Ngô Bảo Châu: Toán học, đi, và về
>> Nhà toán học trong đời thường
Sau 15 năm gần như “ở ẩn” để tập trung cho nghiên cứu toán học, việc chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, đã đưa Ngô Bảo Châu trở thành nhà toán học tầm cỡ thế giới.
Không phải chờ đến ngày 19-8 tại Hyderabad (Ấn Độ), nhiều năm trước, Ngô Bảo Châu đã là niềm tự hào của giới toán học VN với nhiều kết quả nghiên cứu được vinh danh.
GS Ngô Bảo Châu với cuốn Đại số tuyến tính. Tác giả cuốn sách - GS Ngô Thúc Lanh - là bác họ của GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Nguyễn Á (Tuổi Trẻ). |
Từ học toán đến làm toán
Có lẽ, thất bại duy nhất trong sự nghiệp học hành của Ngô Bảo Châu là lần thi... trượt vào lớp chuyên toán của Trường Trưng Vương. Năm sau thi lại, Châu đã đỗ với thứ hạng cao và gắn bó với toán học từ đó.
Sau khi giành giải nhất học sinh giỏi toán quốc gia ở năm cuối cấp II, Ngô Bảo Châu vào học khối chuyên toán Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội) và liên tiếp giành hai huy chương vàng Olympic toán quốc tế với điểm số tuyệt đối 42/42.
Cũng với niềm say mê toán học ấy, 18 tuổi, anh rời Việt Nam, xa gia đình đến Pháp bắt đầu cuộc sống du học và trong suốt 15 năm sau, dồn sức cho nghiên cứu toán học tại Paris. Từ năm 2004, tên tuổi Ngô Bảo Châu liên tục xuất hiện với những kết quả nghiên cứu được công bố và ghi nhận. Khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, anh đã được giới toán học cả thế giới ngưỡng mộ.
Thế giới cân bằng của Châu
Kỷ niệm khiến GS Ngô Huy Cẩn hào hứng nhất khi nói về những năm tháng đi học của con trai không phải là những giải thưởng.
“Châu học giỏi nhưng cũng rất nghịch. Hồi học lớp 7, một lần Châu nghịch nhảy lên bàn bị thầy giáo bắt viết kiểm điểm. Lo bố mẹ biết sẽ buồn, tan học Châu không dám về nhà mà đi lang thang. Hồi đó (năm 1983), xe cộ ở Hà Nội đâu đã có nhiều, nhà ở ngay phố Hàng Bài mà Châu một mình lang thang đến tối, xuống tận khu Cầu Giấy, bị lạc đường, được một anh công an đưa về tận nhà - ông nhớ lại - Nhìn thấy con về mừng quá, không còn nghĩ đến chuyện mắng mỏ gì nữa”.
Nhìn nụ cười thật hiền hậu, ấm áp trên gương mặt người cha khi nhắc về một lần mắc lỗi từ cách đây 27 năm của con trai, chúng tôi thật sự cảm nhận được sự may mắn của Ngô Bảo Châu, không phải vì anh sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là GS, TS mà bởi vì anh có hai điểm tựa rất lớn, luôn nâng đỡ và khuyến khích anh hướng về phía trước.
“Sẽ là tính cách ấy, ý chí ấy, không thể nào khác, khi được hưởng nề nếp giáo dục, lối sống từ cha mẹ. Ngô Bảo Châu thừa hưởng không chỉ gen làm khoa học từ cha mẹ mà còn cả phong cách sống của những nhà khoa học chân chính, yêu lao động, luôn khát khao học hỏi, tìm tòi trong chuyên môn...” - đó là nhận xét chung của những người mà chúng tôi đã gặp, dù trong giới toán học, cơ học hay chỉ là những người bạn học cũ của cha mẹ Ngô Bảo Châu.
Họ ghi nhớ hình ảnh người cha của Ngô Bảo Châu - GS.TSKH Ngô Huy Cẩn - như một hình mẫu về tinh thần làm việc và cả trong cuộc sống mẫu mực, vững vàng hằng ngày.
“Khi Châu học cuối cấp một, tôi thấy Châu giải toán rất nhanh nên khuyên con đi học chuyên toán, mong ước là sau này Châu sẽ đi theo con đường nghiên cứu khoa học của cha mẹ” - GS Ngô Huy Cẩn nhớ lại lý do giản dị đã đưa con trai mình đến với toán học.
“Tôi luôn cho rằng, GS Cẩn đóng một vai trò đặc biệt trong con đường đến với toán học của Châu, dù ông không phải người làm về toán” - GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, phó viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, nói.
Những định hướng của người cha luôn được Châu đón nhận và thực hiện thành công, và cũng chính GS Cẩn khi phát hiện năng khiếu và niềm say mê toán học của con trai đã mời các thầy Lê Tuấn Hoa, Vũ Đức Thái, Vũ Đình Hòa... dạy cho Châu.
Nếu người cha mang đến cho Châu một định hướng đúng đắn trong học tập thì người mẹ lại hoàn thiện cho Châu những giá trị tinh thần. Niềm tự hào của người mẹ về Ngô Bảo Châu không chỉ là những thành tựu khoa học rực rỡ mà còn ở cách đối nhân xử thế, lối sống...
Bà tự hào khi bộc bạch: “Châu có phong cách của người Hà Nội gốc và chịu ảnh hưởng nhiều từ ông ngoại. Có lẽ vì thế là dân toán nhưng Châu có thể viết văn hay và rất dí dỏm”. Những ai đã từng đọc những bài viết về nhiều chủ đề khác nhau trên blog của Ngô Bảo Châu đều bị cuốn hút bởi văn phong sâu sắc, dí dỏm đầy bất ngờ.
Ảnh hưởng của cha mẹ không chỉ giúp Ngô Bảo Châu thành công trong sự nghiệp mà còn có một cuộc sống gia đình bình yên và hạnh phúc với vợ cùng ba cô con gái. Bà Vân Hiền rất tự hào khi “khoe” về con trai: “Dù bận bịu đến đâu, ngày nào Châu cũng dành thời gian kèm cặp các con học bài”. Chính gia đình đã tạo cho Ngô Bảo Châu một thế giới cân bằng giữa toán học và cuộc sống.
“Khi làm khoa học, Châu được làm việc cùng các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu tốt nhất thế giới. Điều đó đã giúp tài năng của Châu tỏa sáng. Tuy nhiên, phải nói là Châu có tư chất hiếm từ nhỏ. Châu có khả năng nghĩ dài hơi hơn những bạn cùng trang lứa. Ví dụ các trò khác chỉ có thể nghĩ cách giải một bài toán trong vài giờ thì Châu có thể nghĩ vài ngày một vấn đề cho đến khi tìm ra lời giải. Suy nghĩ dài hơi, kiên trì - điều đó rất quan trọng đối với người làm toán” - GS Lê Tuấn Hoa, người thầy của Ngô Bảo Châu, nhận xét.
Ra đi và trở về
Mùa hè năm 2007, GS Ngô Bảo Châu nhận lời mời của Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (IAS) - viện nghiên cứu số một về toán của Hoa Kỳ - đồng thời vẫn làm việc tại Đại học Tổng hợp Paris 11. Đầu năm 2010, anh nhận lời làm giáo sư của ĐH Chicago (Hoa Kỳ).
Đối với giới toán học VN, những chuyến đi - về của Ngô Bảo Châu đã quen thuộc trong nhiều năm nay dù anh luôn bận rộn với công việc nghiên cứu. Trong những lần đi về không hề ồn ào, anh hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh VN, giới thiệu nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ của VN với những nhà toán học hàng đầu thế giới. Anh cùng Viện Toán và ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị Nhà nước cho phép mở một chương trình đặc biệt đào tạo thạc sĩ toán trình độ quốc tế và đảm trách vai trò đồng giám đốc một đề án của Viện Toán.
“Tổ chức của Viện Nghiên cứu và đào tạo cấp cao về toán sẽ khác với Viện Toán học hiện tại. Đó sẽ như một “trại sáng tác” nhưng thời gian không chỉ vài tuần mà từ sáu tháng đến một năm. Khi các học viên có đề tài nghiên cứu, ban lãnh đạo viện sẽ duyệt và nếu được sẽ có kinh phí, bố trí chỗ làm việc để họ ở lại nghiên cứu.
Sự ra đời của viện sẽ giải quyết nhiều cản trở trong nghiên cứu toán ở VN. Hiện tại, tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ học ở nước ngoài muốn về VN làm việc nhưng không có thềm để dừng chân như chỗ làm việc ngay, họ mất rất nhiều thời gian lo chỗ ăn, chỗ ở.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nữa là cán bộ giảng dạy ở các trường ĐH hiện nay không có cơ hội để nghiên cứu khoa học mặc dù họ có rất nhiều khả năng. Viện sẽ tạo điều kiện cho họ trong vòng sáu tháng đến một năm “rũ bỏ” việc giảng dạy, quản lý để tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu khoa học. Viện sẽ có kinh phí để đảm bảo cuộc sống cho họ trong thời gian nghiên cứu, sau đó họ quay lại trường tiếp tục công tác bình thường.
Đây cũng có thể là một đà mới để họ phát triển sự nghiệp của mình. Cách tổ chức như thế này không mới, ở các nước đã làm rất nhiều, tôi thấy rất hiệu quả. Với những người say sưa với khoa học thì đây là chỗ tiếp sức để họ thực hiện nghiên cứu khoa học của mình” - Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Gần 20 năm sống và làm việc ở nước ngoài, Ngô Bảo Châu vẫn giữ quốc tịch VN và luôn mang theo mình cuốn hộ chiếu VN. GS.TSKH Lê Tuấn Hoa nhắc lại với chúng tôi một chi tiết làm ông xúc động: “Khi đọc báo cáo tại Hội nghị toán học quốc tế IMU 2006 ở Madrid (Tây Ban Nha), Ngô Bảo Châu đã ghi hai địa chỉ của mình: ĐH Tổng hợp Paris 11 và Viện Toán học Việt Nam”.
Theo Thanh Hà - Trịnh Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ
'Giới toán học chúng tôi rạch ròi lắm' “Nếu Ngô Bảo Châu giành được giải thưởng Fields, đánh giá công bằng, thành tựu ấy trước hết phải thuộc về nước Pháp và trường ĐH với những người thầy đã tạo ra môi trường nghiên cứu cho Châu phát huy hết năng lực, tài năng của mình. Nếu nhận đó là thành tựu của toán học VN là không chính xác. Giới toán học chúng tôi rạch ròi lắm. Nhưng rõ ràng VN cũng có đóng góp một phần trong thành tích của Ngô Bảo Châu, đó là đã phát hiện, đào tạo ban đầu cho một mầm tài năng toán học, các thầy đã cùng nhau truyền cho Châu tình yêu bền vững với toán học. Sau Châu, VN còn có nhiều “mầm toán” khác có thể trở thành những chuyên gia toán hàng đầu thế giới trong tương lai. Tiếc là những “mầm toán” trưởng thành trong nước vẫn còn ít, các “đỉnh cao” đều được tiếp tục nuôi dưỡng ở những nền toán học nước khác. Trong hơn một thập kỷ qua, những người thành danh chưa được quy tụ để toán học VN có thể trở thành “rừng cây lớn”. Nếu chỉ làm việc ở VN, sẽ không có Ngô Bảo Châu hôm nay và những thành tựu nghiên cứu mà cậu ấy đã công bố. Bởi nghiên cứu toán học ở VN đang quá thiếu thốn những điều kiện tối thiểu. Nhiều người dự đoán “hiện tượng Ngô Bảo Châu” phải ít nhất 20-30 năm nữa mới lặp lại nhưng tôi thấy thế vẫn là quá lạc quan, phải ít nhất 50 năm sau chúng ta may ra mới lại có một nhà toán học như Châu... Nếu không có những thay đổi trong chính sách và đầu tư cho toán học từ hôm nay, có lẽ chúng ta cũng chỉ có thể tự hào về gốc Việt của những nhà khoa học, còn thành tựu thật sự của họ phải thuộc về những quốc gia khác”. GS LÊ TUẤN HOA |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét