Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Khai hội chùa Hương năm Canh Dần

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình nêu rõ: "Chùa Hương là thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Những năm gần đây, mỗi mùa lễ hội chùa Hương đều đón hơn một triệu khách về hành hương, tham quan du lịch. Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 1000 năm Phật giáo Hà Nội, trong dịp này, Ban tổ chức lễ hội thực hiện một số hoạt động: Triển lãm cổ vật Phật giáo và Triển lãm mỹ thuật sơn dầu Phật giáo tại chùa Thiên Trù; Tuần lễ Văn hóa Phật giáo, Lễ thả đèn hoa đăng trên suối Yến và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc phục vụ du khách về tham quan trẩy hội". Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2010 cho biết: Từ đầu năm đến nay đã có hơn 16 vạn du khách trẩy hội chùa Hương, riêng trong ngày khai hội ước tính đã có khoảng sáu vạn du khách. Đặc biệt trong ngày khai hội năm nay đã không còn cảnh người ăn xin dọc đường cũng như ở nơi sân chùa...

Năm nay có gần 200 đò chất lượng cao trong số 4.600 đò được đưa vào phục vụ du khách trẩy hội. Mỗi ngày Ban tổ chức phát hành 500 vé đò chất lượng cao với giá 35.000 đ (so với vé đò thường vẫn giữ như năm trước là 25.000 đ). Khu vực cầu Hội, trên suối Yến nơi mọi năm thường xảy ra ùn tắc, đã thông thoáng hơn nhiều so với trước đây, do được đầu tư mở rộng luồng qua cầu gấp đôi so với trước (từ 20 mét lên 40 mét). Bên cạnh đó, Công ty cổ phần vận tải và du lịch Hương Sơn đã đầu tư gần ba tỷ đồng nâng cấp khu vực cáp treo chùa Hương, mở rộng diện tích gần 1.000 m2 sân chờ cáp treo nên tại khu vực này không còn cảnh chen chúc như những năm trước. Trên đường ra vào dòng suối Yến, có "đò văn nghệ" thường xuyên phục vụ du khách tạo không khí lễ hội, mang nét văn hóa dân tộc. Với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và huyện Mỹ Đức, cơ sở hạ tầng của chùa Hương được đầu tư, nâng cấp. Hàng quán, dịch vụ được bố trí gọn gàng, văn minh lịch sự. Công tác an toàn thực phẩm, an ninh trật tự được bảo đảm để phục vụ mùa lễ hội sẽ kéo dài trong ba tháng.

* Cùng ngày, tại Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội), UBND huyện Đông Anh tổ chức khai hội Cổ Loa. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Hàng nghìn người dân khu vực xã Cổ Loa và vùng lân cận đã tham gia lễ tế, rước kiệu, bài vị, hương án, hướng về đền Thượng - trung tâm của Loa Thành, dâng hương tưởng nhớ Vua An Dương Vương. Hội Cổ Loa được huyện Đông Anh đầu tư tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia như: vật dân tộc, bóng chuyền, thi đấu cờ người, hát quan họ trên Giếng Ngọc, hát tuồng của xã Cổ Loa và Xuân Nộn, rối nước Đào Thục. Cùng với đó là các trò chơi dân gian: chọi gà, thi đu, ném còn, kéo lửa thổi cơm thi..., phục vụ bà con trẩy hội. Sau lễ khai hội, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tham gia trồng cây đầu xuân trong khuôn viên khu di tích Cổ Loa - một quần thể di tích rộng 500 ha được đầu tư lớn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau.

* Tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), từ sáng sớm ngày mồng 6 Tết Canh Dần, hàng vạn người dân quanh vùng và khách thập phương đã dồn về chân núi Sóc dự lễ khai hội đền Sóc (diễn ra trong ba ngày 6, 7 và 8 tháng Giêng âm lịch). Theo truyền thống, nhân dân sáu xã quanh khu vực đền Sóc (Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú) làm lễ rước hương hoa, oản phẩm, trầu cau, voi chiến, giò hoa tre, cỏ voi, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc..., thể hiện tình cảm biết ơn trân trọng với Thánh Gióng và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, tinh thần thượng võ của dân tộc. Điều đặc biệt ở lễ hội đượm tính huyền thoại này là lễ dâng giò hoa tre, với những thanh tre cật vót mỏng, đầu tuốt bông nhuộm phẩm mầu, tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre được người Phù Linh dâng lễ ở đền Thượng, rước xuống đền Hạ rồi mới phát cho bà con và du khách. Hội đền Sóc có nhiều hoạt động như: vật cổ truyền, thi đu, đập niêu đất, bắt vịt... Vài năm gần đây, lượng khách thập phương về dự hội đền Sóc tăng hơn trước, bởi nhiều người muốn nhân dịp này vãn cảnh núi Sóc, chùa Non, tham quan Học viện Phật giáo, công trình tượng đài Thánh Gióng...

* Ngày 19-2 (mồng 6 Tết Canh Dần), tại khu di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang thuộc địa bàn xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) đã khai mạc Lễ hội 583 năm Chiến thắng Xương Giang. Tham dự có lãnh đạo tỉnh, địa phương và đông đảo nhân dân, du khách các nơi. Lễ hội sẽ diễn ra trong hai ngày mồng sáu và mồng bảy Tết.

Đây là Lễ hội được tỉnh Bắc Giang tổ chức hằng năm (bắt đầu từ năm 1998), nhằm nêu bật ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Xương Giang năm 1427 do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo, đập tan 10 vạn viện binh của quân Minh, góp phần quan trọng lật đổ ách thống trị tàn bạo của nhà Minh, khôi phục nền độc lập cho đất nước ta. Khu di tích thành Xương Giang gắn liền với Chiến thắng Xương Giang được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2009.

Cũng trong chương trình Lễ hội, từ chiều và tối qua (mồng năm Tết), các nhà sư của chùa Thành, thuộc xã Xương Giang đã tổ chức lễ cầu siêu cho linh hồn các tướng sĩ tham gia trận đánh Xương Giang năm xưa và ước vọng đầu năm mới cho nhân dân an lạc. Sau phần rước kiệu từ đình làng Thành ra khu vực tượng đài kỷ niệm - nơi tổ chức chính của Lễ hội, các cụ già, các tầng lớp thanh thiếu niên, đoàn thể và nhân dân địa phương đã tham gia lễ dâng hương trang trọng tại khu vực tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Xương Giang.

* Sáng 19-2 (mồng sáu Tết âm lịch), tại đình làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra Hội vật truyền thống làng Thủ Lễ Xuân Canh Dần 2010. Đây là hội vật truyền thống đầu xuân tồn tại hàng trăm năm nay ở Thừa Thiên - Huế. Trong tiết trời se lạnh, Hội vật khá rộn ràng và tưng bừng với sự tham gia của hơn 100 đô vật nam, nữ đến từ thị trấn Sịa, xã Quảng Phước (Quảng Điền) và các vùng lân cận cùng hàng nghìn du khách. Sau phần nghi lễ, Hội vật được mở màn bằng hai đô vật cao niên là cụ Phan Mậu Phiên (84 tuổi) và cụ Nguyễn Tăng (86 tuổi), với những pha biểu diễn khá đẹp mắt nhưng không kém phần gay cấn, hiểm hóc. Tiếp đó, cả sới vật vang tiếng reo hò, cổ vũ cho hàng chục cặp tranh tài ở hai độ tuổi thanh niên và thiếu niên diễn ra trong suốt buổi sáng mồng sáu Tết.

PV và TTXVN

Không có nhận xét nào: