Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” đã thành công tốt đẹp
- Sau 3 ngày với 4 buổi làm việc bao gồm hai phiên họp toàn thể và hai phiên họp ở các tiểu ban, Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND TP.Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức.
Chủ trì phiên họp toàn thể và bế mạc hội thảo gồm: GS.TS Phùng Hữu Phú, GS.TSKH Vũ Minh Giang, GS.NGND Phan Huy Lê, GS.TS Ngô Đức Thịnh, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, GS.TS Trương Quang Hải, PGS.TS Phạm Hồng Tung.
Từ những giá trị được kết tinh, chắt lọc hàng nghìn năm, truyền qua hàng trăm thế hệ làm thế nào để biến thành những nguồn lực phát triển Thủ đô, đòi hỏi phải có nhiều công trình nghiên cứu công phu. Tại các phiên họp ở 4 tiểu ban đã có 89/138 báo cáo được trình bày, trong đó có 24 báo cáo của các học giả nước ngoài đề cập khá toàn diện các vấn đề liên quan đến Thăng Long – Hà Nội.
Tại buổi bế mạc, báo cáo kết quả hội thảo của Tiểu ban “Lịch sử - chính trị”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết với 20 tham luận trong đó có 7 tham luận quốc tế được trình bày tại hội thảo đã nêu bật được những đóng góp mới và các vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận. Hội thảo đã thống nhất được về cơ bản những vấn đề quan trọng nhất của lịch sử-chính trị Thăng Long-Hà Nội và những bài học của nó cho phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội. Đây là Hội thảo khoa học có chất lượng chuyên môn cao và đã thực hiện được đầy đủ các mục đích, yêu cầu và nội dung đặt ra cho Hội thảo.
Tiểu ban “Văn hóa” nhận được 33 báo cáo khoa học, trong đó có 4 báo cáo của học giả nước ngoài. Theo báo cáo của GS.TS Ngô Đức Thịnh thì các thảo luận về văn hóa đã tập trung vào khẳng định vị trí Thăng Long – Hà Nội trong việc nối kết và thống nhất văn hóa quốc gia dân tộc Việt Nam. Khi đề cập đến bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội, các báo cáo chưa có dịp đi sâu vào tất cả các khía cạnh đời sống văn hóa mà chỉ tập trung vào một số khía cạnh chính yếu, đó là tiếng nói Thăng Long – Hà Nội, tính cách con người Thăng Long – Hà Nội, giáo dục Thăng Long – Hà Nội và trí thức Thăng Long – Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều cuộc thảo luận sôi nổi đã đề cập đến vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản Thăng Long – Hà Nội.
Chủ đề của Tiểu ban 3 là “Những vấn đề Kinh tế- Xã hội của Thủ đô”, với tổng số 33 tham luận, trong đó có 7 tham luận của các tác giả nước ngoài đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ. Đề cập đến vấn đề đô thị hóa Hà Nội một cách bền vững, các báo cáo tham luận đều nhấn mạnh cần phải có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa của 3 mặt phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời hướng các chính sách đô thị hóa Hà Nội, nhất là các chính sách về tổ chức hoạt động và tổ chức không gian kinh tế của Hà Nội. Ngoài ra, một số tham luận đã đi sâu vào những vấn đề cụ thể như đánh giá lại những thành tựu 10 năm phát triển gần đây của Thủ đô, đồng thời chỉ ra một số bất cập và nêu kiến nghị chính sách cụ thể. Có tham luận lại đi sâu vào phân tích chính sách thu hút và sử dụng nguồn FDI như một đòn bẩy hữu hiệu nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc lại nền kinh tế của Thủ đô. Đặc biệt, có những tham luận đã đi sâu phân tích và khuyến cáo mạnh mẽ việc tăng cường đầu tư để phát triển các công nghệ cao, chú trọng đặc biệt đến lựa chọn công nghệ sạch nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế Hà Nội theo hướng phát triển bền vững đô thị trong bối cảnh biến đổi toàn cầu và kinh tế tri thức.
GS.TS Trương Quang Hải cho biết: tại hội thảo của Tiểu ban “Điều kiện tự nhiên, tài nguyên môi trường và quản lý đô thị” đã có 36 báo cáo. Đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, các ý kiến đều cho rằng cần thận trọng trong việc đưa ra quyết định cải thiện nước hồ Gươm, hồ Tây nói riêng và hồ Hà Nội nói chung; Bảo vệ nghiêm diện tích và sử dụng đa mục đích các hồ nước Hà Nội; Nước dưới đất ở Hà Nội đang có nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng, cần kịp thời khắc phục; Trồng nhiều cây xanh hơn nữa tại khu vực nội đô; Nghiêm khắc bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các khu vực nội đô…
Vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội cũng đặt ra nhiều vấn đề như: Tạo điều kiện và đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp vào công tác lập quy hoạch và thẩm định quy hoạch; Quy hoạch thành phố Hà Nội cần phải có sự tham gia của cộng đồng và có những đánh giá tác động xã hội, môi trường; Xây dựng các khu đô thị mới Hà Nội ở các khu vực cao và ổn định; Minh bạch trong việc lựa chọn cơ quan lập quy hoạch và thẩm định quy hoạch…
Tổng kết Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW cho rằng: Các tham luận, các ý kiến phát biểu đều là của các nhà khoa học, các nhà quản lý có bề dầy nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, gắn bó với Thăng Long - Hà Nội, yêu Thăng Long - Hà Nội cả trong nước và quốc tế. Điều này làm nên chất lượng chuyên môn của Hội thảo. Đây được coi như là sự đúc kết các thành tựu nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, không phải trong một sớm một chiều mà là quá trình lâu dài. Hội thảo đã thành công tốt đẹp thực hiện được các mục tiêu đề ra, trên cả hai phương diện khoa học và thực tiễn.
Đồng chí Phùng Hữu Phú nhận định, dù dưới góc độ chuyên môn nào (sử học, chính trị học, văn hóa học, kinh tế học, địa lý học, đô thị học…) đều hướng vấn đề nghiên cứu đến các giá trị thực tiễn. Những bài học lịch sử trong xây dựng và bảo vệ Thăng Long - Hà Nội, những đặc trưng văn hóa vật chất và tinh thần, những đặc trưng kinh tế xã hội, những đặc trưng tự nhiên – môi trường, được nhận thức và được chỉ rõ mối quan hệ hữu cơ, biện chứng đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện tại cũng như trong tương lai.
Đồng chí Phùng Hữu Phú đề xuất, trên phương diện văn hóa cần phải xây dựng văn hóa Thủ đô thành mẫu mực và hình ảnh của văn hóa Việt Nam thành điểm hướng tâm của nhân dân cả nước, của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thành cơ sở tinh thần của sự hình thành mối liên kết quốc gia và thống nhất dân tộc.
Về phương diện quy hoạch, tổ chức quản lý đô thị, đồng chí cho rằng cần phải quy hoạch và tổ chức quy hoạch một cách khoa học và hiệu quả, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị, trong đó quan trọng nhất là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa giỏi về nghiệp vụ quản lý, vừa thể hiện được sắc thái văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong lãnh đạo và quản lý.
Kết quả của Hội thảo này đã xác lập những luận cứ cơ bản về các giá trị lịch sử, văn hóa, các đặc trưng kinh tế, các nguồn lực tự nhiên – xã hội làm nội lực cho sự phát triển Thăng Long - Hà Nội, đồng thời cũng đã chỉ ra những thách thức đặt ra, trên nhiều mặt, trong đó nổi bật nhất là vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, vấn đề môi trường và vấn đề quy hoạch quản lý và phát triển đô thị.
Đồng chí bày tỏ mong muốn, trên lộ trình phát triển Thủ đô những vấn đề trên sẽ tiếp tục được nghiên cứu làm sáng tỏ hơn, sâu sắc hơn, thực tiễn hơn và hy vọng sẽ tiếp tục có những Hội thảo khoa học quốc tế quy mô lớn mà Hội thảo này có thể coi là bước mở đầu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét