Đại lễ 1000 năm Thăng Long trước ngày khai mạc: Lộng lẫy và náo nức (28/09/2010) | |
Đến thời điểm này, thời gian đến Lễ khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chỉ còn mấy chục tiếng đồng hồ. Hà Nội đang lộng lẫy và náo nức sẵn sàng cho thời khắc thiêng liêng - ngày tròn 1000 năm tuổi. | |
Phong cảnh đẹp lung linh trên các tuyến phố Hà Nội Ảnh: TTXVN Thủ đô thay “áo” mới Vào những ngày này, hàng loạt công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long đã được gắn biển hoàn thành. Bảo tàng Hà Nội, Cầu Vĩnh Tuy, Trạm bơm Yên Sở giai đoạn II, thông xe đường Lê Văn Lương... Ngày mai, 29-9, Đại lộ Thăng Long – Đại lộ dài và hiện đại vào bậc nhất sẽ được thông xe và gắn biển hoàn thành. Cũng ngày mai, Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng sẽ được làm lễ khánh thành. Hà Nội đang có một dải đê uốn quanh thành phố đẹp chưa từng có kể từ ngày các vua Nhà Lý ra lệnh đắp đê Cơ Xá nhờ Con đường Gốm Sứ. Hà Nội đang cùng với cầu Long Biên trầm mặc có thêm những cây cầu tầm vóc và hiện đại. Hà Nội sau nhiều năm chờ đợi đã có Bảo tàng, có Công viên Hoà Bình. Hà Nội sau những năm tháng dài để những địa chỉ thân thuộc một thời như rạp Kim Đồng, rạp Đại Nam, rạp Công Nhân... tồn tại một cách xấu xí và sập sệ, dịp này cũng khánh thành Nhà hát Đại Nam, Nhà hát Kim Đồng, Nhà hát Công Nhân... Trước thềm Đại lễ, trên các tuyến phố của Hà Nội, từ những cây cột điện cho đến các hè phố và vườn hoa công viên... đều khoác trên mình những chiếc áo mới. Ở khu vực Vườn hoa trước Tượng đài Lý Thái Tổ, một trong những vị trí quan trọng nhất, nơi sẽ diễn ra Lễ khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long, công việc lắp đặt sân khấu, hệ thống âm thanh ánh sáng và công tác an ninh đang được gấp rút hoàn thành. 5 sân khấu ngoài trời khu vực xung quanh Hồ Gươm và Quảng trường Cách mạng tháng Tám cũng đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng... Những tuyến phố và khu vực trung tâm của thành phố như khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hàng Khay, Tràng Thi, Tràng Tiền... ban đêm đã được kết đèn hoa lộng lẫy. Các trục đường chính dẫn vào thủ đô như tuyến: Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng... và các đảo giao thông cũng được trưng đèn kết hoa rực rỡ. Hệ thống trang trí chiếu sáng tại một số cầu bắc qua sông Hồng như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thăng Long đã lắp đặt xong. Ảnh: HOÀNG LONG Phố cổ - trung tâm của các hoạt động lễ hội trong dịp Đại lễ Phố cổ Hà Nội lâu nay vẫn là tâm điểm du lịch của thành phố. Thế nên, trong những ngày Đại lễ, nơi đây hứa hẹn sẽ đón nhiều du khách ghé thăm. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã xây dựng một chương trình văn hóa nghệ thuật nhằm gây ấn tượng cho du khách về một Hà Nội văn hóa, thanh lịch. Tất cả các phố trong khu vực phố cổ sẽ treo đèn lồng vào những ngày Đại lễ. Sáng 27-9, chúng tôi đã có mặt ở nhiều địa điểm được coi là điểm nhấn trong khu vực phố cổ như nhà 38 Hàng Đào, 87 Mã Mây, 51 Hàng Bạc, 28 Hàng Buồm..., tất cả đều được chuẩn bị tốt nhất cho những hoạt động hấp dẫn vào dịp Đại lễ. Cụ bà Bùi Thị Khuyến ở số 31 Hàng Buồm hào hứng nói: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, gắn bó với Phố cổ trên nửa thế kỷ rồi. Thấy Thủ đô mỗi ngày một khác nhưng chưa bao giờ náo nhiệt và rực rỡ như thế này. Ngay đối diện nhà tôi là Trung tâm thông tin Phố cổ mới được trùng tu lại, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan. Đã sống ở đây lâu năm, biết rõ mọi ngõ phố ở đây mà tôi vẫn thích đi vòng quanh phố cổ bằng xe điện”. Hi vọng ấn tượng về một thành phố 1000 tuổi trong lòng du khách sẽ thật gần gũi, hiếu khách và mang một vẻ đẹp vừa cổ kính, hiện đại”. Hà Nội – “Ngày trở về” Sẽ có một số lượng khách rất lớn đến Hà Nội vào dịp này. Trong đó có những đoàn khách quốc tế, kiều bào, 1000 Anh hùng và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước, đại biểu 63 tỉnh thành... Nhưng theo dự đoán của không ít người, khách du lịch trong và ngoài nước cũng sẽ tăng đột biến. Theo ông Hoa Đức Tuấn – Giám đốc Khách sạn 4 sao Flower Garden (Nguyễn Trường Tộ), khách đã đặt kín chỗ. Và nhu cầu đặt phòng của khách vẫn còn lớn. Theo dự đoán của TS Đặng Kim Ngọc – Giám đốc Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám, số khách đến thăm địa danh đặc biệt này của Hà Nội cũng sẽ rất đông. Trung tâm đang chuẩn bị tốt nhất cho việc giới thiệu, thuyết minh về giá trị của di tích với du khách. Nhưng Hà Nội vào những ngày Đại lễ còn có những cuộc trở về của những người con Hà Nội, của những người yêu Hà Nội. Nhà thơ Phan Vũ – tác giả của Trường ca “Em ơi Hà Nội phố” đã có mặt và vừa có một đêm đọc thơ ở Thư viện Hà Nội trong tiếng đàn ghi ta của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. NSND Đặng Thái Sơn sẽ biểu diễn ở Nhà hát Lớn vào đêm 1-10. Hoạ sĩ Đoàn Thanh, một người Hà Nội đang sống ở nước Đức, người có tên trong danh sách Đoàn kiều bào được mời về dự Đại lễ đã tranh thủ về trước 2 tuần và chị bảo, đến chiều 30-9, vợ chồng chị mới nhập vào Đoàn. “Dịp 1000 năm có 1 này, không có mặt thì tiếc lắm” – hoạ sĩ Thanh tâm sự. C.Thuý – Thu Hương
| |
Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010
Đại lễ 1000 năm Thăng Long trước ngày khai mạc: Lộng lẫy và náo nức
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét