Thông tin và pháo hoa
Bây giờ, nếu có dự định tổ chức thêm một Đại lễ nữa, lãnh đạo Hà Nội hẳn đã nhận thấy tầm quan trọng của báo chí và dư luận.
Giới chức thủ đô sẽ hiểu ngoài việc diễn tập chống khủng bố với đặc nhiệm, con tin, súng và lựu đạn cay thì việc phối hợp với Ban Tuyên giáo trong việc ứng xử với báo chí cũng cần phải được "diễn tập".
Vụ nổ pháo hoa ở sân vận động Mỹ Đình và rút tin đã đăng trên các trang báo mạng để rồi cho đăng lại với "giọng ca chính" của Thông tấn xã Việt Nam là một thất bại hoàn toàn trong việc ứng xử với dư luận.
Rõ ràng, người ta thiếu suy nghĩ chín chắn khi có ý định dập tắt thông tin bằng cách ngăn chặn báo chí, đặc biệt khi đó là một vụ nổ với nhiều người chết ngay giữa Thủ đô, giữa Đại lễ, giữa thời đại của camera phone cùng Youtube và Facebook.
Mặc dù có 80% dân số làm nông nghiệp nhưng giới trẻ tại Việt Nam bây giờ không chỉ tiếp cận thông tin qua báo chí. Thiếu những thông tin chính thống ngay khi vừa xảy ra sự kiện sẽ là khoảng trống thuận lợi cho tin đồn nảy sinh.
Nếu hiểu sức mạnh giờ đây không chỉ là súng ống và còng sắt, các "tổ chức khủng bố" ngày nay cũng không chỉ biết sử dụng bom mà còn có cả facebook và website, những người lãnh đạo Hà Nội hẳn phải thấy rằng đưa ra một lộ trình giải quyết khủng hoảng hợp lý trên mặt báo sẽ quan trọng chẳng kém việc điều xe cứu thương, cứu hỏa đến dập tắt đám cháy kịp thời tại sân Mỹ Đình.
Sức ép không gian ảo
Việc xuất hiện thông tin "nhập pháo mới từ Trung Quốc" sau đó là "mua từ trong nước" khiến mất đi ít nhiều ý nghĩa tốt đẹp của cử chỉ ngưng bắn pháo hoa để ủng hộ miền Trung lũ lụt.
Nếu ngay từ đầu, xử lý vụ nổ như một nguyên nhân để lý giải cho quyết định dừng hẳn việc bắn pháo hoa trong khi các tỉnh miền Trung đang ngập trong lũ, sẽ khiến các lãnh đạo vừa dẹp yên các tin đồn sau đó vừa khiến lòng người được an ủi.
Biết là phải có họp hành mới đi đến quyết định trên nhưng để có một quyết định nhân đạo với đồng bào của mình hẳn không cần phải suy nghĩ quá lâu và tiền hậu bất nhất như vậy.
Sức ép đến từ không gian ảo với các bài viết so sánh giữa Đại lễ và Đại lũ trên những facebook, blog hay diễn đàn.
Báo chí đã ứng xử, hiểu theo một nghĩa nào đó, rất hiện đại. Nghĩa là chỉ đưa tin về Đại lễ và Đại lụt song song mà không có bình luận, để dành nhận định cho người dân.
Điều này khiến người ta nhớ lại một tranh cãi, báo chí chỉ nên làm nhiệm vụ đưa tin chứ không nên “định hướng” hoặc “dẫn dắt”, tức là chỉ đi song song hay cần đi trước dư luận!
Mặc dù vậy, việc làm của các lãnh đạo Hà Nội vẫn đáng nhận được sự ủng hộ, dù chỉ về mặt tinh thần từ những người hoạt động trên không gian ảo.
Người ta cần được ủng hộ vì một hành động tử tế, phù hợp với những quy tắc ứng xử với đồng bào của mình, dù có trễ. Bởi lẽ, trong một xã hội mà đa số các ứng xử của các quan chức là dưới chuẩn thì ủng hộ một việc làm đúng chuẩn mực cũng là điều cần thiết.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả, hiện đang học tập tại Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét