵn từ các ca khúc, hay vay mượn đâu đó.

-Nếu với khách quen thưởng lãm theo lối truyền thống vốn thích thư pháp treo hay trưng bày
tĩnh thì sao, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Không chỉ trình diễn bằng nghệ thuật biểu diễn, triển lãm thư pháp sẽ trình diễn tĩnh bằng các chữ viết trên giấy, trên gốm, trên tre trúc và trên nhiều chất liệu khác nhau rất phong phú, gây thú vị cho người thưởng lãm.

Các cột trong nhà Thái học (Văn Miếu) sẽ được bịt kín bằng chất liệu phù hợp để tạo không gian mới, riêng. Đặc biệt theo ông Giám đốc Trung tâm sẽ có trưng bày các tác phẩm của các nghệ nhân gửi tặng. Các sản phẩm đã được mang về từ thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác tặng mừng Hà Nội nhân dịp 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Đó là cuốn sách nặng 217 kg, với chiều dài “đáng nể” khoảng 1,6m, rộng 1,1m. Mỗi tờ giấy viết đều chữ Hán. Trước khi tặng cho chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội sẽ trưng bày ở Văn Miếu.

Hay tác phẩm “Chiếu dời đô” bằng đồng dài ba mét sẽ được tặng UBND thành phố Hà Nội trước dịp Đại lễ và cũng sẽ được đưa về bày ở vị trí rất trang trọng trong khu Thái học.

Chúng tôi sẽ phục dựng một tấm bia bằng chất liệu nhẹ có in toàn bộ chữ Hán trên một tấm bia tiêu biểu trong 82 tấm bia của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đó là tấm bia có bài viết của Thân Nhân Trung “Hiền Tài là nguyên khí quốc gia”.

Đến chỗ nào khách tham dự cũng cảm thấy không khí đặc biệt của Đại lễ. 200 chiếc đèn lồng sẽ được treo khắp Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Màu sắc sẽ thật rực rỡ. Đến nay đã triển khai đến giai đoạn có thể yên tâm được. Đây sẽ là hoạt động kéo dài trong Đại lễ vì diễn ra từ 4 đến 14/10/2010.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Anh ghi (Vietnam+)
ĐÁNH GIÁ

Không có nhận xét nào: