10 khoảnh khắc tuyệt vời của Đại lễ
Đêm nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội - Thành phố Rồng bay tối qua (10/10) đã khép lại 10 ngày Đại lễ, khép lại lần sinh nhật thứ 1.000 của thành phố; và có lẽ phải 1.000 năm sau nữa, mới có lại những ngày như thế này.
>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Hãy cùng TT&VH nhìn lại 10 khoảnh khắc tuyệt vời trong 10 ngày qua (theo trình tự thời gian).
1. Từ 12 năm trước, ngày 4/5/1998, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có Chỉ thị về việc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tiếp theo đó, năm 2000, trong một cuộc họp tổng kết các hoạt động kỷ niệm 990 năm Thăng Long, đồng chí Chủ tịch UBND TP.HN khi đó đã nhấn mạnh rằng 10 năm tiếp theo sẽ là một hành trình liên tục để đến Đại lễ ngàn năm. Nói như thế để thấy rằng 10 ngày Đại lễ vừa qua chính là “cao trào” của một hành trình đầy nỗ lực và quyết tâm cả chục năm trời.
Đánh dấu giây phút mở đầu của “cao trào” này chính là khoảnh khắc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng châm đuốc khai mạc Đại lễ trong Lễ khai mạc được tổ chức vào sáng 1/10 vừa qua tại vườn hoa Lý Thái Tổ.
2. “Đêm lung linh Hồ Gươm” tối 1/10 là điểm nhấn của ngày Khai mạc Đại lễ. Cùng với chương trình trình diễn thời trang áo dài truyền thống Việt Nam với sự tham gia của 200 người mẫu và 1.000 bộ áo dài là màn trình diễn ánh sáng laser và bắn pháo hoa bên Hồ Gươm. Khoảnh khắc tháp Rùa lung linh trong đêm Hồ Gươm dưới ánh sáng laser và pháo hoa tối 1/10 là khoảnh khắc diệu kỳ và không lặp lại ở nơi trái tim của Hà Nội này, bởi vì các màn pháo hoa bên Hồ Gươm dự kiến vào đêm 10/10 đã bị hủy.
3. Hình ảnh nữ diễn viên xiếc Tuyết Hoàn trong tà áo dài duyên dáng bay ngang của khán đài SVĐ Mỹ Đình trong Lễ hội Rồng nhờ một quả khinh khí cầu là một khoảnh khắc thăng hoa tuyệt vời trong ngày thứ 2 của Đại lễ (2/10). Đây là màn diễn đạt hiệu quả cả về mặt nghệ thuật và kỹ xảo và cũng không kém phần “thót tim”.
4. Hàng trăm món quà của người dân cả nước và bạn bè quốc tế đã được gửi tới để chúc mừng TP.Hà Nội trong dịp sinh nhật ngàn năm. Món quà nào cũng đáng quý và đáng giá. Một trong số đó là món quà thật bất ngờ và đầy lãng mạn: Ngày 4/10, tại Brussels (Bỉ), trong cuộc gặp bên lề Hội nghị ASEAM 8, Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende trao tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng món quà dành cho nhân dân thành phố Hà Nội nhân dịp Đại lễ - giống hoa tulip mang tên “Dòng hoa Thăng Long-Hà Nội...”.
Đây là dòng hoa tulip vừa được các nhà sinh học Hà Lan nhân giống và đăng ký tên quốc tế chính thức. Dòng hoa này được các nhà sinh học nghiên cứu phối màu giữa màu đỏ và vàng là hai màu đặc trưng trong quốc kỳ của Việt Nam.
5. Chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, sáng 6/10, tại quảng trường Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) đã diễn ra Liên hoan nghệ thuật diều Hà Nội 2010 với sự góp mặt của gần 100 nghệ nhân diều trong nước và quốc tế. Khoảnh khắc cánh diều nghệ thuật này bay lên như một dáng rồng Thăng Long.
6. Không nằm trong chương trình của Đại lễ, nhưng có một sự kiện luôn để lại muôn vàn cảm hứng cho mọi người dân. Đó là sự kiện rùa nổi. Cụ Rùa đã nổi cả chục lần chính trong giờ khai mạc Đại lễ, trong những ngày Đại lễ, và hôm qua, ngày “chính Đại lễ” cụ cũng nổi lần nữa. Là hiện thân của huyền thoại Hồ Gươm, là “linh vật sống” của Hà Nội, lần nào cụ nổi cũng là một ngày “lễ hội” bên bờ Hồ đối với du khách trong và ngoài nước.
7. Tối 8/10, tại Hà Nội đã diễn ra buổi gặp mặt giao lưu của 1.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng LLVTND chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong buổi gặp mặt, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã mừng rỡ khi gặp lại đồng đội cũ.
8. Sáng 10/10, Lễ diễu binh, diễu hành quy mô chưa từng thấy đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. 10 chiếc máy bay trực thăng đã bay diễu binh theo đội hình tiến qua lễ đài.
9. Đêm nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội - Thành phố Rồng bay tối qua (10/10) đã khép lại những ngày “cao trào” của Đại lễ. Đó là một đêm nghệ thuật không thể hoành tráng và lay động hơn. 20 phút cuối của Đêm nghệ thuật dành cho màn trình diễn pháo hoa kết hợp với ánh sáng laser và âm nhạc.
10. Và cuối cùng, một khoảnh khắc không đồ sộ, hoành tráng, cũng không có dự kiến trong chương trình Đại lễ. Tại thềm rồng trước điện Kính Thiên, rất nhiều em nhỏ theo gia đình vào thăm Hoàng thành, đã lặng lẽ cho tiền vào hòm quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung. Chiếc hòm quyên góp do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đặt ở vị trí long trọng bên thềm Rồng, bên trong tường rào bảo vệ di tích như một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa: Vui Đại lễ không quên lũ lụt miền Trung, và Hà Nội ngàn năm luôn canh cánh bên những đồng bào đang gặp khó khăn.
Nguyễn Mỹ (tổng hợp) - Ảnh: TTXVN, PV
Từ khóa liên quan
Danh từ
Địa danh trong nước
Danh từ riêng
- Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội
- Thành phố Rồng bay
- 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
- Chủ tịch UBND Thành phố
- Lý Thái Tổ
- Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng
- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
- Miền Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét