Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

GS Hoàng Tụy: Chúng ta thiếu vắng những "Tạ Quang Bửu"

GS Hoàng Tụy: Chúng ta thiếu vắng những "Tạ Quang Bửu" và ...

Muốn xây dựng một ngành khoa học phát triển thì phải có những người lãnh đạo như GS Lê Văn Thiêm, cấp quốc gia phải có những người như GS Tạ Quang Bửu, cấp lãnh đạo cao nhất phải là những người như Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

>> Nức lòng sự kiện GS Châu, tĩnh tâm ngẫm về vận nước
>> Nguyên PTT Vũ Khoan ngẫm về thành quả của Ngô Bảo Châu
>> Ngô Bảo Châu - Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam!
>> "Rất khó để Việt Nam có những thành quả như GS Châu"
>> Từ Ngô Bảo Châu nghĩ về trí tuệ Việt Nam
>>
Sự thông minh và sự "chậm lớn" của người Việt

"Thiên tài chủ nghĩa"- con đường đúng?

GS Ngô Bảo Châu đạt đỉnh cao với giải Fields thêm một lần nữa chứng tỏ tư chất thông minh của người Việt Nam không kém ai. Nhớ lại sau khi ta thắng hai đế quốc lớn, cả thế giới nhìn vào Việt Nam và tưởng rằng trong vài chục năm VN sẽ thành cường quốc về mọi mặt.

Nhưng thực tế không phải như vậy. Bây giờ việc GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields có thể xem là một "chiến thắng Điện Biên Phủ" mới trên mặt trận khoa học. Ta có quyền hy vọng sau vài chục năm nữa, VN thành cường quốc về khoa học - kỹ thuật, và từ đó thành cường quốc cả về kinh tế.

Mong rằng chúng ta sẽ rút kinh nghiệm để không phải thất vọng.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để không chỉ có một GS Ngô Bảo Châu được vinh danh, và người được vinh danh ấy sẽ đạt thành tựu khi nghiên cứu khoa học trong nước?

Mục tiêu đó rất khó khăn, nhưng phải cố gắng làm được. Nếu chỉ dựa vào nước ngoài như trường hợp GS Ngô Bảo Châu thì chỉ là những cá nhân thôi.

Nhắc lại quá trình đi đến Giải thưởng Fields của GS Ngô Bảo Châu, đã có nhiều bài viết của những người trong giới toán học đề cập. Ta có thể rút ra những kinh nghiệm tốt về chiến lược xây dựng các ngành khoa học của Việt Nam trước đây.

Trước hết là phát hiện những mầm non tài năng, và chọn lọc chăm sóc những mầm non ấy. Nếu điều kiện trong nước khi đó chưa có thì sẽ gửi đến những nơi tốt nhất trên thế giới để đào tạo. Đó là ý tưởng của những người đề xuất tổ chức những lớp chuyên Toán (hồi đó gọi là lớp Toán đặc biệt, khi đi sơ tán thì gọi là A0).

Tôi được may mắn là người đầu tiên đề xuất ra ý tưởng ấy, và rất may mắn được GS Lê Văn Thiêm hết sức ủng hộ, rồi đến vị tư lệnh ngành là GS Tạ Quang Bửu, và trên lãnh đạo cấp cao là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhờ sự đồng cảm và ủng hộ của những người có cương vị từ thấp đến cao của bộ máy lãnh đạo, mới có được thành công của lớp A0 ươm mầm nhiều tài năng.

Dù về sau cả tôi, GS Lê Văn Thiêm, GS Tạ Quang Bửu đều bị "đánh giá" là thiên tài chủ nghĩa, nhưng bây giờ nhìn lại đó là con đường đúng.

Riêng về ngành toán của chúng tôi, chúng tôi có kinh nghiệm ngay từ đầu phải hết sức coi trọng tài năng, phải dựa theo kinh nghiệm quốc tế để đào tạo tài năng khoa học. Hết sức tránh kiểu làm không giống ai, tất nhiên cũng phải đề phòng kiểu copy nguyên xi.

GS Tạ Quang Bửu cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Viện Toán học (1986)
Hồi đó, những anh em có trách nhiệm xây dựng ngành toán đã có ý thức hội nhập quốc tế rất sớm, đồng thời chú ý những đặc điểm của nước mình, không thể copy nguyên xi được. Khi tôi được phân công xây dựng Chiến lược phát triển toán học cuối những năm 60, cho 20 năm 1970 - 1990, ý tưởng chủ đạo là không dàn hàng ngang mà xây dựng cả ngành toán học được. Phải cố gắng ngoi lên để có vị trí quốc tế trên một lĩnh vực cụ thể, rồi nhờ vị trí đó mà biết cách người ta làm khoa học như thế nào, biết những chuyện "bếp núc" của khoa học thế giới.

Phải có những nhà lãnh đạo có tầm

Chúng tôi đã hứa long trọng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó, trong 20 năm sẽ xây dựng được một ngành có vị trí trên quốc tế.

Kết quả chỉ chưa đầy 10 năm, đến giữa những năm 70, ngành toán Tối ưu đã có vị trí quốc tế. Tôi nhớ giữa những năm 1980, một số nhà toán học hàng đầu quốc tế đến Việt Nam, câu đầu tiên họ nói là "tôi rất vinh dự đến một địa danh nổi tiếng trên thế giới về Tối ưu".

Nhờ mình "leo" lên được vị trí như vậy, mình mới biết người ta làm khoa học như thế nào. Có thể biết được chuyện bếp núc trong việc xây dựng một ngành khoa học, kinh nghiệm lan tỏa sang những ngành khác. Trong thập kỷ 80, ngành toán chúng ta đã có 17, 18 học bổng Humbolt là học bổng rất có giá trị, có sự cạnh tranh quyết liệt trên quốc tế, Mỹ - Nhật - Pháp đều muốn nhận học bổng đó...

Chúng ta cũng đã xây dựng được một trung tâm nghiên cứu đạt trình độ cao là Viện Toán học, đến giữa những năm 1990 được Viện Hàn lâm thế giới thứ 3 công nhận là một trong số không nhiều những viện nghiên cứu xuất sắc của thế giới thứ ba.

Đồng thời, nhờ chúng ta có một tổ chức, cách làm việc thích hợp nên đã lôi kéo được rất nhiều nhà toán học hàng đầu trên thế giới đến VN, hợp tác rất có hiệu quả, giúp ta đào tạo cán bộ, tổ chức nhiều hội nghị ở VN, mở rộng ảnh hưởng với thế giới.

GS Tạ Quang Bửu
Nhắc lại một thời huy hoàng của Toán học Việt Nam, để hiểu muốn phát triển bất cứ một ngành khoa học nào, không thể chỉ anh em trong ngành khoa học đó tha thiết và tận tâm làm việc mà đủ.

Muốn xây dựng một ngành khoa học phát triển thì phải có những người lãnh đạo như GS Lê Văn Thiêm, cấp quốc gia phải có những người như GS Tạ Quang Bửu, cấp lãnh đạo cao nhất phải là những người như Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Giờ đây, khoa học không được phát triển như mong muốn, là vì chúng ta thiếu vắng những Tạ Quang Bửu và Phạm Văn Đồng, nên dù ở cấp độ ngành có nhiều người kế tục GS Lê Văn Thiêm nhưng kết quả không thể được như trước nữa.

Tôi tha thiết muốn nhắc lại kinh nghiệm này với những nhà lãnh đạo cao nhất.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại ý một câu trả lời của GS Ngô Bảo Châu vì tôi rất tâm đắc, và thấy không chỉ đúng với người làm khoa học mà đúng với cả người làm lãnh đạo: "Làm việc nghiêm túc, tận tâm, không chạy theo những danh tiếng hão. Như thế sẽ có lợi cho cộng đồng, cho đất nước. Và cái danh cũng sẽ đến".

  • Khánh Linh (ghi)

Không có nhận xét nào: