Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp thân mật GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: TTXVN |
GS Ngô Bảo Châu cho biết: Chương trình trọng điểm phát triển toán học đến năm 2020 có nhiều vấn đề và Viện nghiên cứu cấp cao (NCCC) về toán học chỉ là một bộ phận trong đó. Chương trình quốc gia đã được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phê duyệt nhưng bản thân quy chế hoạt động của Viện NCCC về toán này thì chưa được duyệt chính thức. Viện này sẽ hoạt động tương đối độc lập, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ quản lý về mặt chính sách chung còn mọi điều hành hoạt động khoa học sẽ do ban lãnh đạo viện đảm nhận. “Chúng tôi hy vọng khi viện được thành lập lôi cuốn được những người đang làm việc tại nước ngoài về VN làm việc trong một thời gian, có thể là không là vĩnh viễn, nhưng tạo tiền đề để dần dần cuốn hút nhiều người VN trở về hơn”, GS Ngô Bảo Châu nói.
* Vậy bản thân anh sẽ có kế hoạch làm việc tại VN như thế nào trong thời gian sắp tới?
- Công việc chính của tôi vẫn là làm GS trường ĐH Chicago. Nhưng nếu viện thành lập thì tôi sẽ làm việc tại Việt Nam từ tháng 6 đến tháng 8 và để trực tiếp tham gia làm việc với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ của VN. Còn trong năm học thì tôi sẽ thường xuyên về hơn. Vì ban lãnh đạo của viện tương đối gọn nhẹ, trách nhiệm chính là tuyển chọn những hồ sơ theo lý lịch khoa học, theo đề tài nghiên cứu và theo khả năng hợp tác... Chúng tôi không khuyến khích những người làm việc một mình mà đề cao sự hợp tác kể cả trong nước hay ngoài nước, hợp tác với các ngành khác nhau.
* Hiện nay, chúng ta đã có một viện toán học, vậy khi Viện NCCC về toán được thành lập thì nó khác với viện toán hiện có như thế nào?
- Viện NCCC về toán theo tôi nghĩ có một vai trò rất khác, đó là vai trò hướng tới để chấn hưng giảng dạy toán học trong cả nước ở trường ĐH. Mô hình này ở các nước cũng như vậy, Viện Pricenton của Mỹ khi ra đời từ năm 1930, sau 70 năm hoạt động thì viện đó đã đóng góp đưa vị trí toán học của Mỹ lên hàng đầu thế giới. Hầu hết các GS chủ chốt của các trường ĐH từ lớn đến bé đều đã làm việc từ 1-2 năm ở Viện Princeton. Rất nhiều nước đã học tập mô hình viện này như Pháp, Đức, Hàn Quốc... Mô hình rất mới với VN nhưng thực ra đã được thử nghiệm trên thế giới, không phải chúng tôi mày mò thử nghiệm mô hình mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp GS Ngô Bảo Châu Chiều qua 1.9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thân mật tiếp GS Ngô Bảo Châu, nhân dịp GS mới được nhận giải thưởng Fields - giải thưởng cao nhất về toán học. Cùng dự buổi tiếp có đại diện lãnh đạo các Bộ GD-ĐT, Viện Toán học Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Toán học Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ quốc gia... cùng bố, mẹ và phu nhân của GS. (TTXVN) |
* Việc xếp hạng toán học có phải là một mục tiêu của chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển toán học VN? Nó có cần thiết hay không?
- Việc đứng ở vị trí thứ bao nhiêu không phải là một mục đích của chúng tôi khi xây dựng chương trình phát triển toán học, mục đích chính mà chúng tôi hướng tới là chấn hưng khoa học của VN trong đó có toán học.
Vì sao GD-ĐT không có trường đạt chuẩn quốc tế, vì chúng ta không có giáo viên giỏi. Mục đích chính của chúng tôi là đào tạo ra nhóm nghiên cứu mới, một nguồn nhân lực mới cho các trường ĐH ở VN. Đó là mục tiêu cơ bản số 1 của viện toán học cấp cao chứ tuyệt đối không phải vì việc đưa toán học VN lên thứ hạng số 40 hay 45. Đánh giá đó hoàn toàn chỉ mang tính chất hành chính và với nhà khoa học thì không mang ý nghĩa gì cả. Đó chỉ mà một thông tin mang tính chất ước lệ.
Nhà nước đã có đầu tư rất lớn cho việc cử người đi học ở nước ngoài nhưng chưa có chương trình nào để lôi cuốn họ về và theo tôi hiểu thì chương trình này là nhằm mục đích đó. Nếu chưa có cơ sở để lôi cuốn họ về một cách vĩnh viễn thì cũng cần có chương trình để lôi cuốn họ về trong một khoảng thời gian nhất định. Và khi họ đã trở về, nếu họ cảm thấy môi trường làm việc đã thay đổi thì khi đó việc trở về sẽ trở thành nhu cầu của bản thân họ. 1, 2 người trở về thì sẽ có thêm nhiều người khác trở về.
Lôi cuốn người VN về VN làm việc cũng là một trong những mục tiêu của chúng tôi.
* Trong bài phát biểu của GS tại lễ chào mừng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, GS có nói đến cần có sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học? Khái niệm “tự do” đó cần được hiểu như thế nào?
- Tất nhiên đầu tư cho khoa học cơ bản là tiền của Nhà nước, của nhân dân và cũng có định hướng cho khoa học, nhưng chỉ định hướng thôi chứ còn nếu Nhà nước chỉ định rõ ràng là anh phải làm công việc cụ thể nào thì tôi không tin là sự chỉ đạo đó có thể cho ra đời một nền khoa học phát triển thực sự. “Tự do” ở đây có nghĩa là nhà khoa học phải tự nghĩ ra và lựa chọn đề tài mà họ làm chứ không phải người khác bảo họ phải làm cái gì. Lấy ví dụ như những nơi khoa học phát triển như Pháp, Mỹ, Đức từ đầu hoặc cuối thế kỷ 19 là những nơi mà tự do học thuật được đặt lên đỉnh cao.
Tuệ Nguyễn (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét