GS Ngô Bảo Châu khẳng định: “Quỹ được thành lập tuyệt đối không vì mục đích quảng bá tên tuổi cho người thành lập, cũng như các tổ chức và cá nhân tham gia ủng hộ. Chỉ có mục đích duy nhất là khuyến học và vận động ủng hộ cho công tác khuyến học".
Chiều 3/9, tại Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu đã có buổi giới thiệu sự ra đời Quỹ khuyến học mang tên: "Quỹ vì tinh thần hiếu học", theo sáng kiến của GS Ngô Bảo Châu. Với mong muốn tiếp lửa cho truyền thống hiếu học của thanh niên Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu khẳng định: "Việc thành lập Quỹ tuyệt đối không vì quảng bá tên tuổi cho bất kể cá nhân, tổ chức nào cả. Mà chỉ có mục đích duy nhất, là khuyến học và vận động ủng hộ cho công tác khuyến học.
Vì vậy, năm đầu tiên chỉ làm sao cho hoạt động kỹ năng được tốt, công khai, minh bạch, có kiểm toán độc lập. Sau đó, số tiền quyên góp được làm sao trao đúng bạn sinh viên xuất sắc, và hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chúng tôi cố gắng làm tốt, chứ không làm nhiều. Đấy là tư tưởng chung của Quỹ.
Trước mắt, chúng tôi chỉ làm hai việc, là trao tiền cho đúng đối tượng, và Quỹ có trách nhiệm thông qua Hội đồng khoa học tìm cho mỗi sinh viên nhận học bổng một người đỡ đầu".
|
GS Ngô Bảo Châu tại buổi giới thiệu |
Dự kiến, Quỹ sẽ có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp khuyến học như GS. Bành Tiến Long, GS. Hà Huy Khoái, GS. Nguyễn Duy Tiến, PGS. Đỗ Tất Ngọc, TS. Cao Sỹ Kiêm …
Quỹ trước mắt chỉ trao cho sinh viên, nghiên cứu sinh trong nước xuất sắc, vì Quỹ không có đủ khả năng làm những việc gửi nghiên cứu sinh ra nước ngoài, và trao học bổng cho nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Tại buổi giới thiệu GS Ngô Bảo Châu đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi của báo giới:
Quỹ ra đời có sự khác biệt gì với những Quỹ khuyến học khác, đã và đang hoạt động? Tới đây anh sẽ ra nước ngoài công tác, vậy Quỹ sẽ hoạt động thế nào để đảm bảo sự minh bạch, trao học bổng đúng đối tượng?
Sự khác biệt của Quỹ, ngay từ ý tưởng ban đầu của chúng tôi, ngay từ đầu thành lập Quỹ không định làm cái gì to lớn trước. Mà đối tượng rất hạn chế, nhưng chúng tôi bảo đảm làm thật tốt, sau mới mở rộng các đối tượng khác. Nếu có mở rộng, ban Quản trị sẽ họp và điều chỉnh sau.
Hơn nữa, những người như tôi sáng lập Quỹ, hay những người trong Ban Quản lý có quyền quyết định trao học bổng cho ai. Mà Quỹ sẽ có một Hội đồng khoa học hoạt động độc lập. Hội đồng khoa học này có thẩm quyền tuyệt đối trong việc lựa chọn đối tượng được trao học bổng, cũng như lựa chọn người đỡ đầu cho sinh viên nhận học bổng.
Ý tưởng người đỡ đầu, theo tôi là một ý tưởng mới ở Việt Nam. Tại các nước khác như Anh, thì người đỡ đầu là một thế mạnh lớn của họ. Người đỡ đầu sẽ đưa ra những lời khuyên cho sinh viên, đồng thời người đỡ đầu cũng sẽ theo dõi quá trình học tập của sinh viên đó, để báo cáo lên Ban quản lý.
Còn về đảm bảo tính minh bạch, tôi tin tưởng là có thể. Vì việc chọn những ai được cấp là do Hội đồng Khoa học độc lập quyết định, chúng tôi không tham gia hội đồng đó. Khi Hội đồng này đưa ra quyết định, quỹ sẽ tôn trọng hoàn toàn quyết định đó, và sẽ trao học bổng trực tiếp cho em đó.
Ngoài ra, cuối năm sẽ có ban kiểm toán độc lập hoàn toàn, để kiểm tra hoạt động từ đầu đến cuối, trong một năm. Trước khi đưa ra những hoạt động cho những năm tiếp theo.
Anh có thể cho biết khi nào Quỹ sẽ chính thức hoạt động, số lượng sinh viên nhận học bổng là bao nhiêu?
|
Việc hoạt động của Quỹ phụ thuộc vào khi nào Quỹ được nhà nước cho phép hoạt động. Tôi vẫn hy vọng việc xin phép làm đủ nhanh, để sao cho năm học này có thể trao cho các em. Có thể là tháng 12/2010, Quỹ sẽ đi vào hoạt động, và trao những suất học bổng đầu tiên cho các em.
Số lượng học bổng, và mức học bổng sẽ do Hội đồng Quản lý Quỹ quyết định.
Vì sao việc đặt tên cho Quỹ là "Quỹ vì tinh thần hiếu học" lại không đưa tên anh vào?
Theo tôi nghĩ, tên Quỹ “Vì tinh thần hiếu học” nó đúng với ý định ban đầu thành lập Quỹ của tôi. Với mong muốn Quỹ này sẽ cổ vũ tinh thần hiếu học của người Việt Nam chúng ta.
Có một số ý kiến cho rằng, cái tên Ngô Bảo Châu sẽ là một cổ vũ rất lớn cho những bạn sinh viên nhận học bổng của Quỹ, có lẽ đúng như vậy, nhưng thay vì đặt tên tôi vào Quỹ, thì bản thân tôi sẽ bằng những hành động của tôi, như viết thư, theo dõi thường xuyên kết quả của các em… Như vậy có lẽ sự động viên sẽ cụ thể hơn, chứ không chỉ đơn thuần là bạn nhận được học bổng Ngô Bảo Châu. Một là tôi nghe thấy cái tên rất là chướng, hai là nên cỗ vũ bằng cách cá nhân, cụ thể hơn là qua cái tên.
Xin hỏi Giáo sư, hiện tại đã có tổ chức cá nhân nào bày tỏ mong muốn tham giá đóng góp tài chính cho Quỹ chưa, và việc tiếp nhận của mình như thế nào?
Vì đây là buổi họp đầu tiên, và thời gian rất ngắn, nên chúng tôi chưa làm danh sách chính thức những người tham gia vào Quỹ. Tuy nhiên, một số rất lớn các anh em tham gia vào Quỹ đã điền vào phiếu cam kết tham gia vào quỹ. Còn chi tiết tham gia như thế nào, thì hiện bản thân tôi cũng chưa nắm được, mới chỉ xem qua phiếu.
Nhưng phải chờ khi nào ra quyết định thành lập Quỹ, mới có danh sách các thành viên sáng lập Quỹ.
Tiêu chí chọn người đỡ đầu sẽ như thế nào?
Đấy phải là một nhà khoa học, một giảng viên có uy tín, có tâm huyết của trường, nơi sinh viên đang theo học. Và có chuyên môn gần với ngành sinh viên đang theo học.
Tôi xin nhắc lại một lần nữa, bản thân Quỹ không có quyền chọn người đỡ đầu, mà Hội đồng khoa học sẽ toàn quyền chọn người đỡ đầu.
Kết thúc buổi trao đổi, GS Ngô Bảo Châu khẳng định thêm: "Tôi cảm thấy vì giải thưởng [Fields] này, tôi phải có trách nhiệm lớn hơn cho đất nước. Tôi sẽ cố gắng làm tất cả những việc tôi có thể cho đất nước. Tất nhiên, tôi sẽ phải cân nhắc xem phải làm như thế nào, để việc mình làm là có ích và có hiệu quả nhất. Đấy là việc tôi sẽ cố gắng làm."
Theo Bee
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét