Con đường Toán học của Ngô Bảo Châu
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Cha là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học ngành cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, mẹ là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
Ngô Bảo Châu và người thầy của mình GS. Gérard Laumon
Được sự khuyến khích của gia đình, cộng với tư chất riêng, Ngô Bảo Châu say mê học Toán từ nhỏ. Từng là học sinh Trường thực nghiệm Giảng Võ và trường THCS Trưng Vương, lên cấp 3, Ngô Bảo Châu học tại khối chuyên toán trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Khoa Toán - Trường PTTH chuyên Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nơi Ngô Bảo Châu coi là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời Toán học của mình. Tại đây, niềm say mê Toán học của Châu được nuôi dưỡng và phát triển bởi những giáo viên tài giỏi và tâm huyết. Liên tiếp 2 năm lớp 11 và 12, Ngô Bảo Châu đoạt 2 huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế.
18 tuổi, Ngô Bảo Châu được Chính phủ Pháp cấp học bổng để theo học Đại học Paris 6. Hai năm sau, anh quyết định thi vào hệ đào tạo tiến sĩ của Đại học Sư phạm Paris, trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp và đậu thủ khoa. Năm 2004, cùng thầy giáo của mình, GS.Gérard Laumon, anh được trao tặng giải Nghiên cứu Clay vì đã chứng minh được bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita.
Năm 2008, anh chứng minh được bổ đề cơ bản cho các đại số Lie.
Cuối năm 2009, GS Ngô Bảo Châu chứng minh được bổ đề cơ bản Langlands, một công trình mà suốt 30 năm, rất nhiều nhà Toán học nổi tiếng trên thế giới đã phải đầu hàng. Kết quả chứng minh của Ngô Bảo Châu đã tạo ra bước tiến lớn trong ngành Toán học thế giới, được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu năm 2009.
GS Ngô Bảo Châu từng giữ chức giáo sư Toán tại Đại học Paris XI, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Princeton, New Jersey.
Tại Việt Nam, năm 2005, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư, trở thành Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa từng có có nhà khoa học nào mới 33 tuổi được công nhận chức danh Giáo sư, không cần phải qua chức danh Phó Giáo sư.
Ý nghĩa công trình Toán học của GS Ngô Bảo Châu
Chương trình Langlands là một công trình có vai trò mắt xích quan trọng trong toán học, nhưng nó không thể sử dụng được giống như một chiếc xe hơi mà không có bánh xe vậy. Emil Artin - nhà toán học người Áo cuối thế kỷ 19 tìm 30 năm không ra. Taniyama - Người Nhật Bản, năm 1955 tìm ra một phần nhưng không chứng minh được. Robert Langlands - nhà toán học người Mỹ gốc Canada chưa chứng minh được, nhưng đã tìm ra được nhiều bằng chứng có sức thuyết phục để làm cơ sở cho trực giác của mình. Nhiều nhà toán học nổi tiếng thế giới khác cũng vào cuộc nhưng đều thất bại.
Thomas Hales, GS Đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ), học trò của GS Langlands, giải được nhiều bài toán khó không tưởng, nhưng cũng đành lùi bước. Ông cho rằng: “Khi tôi còn trẻ, tôi đã dành phần lớn thời gian để đưa ra lời giải cho vấn đề này. Tôi cũng đã trao đổi thảo luận với nhiều GS và cũng tiếp tục nghiên cứu công trình sau đó, nhưng tôi hầu như không thể tìm ra hướng giải quyết. Và tôi cũng biết rằng, rất nhiều GS giỏi từ các trường ĐH lớn như Princeton, Havard… cũng đều chưa tìm ra được. Thậm chí tôi nhận ra rằng, những nhà toán học có khả năng nhất thế giới cũng đều bó tay”.
Bổ đề cơ bản chính là bánh xe để giúp cho chiếc xe hơi Langlans lăn bánh. Nhưng nó khó đến mức nhiều nhà toán học dù chưa chứng minh được cũng tạm công nhận trước để làm những nghiên cứu cao hơn trên nền tảng của Bổ đề.
GS Ngô Bảo Châu của Việt Nam sau nhiều năm nghiên cứu đã cùng người thầy của mình - GS Laumon chứng minh được phần quan trọng trong chương trình Langlands. Với kết quả này, Laumon và Ngô Bảo Châu đã được trao giải thưởng Clay - giải thưởng uy tín của Toán học vào năm 2004.
Năm 2008, Ngô Bảo Châu đã chứng minh được toàn bộ Bổ đề cơ bản. Kết quả chỉ được khẳng định sau khi 3 nhà toán học hàng đầu thế giới mất hơn 1 năm để kiểm tra và công nhận. Ngô Bảo Châu đã kết thúc lịch sử 30 năm của Bổ đề cơ bản, đưa chương trình Langlands bước sang trang mới.
Năm 2009, thành công này của Ngô Bảo Châu được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong 10 công trình khoa học tiêu biểu của năm.
Năm 2010, giải thưởng Fields - Giải thưởng danh giá nhất của Toán học thế giới đã tìm được chủ nhân xứng đáng.
Vì sao giải thưởng Fields được coi như giải Nobel Toán học?
Giải Nobel không trao cho Toán học, mà chỉ cho 5 lĩnh vực là Vật lý, Hóa học, Sinh lý học (Y học), Văn học và Hòa Bình. Sau này có thêm giải Nobel về kinh tế.
Toán học có giải thưởng danh giá của mình - Giải Fields. Giải Fields hay huy chương Fields dành cho “Những phát minh xuất chúng trong Toán học” là giải thưởng cao nhất mà một nhà Toán học có thể nhận được.
Người ta cho rằng, để nhận được Fields thậm chí còn khó hơn Nobel, bởi Fields có nguyên tắc là chỉ dành cho những nhà Toán học dưới 40 tuổi. Fields 4 năm mới trao một lần, nên số người được giải thưởng rất ít so với giải Nobel trong một ngành khoa học cụ thể.
Kể từ lần trao đầu tiên năm năm 1936, ngắt quãng đến năm 1950, cho đến nay mới chỉ có 48 nhà khoa học được nhận giải Fields. Các Quốc gia có nhà toán học nhận được Fields là Mỹ, Pháp, Phần Lan, Nauy, Anh, Thụy Điển, Ý, Bỉ, Đức, Liên Xô (cũ), Nga, New Zealand, Australia và Nhật Bản - quốc gia châu Á duy nhất có tên trong danh sách này.
Từ Hyderabad (Ấn Độ) - nơi tổ chức Đại hội Toán học thế giới năm nay, cái tên Ngô Bảo Châu đã được xướng lên. Và một nhà toán học với tuổi đời còn rất trẻ, được phát hiện và đào tạo ban đầu từ những ngôi trường có tiếng ở trong nước đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ danh giá nhất của toán học thế giới.
Tác giả : Diệp Anh
Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét