(TNTS) “Đến một lúc nào đó, bạn làm toán vì bạn thích chứ không phải để chứng tỏ một cái gì nữa”.
Lần đầu tiên phỏng vấn Ngô Bảo Châu, khi tôi hỏi về cái sự nổi tiếng, đặc biệt là nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông, anh đã nói rất thẳng: “Nói thật với bạn, trả lời báo chí cũng là một hệ lụy bất đắc dĩ”.
Bây giờ thì có vẻ như anh đang chịu cái hệ lụy đó. Rất nhiều. Nhưng đó cũng là điều bình thường của một người nổi tiếng. Sự nổi tiếng thường đi kèm hệ lụy.
Có điều, như Ngô Bảo Châu nói, đó là sự nổi tiếng mà anh không hề có chủ ý đi tìm. “Nếu lấy giàu và nổi tiếng làm mục đích thì có thể thất vọng hai lần. Thứ nhất là thất vọng vì không đạt được mục đích.
Theo dòng sự kiện>> Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận thẻ bạch kim của Vietnam Airlines | Thứ hai là trong trường hợp đã đạt được mục đích, bạn lại thất vọng vì hóa ra đó không phải cái bạn muốn”, anh đã nói như thế, khi tôi băn khoăn rằng làm toán học dường như rất khó nổi tiếng, và khó giàu. Thế đấy, mỗi một lần trò chuyện với anh, có cảm giác như được nhìn thấy bầu trời tươi mới sau khi một cánh cửa sổ nữa được mở ra. Đó cũng là cách làm toán mà Ngô Bảo Châu thích. “Câu hỏi hóc búa được trả lời bằng cách mở một cánh cửa sổ để nhận ánh sáng từ bên ngoài”. Anh đến với Bổ đề cơ bản chẳng phải để chứng tỏ điều gì, mà chỉ vì niềm đam mê. |
Tôi nhớ câu chuyện về Định lý lớn của Fermat. “Không tồn tại các nghiệm nguyên khác 0 x, y, và z thỏa mãn xn + yn = zn trong đó n là một số nguyên lớn hơn 2”. Định lý chỉ có thế, không thể giản đơn hơn. Thế nhưng, phía sau cái ngoại hình đơn giản ấy là một thách đố của nhiều thế hệ. Không biết đùa hay thật mà nhà toán học vĩ đại của chúng ta, Pierre de Fermat, gần 4 thế kỷ trước đã viết thêm bên lề sách: “Tôi đã chứng minh được. Hay tuyệt. Nhưng lề sách bé quá, không đủ chỗ để viết.” Cái định lý tưởng chừng đơn giản ấy, cùng câu viết bí ẩn của Fermat, đã làm đau đầu các nhà toán học suốt non 4 thế kỷ qua. Mãi đến thập niên 1990, nhà toán học người Anh Andrew Wiles mới chứng minh được. Giới toán học thở phào sau khi thách đố nổi tiếng nhất lịch sử toán học được hóa giải. Thế giới cũng thở phào, tung hô Wiles như một vĩ nhân, dù mấy ai biết cặn kẽ việc ông ta làm là thế nào. Ấy thế mà Wiles coi công trình của mình chỉ là một món quà tặng vợ. Đơn giản thế thôi. Ông làm toán không để chứng tỏ một điều gì, không để trở nên nổi tiếng. Ông làm toán vì thích. | “Không phải ai cũng có khả năng để đạt giải Nobel hay Fields, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa”. Trích từ blog của GS Ngô Bảo Châu |
Anh chàng lập dị Grigori Perelman ở Nga cũng tương tự. Trong khi cả thế giới coi việc anh ta chứng minh thành công Giả thuyết Poincaré là kỳ tích, thì anh ta chép miệng: “Công lao tôi có gì đáng kể”. Perelman thậm chí còn từ chối nhận phần thưởng 1.000.000 USD của Viện toán Clay ở Cambridge, Massachusetts.
Các nhà toán học, tới một đẳng cấp thượng thừa nào đó, làm toán vì niềm đam mê, vì ham muốn khám phá thế giới, chứ chẳng phải để chứng tỏ một điều gì. Cũng như các võ sư bậc thầy luyện võ chẳng phải để đánh nhau. Đấy cũng chính là cách tiếp cận của Ngô Bảo Châu: “Bản thân tôi suy nghĩ khá đơn giản về giải thưởng nói chung. Nếu người ta trao cho tôi, tôi sẽ đón nhận nó như một vinh dự lớn. Nếu không, tôi cũng cho rằng mình không nên buồn quá. Đặt niềm tin vào những cái này là không nên”. Và anh nói: “Đến một lúc nào đó, bạn làm toán vì bạn thích chứ không phải để chứng tỏ một cái gì nữa”, khi tôi hỏi anh về việc chứng minh Bổ đề cơ bản.
Ngô Bảo Châu đã nhìn về giải Fields đơn giản như thế, sau khi anh đã mở một cánh cửa sổ để đón ánh nắng vào chiếu sáng cho căn phòng mà tất cả chúng ta đang sống.
Những ngày này, khi Ngô Bảo Châu là một cái tên đem lại niềm cảm hứng mãnh liệt và không chỉ riêng cho Việt Nam. Trên trang blog cá nhân mang tên Thích Học Toán của anh, nơi mà anh tự nhận mình là một hòa thượng trong ngôi chùa toán học, có thể thấy rất nhiều lời chúc mừng nồng nhiệt. Giữa những bộn bề, Ngô Bảo Châu cũng dành thời gian trải lòng mình ra với mọi người. Những tâm sự rất thật, rất thẳng của anh một lần nữa làm cho người ta hiểu thêm về anh, không chỉ với tư cách là một nhà khoa học tài năng, mà còn là một bản lĩnh lớn.
Tôi nhớ, anh từng nói rằng trang Thích Học Toán là nơi dành cho những cuộc trò chuyện toán học. Đó cũng có thể là nơi ươm mầm những khát vọng toán học cho các bạn trẻ. Ngô Bảo Châu nói nếu như toán học là một ngọn núi, “thì Thích Học Toán có thể dắt tay bạn đến chân núi, rồi bạn sẽ phải tự leo. Ít nhất ngọn núi gần trông không đáng sợ như ngọn núi xa. Cái mục đích đầu tiên và cuối cùng của blog Thích Học Toán là góp một chút hơi để thổi lại tinh thần hiếu học.”
Thổi lại tinh thần hiếu học, dường như đang chùng xuống trong giai đoạn này, là điều mà Ngô Bảo Châu luôn trăn trở. Anh bảo lâu nay người ta thường học để làm quan, chứ không đặt trọng tâm lên khát khao hiểu biết của con người. Anh muốn Thích Học Toán góp phần thổi lại tinh thần hiếu học, thổi lại khát khao hiểu biết của con người. Anh cũng có những nỗ lực khác, trực diện hơn, như dự án quỹ khuyến học và tham gia vào các nỗ lực chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Tất cả những nỗ lực ấy, trước sau, đều phản ánh quan điểm, phương châm sống của Ngô Bảo Châu. Sự học không nên lấy giàu và nổi tiếng làm mục đích. Chính điều đó đã đưa anh tới thành công kỳ vĩ của hôm nay, và những thành công kỳ vĩ hơn nữa đang chờ, ở tương lai.
Đỗ Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét