Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

"Rất khó để Việt Nam có những thành quả như GS Châu"

"Rất khó để Việt Nam có những thành quả như GS Châu"

Bởi chính sách không đúng, thiếu những giảng viên có tâm huyết, học sinh cũng không an tâm theo đuổi con đường khoa học. Chỉ còn vài người giỏi thì không thể chắt lọc được người xuất chúng

>> Từ Ngô Bảo Châu nghĩ về trí tuệ Việt Nam
>> Ngô Bảo Châu - Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam!

LTS: Sau niềm hân hoan khi GS Ngô Bảo Châu - người Việt Nam đầu tiên được vinh danh với Giải thưởng Fields danh giá, một câu hỏi đặt ra: Vinh quang của GS Châu có mở ra chặng đường mới cho Toán học Việt Nam nói riêng, và khoa học Việt Nam nói chung không? Làm sao để niềm vui của ngày hôm nay sẽ lặp lại trong tương lai không quá xa?

Với trăn trở đó, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với GS Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.

Nếu GS Châu nghiên cứu ở VN thì không thành công thế!

- Vinh quang mà GS Ngô Bảo Châu giành được, theo GS, có bao nhiêu % là do tài năng cá nhân, bao nhiêu % do nỗ lực không mệt mỏi, và bao nhiêu % do điều kiện môi trường?

Câu hỏi này hơi khó trả lời chính xác. Theo quan điểm của tôi, yếu tố tài năng cá nhân chiếm đến 90%, nhưng chính 10% còn lại cực kỳ quan trọng, quyết định ai đạt được đỉnh cao của khoa học, kể cả là những thành tựu lớn trong khoa học.

Yếu tố 10% ấy có thể nhìn thấy qua việc rất nhiều người trẻ Việt Nam thể hiện tài năng toán học, nhưng không nhiều người thành công trên chặng đường tiếp theo.

Có thể do lòng say mê của họ không gắn với khoa học đỉnh cao, bởi mỗi người có chí hướng và niềm đam mê khác nhau. Có thể trong quá trình học tập và nghiên cứu, họ đã không kiên trì theo đuổi bài toán mình muốn giải. Nhiều trường hợp vấn đề "ám ảnh" liên tục trong đầu mình, xoay đi xoay lại có khi đến cả chục năm, bỗng nhiên mình nghĩ ra. Nghĩ ra là sự may mắn và thành công, nhưng nếu thiếu 10 năm kiên trì phía trước thì không thể có phút may mắn và thành công đó.

Nhìn lại con đường vinh quang của GS Ngô Bảo Châu, một điểm khác biệt với nhiều người học toán trong cùng thời kỳ là GS Châu không chọn con đường dễ dàng, mà luôn muốn đạt đỉnh cao ở mỗi giai đoạn. Như khi GS Châu sang Pháp, được học bổng vào ĐHTH Paris VI (thuộc loại tốt trong hệ thống ĐH của Pháp), nhưng anh lại chọn con đường khó hơn rất nhiều là quyết tâm vào trường ưu tú nhất là Trường Sư phạm cấp cao (ENS). Hay khi làm luận án thì GS Châu chọn làm với GS Laumon, nếu nói về thành tựu thì chưa quen biết mấy, nhưng là con người có những ý tưởng táo bạo nhằm vào giải quyết những vấn đề đỉnh cao của toán.

Nếu không có tính cách luôn muốn vươn lên đỉnh cao ấy, GS Châu rất khó lòng đạt được thành tựu bây giờ.

Có rất nhiều học sinh chuyên toán thi đoạt giải rất cao, nhưng sau đó cứ có học bổng đi học nước ngoài là đi ngay, bất kể đi đâu, nhiều khi đến những nơi đào tạo nghiên cứu không tốt. Khi đang sung sức nhất thì lại đi vào những cái quá dễ dãi, đến khi chuyển sang môi trường khắt khe hơn thì mới ngỡ ngàng vì những gì mình học trước đó là số 0.

GS Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.
Có thể nói, 10% còn lại ngoài tài năng là rất quan trọng, là quyết định tất cả. Trong 10% ấy có cả sự may mắn. Tôi cũng đã từng phát biểu, nghiên cứu toán đỉnh cao cần sự may mắn, dù nhiều người phản đối nhưng sự thật là như vậy. Cả đội ngũ những nhà toán học lớn của thế giới đã lao vào giải quyết vấn đề mà GS Châu chọn giải quyết, không phải họ kém tài năng, nhưng họ đã chọn cách tiếp cận không đúng.

Thế hệ của GS Châu đã tự tin hơn, có khát vọng đạt đỉnh cao hơn thế hệ trước.

- Toán học Việt Nam đã có uy tín trong cộng đồng toán học thế giới, nhiều tên tuổi được công nhận trong cộng đồng quốc tế, nhưng trước giờ chưa ai đạt đến đẳng cấp của GS Ngô Bảo Châu. Vì họ không tài bằng, chưa nỗ lực bằng, không may mắn bằng hay môi trường không tốt bằng?

Có thể thấy rõ trong lịch sử phát triển của toán học từ thời kỳ đầu, nếu không có sự quan tâm đến khoa học cơ bản- đặc biệt là đến toán học- của các nhà quản lý từ GS Lê Văn Thiêm, đến GS Tạ Quang Bửu, thì toán học Việt Nam không thể lớn mạnh đến thế chỉ sau 20 năm, với cả đội ngũ giáo viên phổ thông vừa rất tâm huyết với nghề, vừa rất có trình độ trong nghiên cứu học thuật. Đó là thế hệ đầu tiên của những người như GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu...

Thế hệ đầu tiên đó đã hy sinh rất nhiều khi không làm nghiên cứu thực sự, mà làm nhiệm vụ quảng bá toán học, giúp cho thế hệ sau tiếp cận với những nghiên cứu mới nhất về toán học trên thế giới. Ngày nay chúng ta thường đánh giá tài năng của một nhà nghiên cứu qua những công trình, nhưng thế hệ đầu tiên đó là những người bác học, họ tập trung công lực để tìm hiểu toán học hiện đại, truyền bá toán học cho các thế hệ đi sau. Không có sự hy sinh ấy thì không thể có thành tựu của toán học sau này

GS Ngô Bảo Châu trưởng thành vào thời kỳ hoàng kim của toán học, khi có cả phong trào rộng khắp học toán và làm toán, khi những người giỏi toán được vinh danh trong xã hội. Phải có cả một đội ngũ học sinh xuất sắc, giáo viên xuất sắc như vậy, mới chắt lọc ra một người như GS Châu.

- GS từng nói 2 con người vĩ đại nhất của toán học Việt Nam là GS Hoàng Tụy và GS Ngô Bảo Châu. Vậy sự giống và khác nhau giữa họ là gì? Từ đó rút ra được điều gì về hành trình toán học VN?

Mỗi thế hệ sẽ có con đường đi khác nhau. Nếu nhìn con đường của GS Hoàng Tụy, sẽ thấy ông là người xuất chúng. Cả cuộc đời ông từ sau phổ thông là hành trình tự học, chứ không được đào tạo gì nhiều. Nếu không phải xuất chúng thì không thể tự học mà đạt được đỉnh cao như vậy.

Không những tự học, GS Hoàng Tụy còn dũng cảm tiếp cận những vấn đề mới nhất của toán học vào thời kỳ bấy giờ, làm nên những kết quả rất cơ bản mà đến sau này còn được nhiều người nhắc đến.

Ngoài ra, GS Hoàng Tụy còn đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung của toán học VN, như tôi đã nói nói ở câu trả lời trước. Ông là người khởi xướng việc trường chuyên lớp chuyên, khởi xướng việc đi thi học sinh giỏi toán quốc tế, để toán học Việt Nam bước ra với thế giới.

Còn GS Ngô Bảo Châu được đặt vào bệ phóng của cả hệ thống như vậy, đỡ được rất nhiều thời gian và công sức, không phải tự học, được toàn tâm toàn ý nghiên cứu.

Nên ở lại nước ngoài hay trở về nước nghiên cứu?

- Đặt giả thiết nếu GS Ngô Bảo Châu chọn về Việt Nam nghiên cứu từ cách đây 5, 7 năm, thì liệu GS Châu có đạt thành tựu như bây giờ không?

Tôi có thể khẳng định là không thể được. Với trình độ toán học phát triển như vũ bão thì phải vào những môi tường tốt nhất, tiếp xúc với những con người có tư tưởng lớn nhất thì mới đạt đỉnh cao như GS Châu được. Chưa kể về Việt Nam còn phải lo cơm áo gạo tiền, rồi những bất cập trong hệ thống cũng làm mòn mỏi hết cả ý chí.

Thời đại bây giờ, rất khó để Việt Nam có được những thành quả như GS Châu. Bởi chính sách không đúng, thiếu những giảng viên có tâm huyết, học sinh cũng không an tâm theo đuổi con đường khoa học. Chỉ còn vài người giỏi thì không thể chắt lọc được người xuất chúng. Cũng có những người rất say mê, nhưng đại đa số thực dụng hơn, nên chọn đường đi dễ dãi hơn.

Muốn lâu dài có những Ngô Bảo Châu tiếp theo, không chỉ cần ưu đãi, mà phải có cả hệ thống khoa học đúng đắn.

Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields từ Tổng thống Ấn Độ. Ảnh: BBC

- Vậy với cương vị Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, GS sẽ khuyên những người Việt tài năng xuất sắc ở lại nước ngoài hay trở về nước nghiên cứu?

Tôi cũng suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Có thể nói thẳng rằng, những người thật sự giỏi, đạt trình độ của những chuyên gia hàng đầu thế giới thì nên ở lại nước ngoài mới có thể phát triển về mặt chuyên môn. Thành công của họ cũng sẽ đem lại vinh quang cho VN, đồng thời với cương vị của họ, trình độ của họ có thể giúp được đất nước ở những khía cạnh khác nhau.

Còn những người không đạt được trình độ đó, thì về nước là sự lựa chọn đáng lưu tâm,

Cạnh tranh khoa học ở nước ngoài rất khốc liệt, ở nhiều nước tuy mình có thể là giảng viên một trường đại học, nhưng mình chỉ là người làm công ăn lương, vai trò đối với sự nghiệp chung không có, không thể đóng góp nhiều.

Với trình độ đó, nếu quay về nước tự khắc anh sẽ đứng ở hàng đầu, sẽ đóng vai trò giúp cộng đồng toán học nói riêng, giúp khoa học Việt Nam nói chung đi lên. Xã hội mình còn thiếu thốn, còn nhiều tiêu cực, nhưng xu hướng sẽ phát triển, và mình đóng góp vào sự nghiệp đó. Mình sẽ thấy hạnh phúc khi đóng góp thật sự cho xã hội.

- 11 giờ sáng qua 19.8, Đại hội liên đoàn Toán học thế giới (ICM 2010) chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc tế Hyderabad (HICC), thành phố Hyderabad - bang Andhra Pradesh (Ấn Độ). ICM là hội nghị lớn nhất thế giới về toán, được tổ chức 4 năm một lần. Cùng với Ngô Bảo Châu, 3 nhà toán học khác đoạt giải Fields lần này còn có: Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).

- Theo thông lệ, phiên khai mạc công bố các nhà toán học được nhận giải thưởng Fields và các giải thưởng khác của Liên đoàn Toán học thế giới bao gồm giải Nevanlinna, giải Gauss và giải thưởng Chern. Giải Chern là giải thưởng mới, lần đầu tiên được trao tặng tại ICM 2010 Hyderabad, nhằm vinh danh một cá nhân đã có những thành tựu trọn đời trong lĩnh vực toán học được ghi nhận ở mức độ đặc biệt xuất sắc. Người đoạt giải Chern sẽ nhận được một phần thưởng 500.000 USD.

- Xuất hiện từ năm 1936, giải thưởng Fields là phần thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán, mà chủ sở hữu là Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU - International Mathematical Union), một hiệp hội của cộng đồng toán học thế giới. Hai giải Nobel và Fields có vài tương đồng nhưng đồng thời cũng nhiều dị biệt. Hầu như mọi người đều đồng ý đây là hai giải thưởng cao quý nhất trong ngành, vì thế cộng đồng khoa học thường đánh giá Fields là "Nobel của toán học".

- Hai giải này- Nobel và Fields- chỉ dành cho những người còn sống. Nếu có một nhà khoa học nào đó qua đời, những thành tựu của họ sẽ không bao giờ được xem xét đến dù rất lỗi lạc. Khi nói đến những dị biệt, đầu tiên người ta nghĩ ngay đến giới hạn về tuổi tác của giải Fields: Chỉ tặng cho những tài năng trẻ, tuổi dưới 40. Sự kiện này đã gây một số thiệt thòi cho những tài năng nở muộn. Trong khi đó giải Nobel lại không bị giới hạn về tuổi tác.

- Một sự khác biệt quan trọng khác: Nobel được tặng hàng năm trong khi Fields cứ 4 năm/ lần. Vì vậy, giải Fields dành cho những nhà toán học trẻ (tuổi dưới 40) cho nên sự chọn lọc rất gắt gao, và nếu "lỡ chuyến tàu" thì chưa chắc đã có dịp may thứ hai. Để bù lại, giải Fields được cấp cho nhiều người, từ 2 - 4, cho những ngành hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó mỗi giải Nobel tối đa chỉ ba người, và cũng chỉ trên một đề tài duy nhất. Ngoài ra về phương diện tài chính, người nhận giải Fields được tặng khoảng 15.000 USD, chỉ khoảng hơn 1% của giải Nobel.

- GS Ngô Bảo Châu đã lập một kỳ tích và mang lại vinh quang đặc biệt cho đất nước Việt Nam, bởi trong suốt 74 năm qua, châu Á mới có một quốc gia duy nhất có công dân được nhận giải này là Nhật Bản (vào các năm 1954, 1970 và 1990).

(Nguồn: SGTT)

Không có nhận xét nào: