Cập nhật 03:40 ngày 20-08-2010 |
Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng cao nhất của toán học thế giới
Tổng thống Ấn Độ P.Pa-Tin trao huy chương Fields cho giáo sư Ngô Bảo Châu |
ND - Hôm qua, 19-8, đúng vào ngày kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám, diễn ra một sự kiện quan trọng trong lịch sử khoa học Việt Nam: Tổng thống Ấn Ðộ P.Pa-tin đã trao Giải thưởng Fields cho GS Ngô Bảo Châu tại Hội nghị toán học Quốc tế 2010 (IMC 2010) tổ chức ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Hai-đơ-ra-bát bang An-đa Pra-đét (Ấn Ðộ).
Ðây là giải thưởng dành cho những nhà toán học đạt thành tựu kiệt xuất nhất trên thế giới, và được xem là tương đương Giải thưởng Nô-ben trong các ngành khoa học khác. Khác với Giải thưởng Nô-ben (được trao hằng năm), Giải thưởng Fields chỉ được trao bốn năm một lần, và được công bố trong ngày đầu tiên của Ðại hội Toán học quốc tế. Mỗi kỳ đại hội cũng chỉ được phép trao không quá bốn giải thưởng.
Giải thưởng Fields năm nay được trao cho bốn nhà toán học: Ngô Bảo Châu (Việt Nam); E. Lin-đen-xtrốt (I-xra-en); S.Xmi-rơ-nốp (Nga); C.Vi-la-ni (Pháp).
Kể từ 1936, khi Giải thưởng Fields được trao lần đầu tiên, đến nay mới có 52 nhà toán học nhận được vinh dự đó: 14 người Mỹ; 10 người Pháp; sáu người Nga, ba người Liên Xô (cũ); năm người Anh; ba người Nhật; hai người Bỉ. Các nước Ô-xtrây-li-a, Ðức, I-xra-en, I-ta-li-a, Na Uy, Niu Di-lân, Phần Lan, Thụy Ðiển, Việt Nam: mỗi nước một người. Thật đáng tự hào, khi trên "Bảng vàng danh dự" đó của khoa học thế giới có hai chữ: Việt Nam.
Có thể nói thành tựu của mỗi nhà toán học được Giải thưởng Fields là một cột mốc trong lịch sử phát triển của toán học. Công trình của họ thường là sự kết thúc một chặng đường gian nan của toán học khi giải quyết một bài toán lớn nào đó, đồng thời là điểm khởi đầu cho một chặng đường phát triển mới. Ngô Bảo Châu cũng vậy, anh đã chứng minh "Bổ đề cơ bản", giúp cho toán học thế giới vượt qua một "quả núi sừng sững" đứng chặn trên con đường phát triển của toán học. Người ta ví công trình của Ngô Bảo Châu cũng giống như việc bắc được một cây cầu nối hai bờ sông, để cho những thành tựu toán học có thể sang sông. Ðiều đó thật dễ hiểu, nếu biết rằng, khi "Bổ đề cơ bản" chưa được chứng minh, người ta đã giả thiết là nó đúng, và trên cơ sở giả thiết đó, đã thiết lập được những kết quả quan trọng, với độ dài khoảng một nghìn trang in! Chừng nào "Bổ đề cơ bản" còn chưa được chứng minh thì chừng đó, những kết quả "quan trọng' nói trên của toán học chỉ là một "lâu đài trên bãi cát". Bởi thế, việc Ngô Bảo Châu chứng minh được "Bổ đề cơ bản" là một tin vui lớn của cả cộng đồng toán học. Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Time bình chọn chứng minh của Ngô Bảo Châu là một trong 10 sự kiện khoa học lớn nhất của thế giới năm 2009. Từ nay, trên con đường phát triển của toán học và khoa học thế giới, có một cột mốc mang tên Việt Nam: Ngô Bảo Châu.
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Trong hai kỳ thi Ô-lim-pích Toán học quốc tế năm 1988 và 1989, Ngô Bảo Châu đều nhận được Huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Tốt nghiệp THPT tại Khối chuyên Toán của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1989, anh nhận được học bổng theo học ở Ðại học Pierre và Marie Curie (Paris VI CH Pháp). Năm 1992 anh đỗ thủ khoa trong kỳ thi tuyển vào Trường Ecole Normale Supérieure, là trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp, nơi đào tạo ra nhiều nhà khoa học lớn nhất của Pháp và thế giới. Từ năm 1998 đến 2004 anh là nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Năm 2005, anh là giáo sư Trường đại học Paris 11. Cũng trong năm đó, Ngô Bảo Châu được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phong chức danh giáo sư, theo đề nghị của Viện Toán học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cơ sở nghiên cứu mà anh là cộng tác viên thường xuyên. Từ 2007 đến nay, anh làm việc tại Viện nghiên cứu khoa học cao cấp Princeton (Hoa Kỳ), và kể từ tháng 9-2010 anh sẽ là giáo sư của Trường đại học Chi-ca-gô.
Cũng giống như những tài năng khác trong khoa học, trong thành công của Ngô Bảo Châu có sự hội tụ đầy đủ của những yếu tố: tài năng kiệt xuất bẩm sinh; lòng say mê khoa học và ý chí kiên cường; sự tự tin mạnh mẽ rằng mình thuộc vào số những con người có thể giải quyết những vấn đề khó nhất của khoa học và vì thế dám dấn thân vào nơi gai góc nhất; và do được đào tạo rất cơ bản và được làm việc trong những môi trường tốt nhất. Thiếu đi một trong những yếu tố nói trên, có lẽ không thể nào xuất hiện được một Ngô Bảo Châu của ngày hôm nay.
Ðảng và Nhà nước đánh giá cao những đóng góp của Ngô Bảo Châu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có lời mời chính thức giáo sư Ngô Bảo Châu tham gia vào việc xây dựng nền toán học Việt Nam. Từ nhiều năm nay, Ngô Bảo Châu thường xuyên về nước giảng bài, trao đổi nghiên cứu, giúp đỡ đào tạo các bạn trẻ yêu toán. Chắc chắn rằng trong tương lai, anh sẽ có những đóng góp lớn hơn cho khoa học Việt Nam.
GS, TSKH HÀ HUY KHOÁI
(Viện Toán học)
(Viện Toán học)
Lịch sử Giải thưởng Fields bắt đầu từ buổi họp của Ủy ban Ðại hội quốc tế tại Trường đại học Toronto tháng 11-1923, bàn về việc tổ chức đại hội vào năm 1924 tại Toronto. Lúc đó, Fields nhà toán học Ca-na-đa là Chủ tịch của ủy ban và bạn ông, J.L.Synge, là thư ký. Fields đề nghị lập ra một giải thưởng nhằm ghi nhận những công trình vừa kiệt xuất, vừa có nhiều hứa hẹn phát triển trong tương lai, và chỉ được trao cho những nhà toán học không quá 40 tuổi vào năm họp đại hội. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét