Chiến lược phát triển người tài
Việc Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020, xây dựng Viện Nghiên cứu cấp cao về toán học mà giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu nhận lời làm viện trưởng được nhiều người quan tâm và kỳ vọng.
Học sinh chuyên Toán ở trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: Đ.N.Thạch (Thanh Niên). |
Tạo môi trường nghiên cứu đúng nghĩa
Trao đổi với PV, GS Lê Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội Toán học VN, cho biết viện nghiên cứu này không phải dành riêng cho những người nước ngoài mà chủ yếu cho những nhà nghiên cứu trong nước. Điều quan trọng là tạo một môi trường trao đổi, giao lưu học thuật tiên tiến. Tại đây, các nhà toán học trong nước sẽ được cập nhật những kiến thức mới nhất trên thế giới về toán học.
Theo GS Hà Huy Khoái (nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN), mô hình này không mới vì đã tồn tại từ lâu ở các nước như Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, Anh... Không có một bộ máy hành chính cồng kềnh, thậm chí chỉ có một viện trưởng và khoảng 5 giáo sư thường xuyên. Những người khác đến làm việc ở viện một thời gian, có thể một năm, vài tuần hoặc vài tháng. Đó là những người đang tập trung nghiên cứu để hoàn thành một công trình; hoặc chỉ nhằm mục đích trao đổi chuyên môn.
Toán học VN có một số điểm mạnh, nhưng cũng còn nhiều điểm rất yếu, đặc biệt là trong việc ứng dụng toán học - GS Nguyễn Tiến Dũng ĐH Toulouse (Pháp) |
Bên cạnh những chủ đề là các hoạt động thường xuyên như đào tạo nghiên cứu sinh, hoặc là chỗ để cho cán bộ giảng dạy dứt hẳn công việc thường ngày để vào đó tập trung cho công tác nghiên cứu.
Tuy nhiên, GS Hoa bày tỏ: "Viện Nghiên cứu cấp cao về toán học không phải là đôi đũa thần cho dù có tâm huyết của GS Ngô Bảo Châu dồn vào đó. Thành công chỉ đến khi có sự nỗ lực từ nhiều phía và nhiều yếu tố".
Đầu tư ít mà hiệu quả cao
Về việc thành lập thêm Viện Nghiên cứu cấp cao toán học bên cạnh Viện Toán học hiện có, không ít người đặt vấn đề: liệu đây có phải là một sự đầu tư xa xỉ hay không trong điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn và trình độ khoa học cơ bản ở mức thấp?
Trả lời câu hỏi tại sao cần đầu tư cho toán học, GS Hà Huy Khoái lý giải: "Thời kỳ những năm 1990, GS Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ GD - ĐT lúc đó đã rất sáng suốt khi nhận ra rằng: muốn phát triển lâu dài về kinh tế và khoa học công nghệ thì phải có một nền khoa học cơ bản vững vàng. Thứ hai, để có nền giáo dục tốt, chất lượng cao thì ngành khoa học cơ bản - toán học phải có nền tảng rất vững".
GS Hà Huy Khoái giải thích thêm: "Viện Nghiên cứu cấp cao về toán học như phân tích ở trên là mô hình tiết kiệm. Tôi cho rằng đó là một cách đầu tư ít mà hiệu quả cao. Nếu ta gửi một cán bộ khoa học giỏi đi nước ngoài khoảng 1 tháng thì số tiền đầu tư rất lớn. Nếu chúng ta mời một vài giáo sư giỏi trên thế giới về thì hàng trăm người có nhu cầu sẽ được tiếp cận và trao đổi, học hỏi... Như vậy về mặt kinh tế là rất lợi".
Mục tiêu đề án Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020 Đảm bảo vào năm 2020 có đủ đội ngũ giảng viên toán trình độ cao ở các trường ĐH-CĐ, trong đó tỷ lệ giảng viên toán có bằng tiến sĩ ở các trường ĐH lớn phải đạt trên 70%. Xây dựng Viện Toán học và 1 - 2 khoa ở các trường ĐH lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán của khu vực. Thiết lập một hình thức thích hợp để thu hút các nhà toán học thế giới, nhà toán học người Việt ở nước ngoài tới VN nghiên cứu, đào tạo tài năng, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về Toán của các trường ĐH-CĐ. Đưa thứ hạng toán học của VN lên thứ 40 (Theo Viện Toán học, hiện VN đứng khoảng 50 - 55 trên thế giới). Tổng kinh phí dành cho chương trình này là 651 tỉ đồng. |
Vả lại, Viện Nghiên cứu cấp cao về toán học không phải là ý tưởng xuất phát nhất thời mà nằm trong định hướng chiến lược phát triển toán học của VN. Vào năm 2007, nhân dịp VN lần đầu tiên đăng cai Olympic Toán quốc tế, nhiều chuyên gia về toán học gốc Việt khắp nơi đã hội tụ về.
Trong những ngày đó, nhiều người trong số họ đã nêu vấn đề với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ rằng toán học VN có nguy cơ bị xóa sổ do không có lực lượng kế thừa dù người tài vẫn nhiều.
Từ những ý kiến này, Phó thủ tướng đã yêu cầu Viện Toán học và Hội Toán học VN xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học.
Đến năm 2010, khi thông tin GS Ngô Bảo Châu có nhiều khả năng nhận được giải thưởng Fields thì việc xúc tiến thành lập Viện Nghiên cứu cấp cao về toán học càng trở nên cần thiết.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Tiến Dũng - ĐH Toulouse (Pháp) cho rằng: "Việc thành lập Viện Nghiên cứu cấp cao về toán là một thuận lợi cho nền toán học VN. Toán học VN có một số điểm mạnh, nhưng cũng còn nhiều điểm rất yếu, đặc biệt là trong việc ứng dụng toán học và chưa có một viện toán ứng dụng nào xứng tầm quốc gia. Tôi hy vọng sẽ có một viện toán ứng dụng mạnh ở VN, hoặc ít ra Viện Nghiên cứu cấp cao về toán sẽ chú trọng nhiều hơn đến các ứng dụng của toán học".
Và chúng ta tin rằng đây có thể là mô hình mẫu để khi có điều kiện, Nhà nước có thể triển khai áp dụng cho nhiều ngành khoa học khác của nước nhà.
Vai trò của GS Ngô Bảo Châu
Các nhà toán học trong nước đều đánh giá rằng uy tín của GS Ngô Bảo Châu sẽ mang lại nhiều tác động tích cực khi anh trở thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp cao về toán học cũng như trở về nước làm việc mỗi năm khoảng 3 tháng.
GS Hà Huy Khoái nhận định: "Không ít viện trên thế giới được thành lập và hoạt động thành công đều là do những cá nhân tích cực. GS Ngô Bảo Châu hoàn toàn có thể đóng vai trò như thế. Tài năng của anh đã được chứng minh trên thực tế nên tiếng nói của anh sẽ rất có trọng lượng".
Còn GS Lê Tuấn Hoa nhìn nhận: "GS Ngô Bảo Châu sẽ là cầu nối để các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đến VN cộng tác. Ví dụ, mỗi năm GS Châu về nước 3 tháng thì tôi tin rằng ai cũng muốn làm việc với anh, không phải chỉ là những nhà khoa học trong nước mà có cả những GS giỏi trên thế giới".
GS Hà Huy Khoái cho rằng: "Lập một cái viện không phải truyền thống, với mức lương khác biệt hẳn (từ 1.500 đến 2.000 USD/tháng) thì nhận được sự đồng thuận của xã hội không phải dễ dàng. Do đó cần có người đủ uy tín như anh Châu, người đó phải được trao quyền tự chủ tương đối lớn, một cơ chế hoạt động độc lập. Nhà nước chỉ giao nhiệm vụ, kinh phí còn lại họ làm như thế nào thì do viện trưởng quyết định".
Cũng cần vực dậy các ngành khoa học khác "Mỗi nước có quy hoạch, có chiến lược riêng sao cho tối ưu hóa sự đầu tư, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của mình cho phát triển đất nước. Khoa học gồm rất nhiều ngành, ngoài Lý, Hóa, Sinh, Khảo cổ, Địa chất..., còn có các ngành khoa học công nghệ như: Công nghệ vật liệu, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học; khoa học xã hội như: Khoa học Quản lý, Luật pháp... Ở VN, ngành Toán không thể quan trọng hơn những ngành kia. Ngay trong Toán cũng có ngành Toán ứng dụng, rất quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội" - ông Bùi Quang Ngọc (cựu giảng viên Toán trường ĐH Bách khoa Hà Nội) Cần cơ chế đặc biệt "Nếu Nhà nước có điều kiện đầu tư xây dựng một Viện nghiên cứu khoa học cấp cao (không chỉ dành cho toán học mà nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác) thì rất cần một cơ chế đặc biệt, tương xứng với các yêu cầu quốc tế, thu hút nhà khoa học thế giới đến làm việc. Với uy tín và trình độ của mình, GS Ngô Bảo Châu chính là người thích hợp nhất trong việc đứng ra mời các nhà khoa học đến làm việc" - TS Nguyễn Chí Thành (Phó chủ nhiệm khoa Sư phạm trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) Theo Thành Lương - Trường Sơn |
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét