Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Những công trình tạo dấu ấn Hà Nội trong dịp đại lễ

Những công trình tạo dấu ấn Hà Nội trong dịp đại lễ
Đại lộ dài nhất đất nước mang tên Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội hình kim tự tháp ngược, con đường gốm sứ dài nhất thế giới... là những công trình tiêu biểu phục vụ người dân và tô điểm cho thủ đô nghìn năm tuổi. > Cận cảnh đại lộ dài nhất Việt Nam/ Sắp mở cửa Bảo tàng Hà Nội với 50.000 hiện vật
Đại lộ Thăng Long - dài nhất Việt Nam
Dài 29 km, đại lộ đi qua các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất ở phía tây thành phố. Hơn 5 năm triển khai, việc thi công tuyến đường này nhiều lúc đình trệ vì ách tắc khâu giải phóng mặt bằng. Người dân qua lại luôn chịu cảnh "bão" bụi và những "ổ gà, ổ voi" trên đường này. Đây là tuyến đã nhiều lần được Chính phủ thúc đẩy tiến độ và gia hạn thời điểm thông xe.
Với nhiều nỗ lực, đến nay tuyến cao tốc này đã định hình và giải quyết bài toán giao thông ở phía tây thành phố. UBND thành phố Hà Nội đã đặt lịch thông xe toàn tuyến vào ngày 25/9.
Một đoạn Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Hoàng Hà.
Đại lộ Thăng Long có mặt đường rộng 140 m, 4 làn đường tách biệt: gom trái, cao tốc trái, gom phải, cao tốc phải và 2 hầm chui, 12 nút giao, 13 cầu vượt... Ngoài ra, đại lộ còn có dải phân cách giữa rộng 20 m đã được quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị; 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị.
Cầu Vĩnh Tuy - rộng nhất Việt Nam
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng nối quận Long Biên và Hai Bà Trưng, lưu thông phương tiện ở cửa ngõ phía đông đi vào trung tâm thành phố, góp phần giảm tải cho cầu Chương Dương và Long Biên.
Đây là cây cầu đầu tiên do Hà Nội tự đầu tư và xây dựng với tổng vốn 3.600 tỷ đồng. Toàn bộ cầu chính qua sông và cầu cạn dài 5,8 km đều do tư vấn, kỹ sư, công nhân của Việt Nam thực hiện.
Cầu Vĩnh Tuy ban đêm. Ảnh: Vũ Thành Kông.
Có sự giám sát chặt chẽ của UBND Hà Nội nên phần cầu chính Vĩnh Tuy đã hoàn thành đúng tiến độ xây dựng, tuy nhiên, dự án này vẫn gặp "trắc trở" là cầu hoàn thành nhưng không có đường dẫn lên. Nguyên nhân chính là khâu giải phóng mặt bằng gần 500 hộ dân quận Long Biên bị chậm tiến độ. Do vậy, suốt một năm qua, các phương tiện lên cầu thường phải đi vòng vèo qua nhiều đường tạm.
Đến nay, toàn bộ đoạn đường dẫn lên cầu dài 2,1 km đã hoàn thành. UBND thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định đầu tư giai đoạn 2 mở rộng mặt cầu Vĩnh Tuy rộng tới 38m - đạt kỷ lục Việt Nam.
Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Pháp Vân
Vành đai 3 bao quanh nội đô Hà Nội đang được định hình, kéo dài từ Mai Dịch - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân Nam - cầu Đại Từ - Linh Đàm - Pháp Vân đến cầu Thanh Trì, giúp người dân có thể lưu thông dễ dàng từ đông sang tây mà không phải đi xuyên qua nội đô.
Vành đai từ Mai Dịch đến cầu Đại Từ với mặt đường rộng từ 68 đến 78m đã được hoàn tất, nối với cầu vượt qua khu đô thị Linh Đàm đến Pháp Vân - hay còn gọi là cầu cạn Pháp Vân. Giữa tháng 4, một đoạn cầu cạn tại đây đã bị sập gãy gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân được cơ quan chức năng được đưa ra là do lỗi thi công. Sau sự cố này, một số cá nhân và lãnh đạo của đơn vị nhà thầu đã phải kiểm điểm trách nhiệm.
Sau khi thông xe tuyến vành đai 3 dài 18km này, chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án đường trên cao cho ôtô trên toàn bộ tuyến Mai Dịch - Linh Đàm.
Bảo tàng Hà Nội
Nằm cạnh Trung tâm hội nghị quốc gia tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Bảo tàng Hà Nội sẽ là nơi lưu giữ, trưng bày các di sản văn hoá phản ánh quá trình phát triển của thủ đô, là địa chỉ văn hoá trong tương lai của nhân dân Hà Nội và du khách trong, ngoài nước.
Bảo tàng Hà Nội có kết cấu hình "kim tự tháp ngược", là nơi trưng bày hàng nghìn hiện vật của thủ đô. Ảnh: Đ.Loan.
Bảo tàng Hà Nội có kết cấu hình kim tự tháp ngược, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần. Thiết kế của Liên doanh tư vấn GMP - ILAG(Đức), cũng là đơn vị đã thiết kế Trung tâm hội nghị quốc gia. Hai tòa nhà này sẽ tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn, có cảnh quan đẹp ở phía tây thành phố. Để đảm bảo tiến độ dự án, UBND thành phố nhiều lần đốc thúc đẩy nhanh tiến độ và có nhiều cơ chế đặc thù cho dự án.
Tầng 1 của bảo tàng sẽ trưng bày mô hình Cột chạm hình rồng thời Lý, các hiện vật thời Lý - Trần - Lê và việc phát hiện cổ vật khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Tầng 2 sẽ trưng bày các hình ảnh Tiền Thăng Long với điểm nhấn là Trống đồng Cổ Loa và hình ảnh về 3 vòng thành Cổ Loa thời An Dương Vương. Các tầng trên cũng sẽ giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc của Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Con đường Gốm sứ - kỷ lục Guiness
Tuyến đê ven sông Hồng đã được họa sĩ Nguyễn Thu Thủy biến thành bức tranh "Con đường gốm sứ" dài gần 3.950m sau gần 3 năm thực hiện.
Trẻ em quốc tế chung tay vẽ bức tranh gốm sứ. Ảnh: Lại Diễn Đàm.
Bức tranh mang nhiều chủ đề như tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn; các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; chủ đề Hà Nội - thành phố vì hoà bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, các công trình hiện đại... Bức tranh gốm là niềm tự hào của nhiều người dân thủ đô và có sự đóng góp tài trợ của nhiều doanh nghiệp lớn và các tổ chức quốc tế. Nhiều bạn bè trên thế giới cũng gửi những viên gạch nhỏ hay đến tận xưởng gốm cùng chung tay xây dựng bức tranh.
Thời gian đầu, con đường gốm sứ chưa nhận được sự đồng tình của dư luận bởi những chắp vá rời rạc, logo nhà tài trợ gây phản cảm... song chủ dự án đã điều chỉnh để tạo một bức tranh hài hòa. Tổ chức kỷ lục thế giới đã ra quyết định công nhận đây là bức tranh gốm dài nhất thế giới.
Công viên Hòa Bình
Năm 2000, thủ đô Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hoà bình”. Công viên Hoà Bình được xây dựng xuất phát từ mong muốn công trình này mang biểu tượng của hoà bình và mong muốn Hà Nội luôn là thành phố hoà bình, cũng là một lá phổi xanh cho nhân dân thủ đô.
Công viên đặt tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, ngay cửa ngõ phía tây bắc của thành phố, có diện tích tới 20ha, tổng mức đầu tư hơn 282 tỷ đồng. Tượng đài Hoà Bình được đặt ở phía nam công viên, gắn kết với không gian cây xanh, vườn tiểu cảnh.
Trong công viên còn có hồ điều hoà diện tích 5,4 ha với chức năng điều tiết nước và tạo cảnh quan. Trong công viên có các khu vui chơi giải trí kết hợp với các khu ăn uống, lưu niệm, bãi đỗ xe. Các công trình kiến trúc có chiều cao không lớn, với giải pháp thiết kế sử dụng kiến trúc truyền thống với phong cách Á Đông sẽ là những điểm nhấn trong bức tranh tổng thể công viên.
Đoàn Loan

Không có nhận xét nào: