Xây dựng Hà Nội thành “TP đại học”
Gần 600 học giả đến từ 10 quốc gia đã trao đổi những quan điểm cùng những biện pháp hữu hiệu nhất cho việc phát triển bền vững TP Hà Nội 1.000 năm tuổi
“Di sản văn hóa tạo dựng hình ảnh và bản sắc cho TP, góp phần tạo nên bản sắc chung cho mọi người dân. Khi nói về Hà Nội, chúng ta nhắc đến hình ảnh tráng lệ của hồ Gươm, hương vị phở trong sớm mai và mùi hoa sữa khi thu về. Đó là những điều mà người dân sống hoặc đến thăm TP này có thể dễ dàng nhận thấy và chúng mãi khắc sâu trong ký ức họ” - bà Katherine Muller-Marin, đại diện UNESCO tại VN, bày tỏ những tình cảm chân thực về Hà Nội - Thăng Long tại hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” tổ chức ngày 7-10, tại Hà Nội. Gần 600 học giả đến từ 10 quốc gia đã tham gia hội thảo có quy mô lớn nhất trong các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với mục đích trao đổi những quan điểm cùng những biện pháp hữu hiệu nhất cho việc phát triển bền vững TP Hà Nội 1.000 năm tuổi, một thủ đô văn hóa vì hòa bình. Bà Katherine Muller-Marin cho rằng trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội chắc chắn là một trong những chiếc nôi của văn minh loài người. “Với một lịch sử lâu đời cùng những tài nguyên di sản và văn hóa hết sức phong phú được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ta không ngạc nhiên Hà Nội đã đạt những điều hết sức đáng kể, cả trên khía cạnh xã hội lẫn kinh tế” - đại diện UNESCO khẳng định. Tuy nhiên, bà Katherine Muller-Marin thẳng thắn cho rằng thách thức lớn nhất đối với thủ đô ngàn năm tuổi là làm sao duy trì và bảo tồn được những giá trị văn hóa đích thực do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh.UNESCO cho rằng bảo vệ di sản phải bằng những hành động thiết thực như bảo dưỡng thường xuyên, tiếp cận được nguồn ngân sách để trùng tu hoặc bảo tồn... Bà Katherine Muller-Marin nêu rõ ở Úc, chính phủ đã lập một quỹ tuần hoàn để giúp bảo dưỡng và phục hồi tài sản lịch sử do tư nhân sở hữu. Hay ở Trung Quốc, hãng xe hơi Mercedes-Benz đã chi mỗi năm 1 triệu USD để trùng tu các di sản thế giới. Được mời tham gia đoàn chủ tịch hội thảo, GS-TS William Logan thuộc Đại học Deakin, Melbourne, Úc, cho rằng để thực hiện lộ trình của cam kết do Ủy ban Di sản thế giới và Hội đồng Tư vấn công nhận di sản thế giới ở Brasillia (Brazil) đối với khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, VN có trách nhiệm tiếp tục tiến hành các điều tra, nghiên cứu khảo cổ học để không chỉ xác định các khu vực đệm rộng hơn mà điều quan trọng là bảo đảm các quy định dành cho khu vực này được thực hiện triệt để. Có khoảng 150 tham luận được gửi tới hội thảo, trong đó có 25 bài của các học giả quốc tế đến từ Úc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Lào, Mỹ, Thái Lan, Đức và Trung Quốc. Trong tham luận của mình, nhấn mạnh về phát triển bền vững đô thị Hà Nội trên nền tảng truyền thống đại học VN, GS-TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra 2 vấn đề lớn trong chiến lược phát triển thủ đô để biến Hà Nội thành một “TP đại học”. Muốn được như vậy, Hà nội phải thực hiện được các giải pháp thiết thực để khai thác nguồn trí tuệ của cả nước cũng như làm tốt công tác quy hoạch và quản lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét