Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Giáo dục đi về đâu?

Giáo dục đi về đâu?
Lao Động số 130 Ngày 09/06/2010 Cập nhật: 8:01 AM, 09/06/2010


(LĐ) - Diễn đàn Quốc hội mấy ngày nay mổ xẻ về các vấn đề giáo dục (GD). Sự thẳng thắn, đánh giá đúng thực trạng là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi đối diện với sự thật, những người thực sự quan tâm đến GD, lại không khỏi ưu tư, lo lắng.

Lần đầu tiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến trách nhiệm của những người đứng đầu ngành GD một cách có hệ thống: “Nếu để tình hình như hôm nay, mặt được hoặc chưa được thì các Bộ trưởng Bộ GDĐT từ năm 1975 đến giờ chắc cùng được chia sẻ và chịu trách nhiệm”.

Nói vậy quả không sai. Lãnh đạo là sự tiếp nối và kế thừa, thì trách nhiệm cũng phải được kế thừa, tiếp nối. Từ năm 1975 đến giờ, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những hệ lụy hôm nay của ngành GD, mà cụ thể là GD đại học?

Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước là GS Tạ Quang Bửu. Cho đến bây giờ, nhiều thế hệ GS, tiến sĩ đã trưởng thành vẫn nhắc đến thầy Bửu và mái trường xã hội chủ nghĩa với một lòng kính yêu, trân trọng, một môi trường GD nghèo khó nhưng trong lành, thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, thời GS Bửu quy mô GD còn nhỏ và chưa ai bàn đến vấn đề cải cách GD. Thời Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ cũng vậy, cải cách GD khi đó mới chỉ ở bậc phổ thông. Năm 1990, Bộ GD và Bộ Đại học sáp nhập, GS Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng. Đây là thời kỳ có nhiều biến động xã hội lớn. Kinh tế chuyển từ bao cấp sang thị trường…, ngân sách cho GDĐT bị thu hẹp, nhu cầu đào tạo lớn tạo áp lực lên nhà trường…

Bộ trưởng Quân khi đó đã đặt vấn đề cải cách GD với “4 tiền đề (đào tạo không nhất thiết theo chỉ tiêu nhà nước; không chỉ đào tạo cho các cơ quan nhà nước và cơ sở quốc doanh; sinh viên được đào tạo không nhất thiết phải được phân công công việc, mà phải tự tìm việc và tự tạo việc làm cho mình, cho người khác; kinh phí đào tạo không nhất thiết từ ngân sách nhà nước) và 3 mục tiêu (xây dựng đội ngũ giáo viên; xây dựng cơ sở vật chất; đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy).

Những định hướng ấy, cho đến thời điểm này vẫn đúng. Nhưng đáng tiếc là trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Quân cũng chưa làm được nhiều điều mà ông kỳ vọng. Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển tiếp nối năm 1998 với nhiều dự định và hoài bão. Còn nhớ khi đó, Báo Tuổi Trẻ dẫn lời của Bộ trưởng Hiển: “Tôi phải trả giá…”, và rồi ngành GD bắt tay vào việc “sửa sai”…

Tuy nhiên, nhiều năm sau, thực tiễn cho thấy những gì Bộ GDĐT nói và làm lại không mang lại điều gì tốt đẹp hơn. Cải cách GD vốn đã mất phương hướng lại càng trở nên luẩn quẩn. Đến năm 2003, nhiều ý kiến mạnh mẽ tuyên bố: Cải cách GD, phải làm lại từ đầu! Vậy là sau một hồi, cải cách GD lại quay về chỗ cũ!

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tiếp quản ngành GD với một tinh thần nhiệt tình, hăng hái, mong muốn đổi mới. Tuy nhiên, không ít chuyên gia GD nhận định rằng, Bộ trưởng Nhân chưa có được một đội ngũ chuyên gia tốt và chưa được chuẩn bị một cách có hệ thống, vì thế, những lựa chọn ưu tiên cho GD lại chưa thoả đáng.

Ví dụ như chủ trương “2 không” (nói không với tiêu cực, nói không với bệnh thành tích trong GD) và dồn sức xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế. Cho đến bây giờ, “2 không” vẫn còn đó và đẳng cấp quốc tế thì chưa có trường nào có hy vọng đạt được, dù trong tương lai không gần…

Đã mấy chục năm tiến hành cải cách GD, tiền bạc tốn nhiều trăm tỉ đồng, nhưng đến nay nhìn nhận lại, những gì chúng ta làm được cho cuộc cách mạng này xem ra lại chưa đâu vào đâu cả. Để đến hôm nay, diễn đàn Quốc hội nóng với nhiều nhận định đau lòng: “Đại học lộn xộn, không ai chịu trách nhiệm”, “đáng lo ngại!”…rồi chỗ này đổ lỗi cho chỗ kia.

GD - chứ không phải công nghiệp hoá - hiện đại hoá sẽ quyết định số phận nước ta trong thế kỷ 21- điều ấy là chắc chắn. Nhưng cứ với đà này, GD Việt Nam sẽ đi về đâu?

Bích Hằng

Không có nhận xét nào: