Bắt bốn cựu lãnh đạo và giám đốc Vinashin
Công an VN bắt hai ông Trần Quang Vũ, Trần Văn Liêm và hai giám đốc công ty thành viên của Vinashin.
Báo Việt Nam sáng 3/9 nói "sai phạm của ông Trần Quang Vũ dựa trên các chứng cứ điều tra thu thập qua lời khai của ông Phạm Thanh Bình".
Ông Bình đã bị bắt hai tháng trước để điều tra.
Đầu ngày 3/9, mới chỉ có tin hai người bị đình chỉ chức vụ là Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh-Vinashin; và Nguyễn Tuấn Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Cửu Long-Vinashin.
Lý do hai ông bị đình chỉ, theo báo trong nước, là để điều tra về các sai phạm xảy ra tại Vinashin.
Nhưng đến cuối ngày, tin từ Việt Nam cho hay cả hai ông Tuyên và Dương cũng đã bị bắt giam.
Theo truyền thông Việt Nam, chiều 3/9 theo giờ Hà Nội, Trung tướng Hoàng Công Tư, Bộ Công an cho báo chí biết vào trưa cùng ngày, cơ quan này đã chính thức khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Quang Vũ - nguyên Ủy viên HĐQT, nguyên TGĐ Vinashin.
Công ty Hoàng Anh-Vinashin, trụ sở tại Nam Định, ngành nghề chính là đóng tàu và cán thép.
Công ty Cửu Long-Vinashin có trụ sở tại Hải Phòng, cũng kinh doanh trong ngành thép. Ông Nguyễn Tuấn Dương còn kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Cái Lân-Vinashin.
Hồi cuối tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đình chỉ chức vụ đối với Tổng Giám đốc Điều hành Vinashin Trần Quang Vũ, người mới nhậm chức cách đây hai tháng, "để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của Vinashin trong thời gian qua".
Ông Vũ cũng bị đình chỉ chức Ủy viên HĐQT. Cùng với ông Vũ là ông Trần Văn Liêm, Ủy viên HĐQT.
Trong những ngày qua đã có tin rằng sớm muộn ông Trần Quang Vũ cũng sẽ bị bắt trong vụ án kinh tế nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ban lãnh đạo của Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đã đưa tin từ cuối tháng 8 rằng việc cách chức ông Vũ là "để điều tra".
Hiện giữ chức quyền Tổng Giám đốc Điều hành tập đoàn Vinashin là ông Nguyễn Quốc Ánh.
Quản lý kinh tế
Vào ngày 31/07, Bộ Chính trị ĐCSVN đã họp để nghe ý kiến từ các cơ quan thẩm quyền cao nhất của Đảng, Quốc hội, Bộ Công an… nhằm đánh giá về Vinashin.
Kết luận của cơ quan lãnh đạo cao nhất nước nói nếu không có các chính sách, biện pháp đúng đắn, kịp thời, tình hình của Vinashin có thể gây tác động tiêu cực đến ổn định chính trị.
Giới quan sát nói vụ Vinashin là dấu đen trong quản lý kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Những nguy cơ tiềm ẩn trong cách kinh doanh của Vinashin đã được cảnh báo từ năm 2006 và người ta cũng đặt câu hỏi về chuyện công ty này không được kiểm toán trong mấy năm gần đây.
Chính phủ nay đã phải ban hành văn bản yêu cầu khẩn trương kiện toàn tổ chức quản lý, nhân sự lãnh đạo tập đoàn để cải tổ hoạt động của tập đoàn thuộc loại lớn nhất nước.
Thông báo của Văn phòng Chính phủ nói tính tới tháng 6/2010 Vinashin nợ 86.000 tỷ đồng trong khi vốn chỉ có khoảng 104.000 tỷ đồng, hàng ngàn công nhân đã mất việc do tình hình kinh doanh trì trệ của tập đoàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét