Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

Những phận gái làm nghề "mát xa"

Thứ Năm, ngày 01/07/2010, 21:00 Chia sẻ link qua  Facebook Gửi bài viết này cho bạn bè

Muôn mặt mại dâm

Những phận gái làm nghề "mát xa"
Họ luôn biết cách làm khách hàng thấy vui vẻ (Hình minh họa)

Những phận gái làm nghề "mát xa"

(24h) - Những cô gái này "chia sẻ nỗi buồn" với khách từ hoàng hôn đến sáng. Và sáng hôm sau, họ đi như những kẻ say rượu đến các quán ăn và quán cà phê. Họ vừa đi vừa gục xuống vì buồn ngủ và mệt mỏi.

Một buổi sáng ở khu nghỉ mát Đồ Sơn, tôi nhận thấy trong một quán cà phê rất nhiều các cô gái trẻ. Họ ngồi uống cà phê, trà Dilmah, nước trái cây… và nhìn chúng tôi nửa như đã quen, nửa như thăm dò, nửa rất sỗ sàng và nửa như dè dặt.

Trong con mắt của tôi, họ chỉ chừng trên dưới 18 tuổi. Có những cô không khác gì nữ sinh trung học phổ thông. Họ có cái gì đó rất mộc mạc của những thôn nữ, lại có cái gì đó như đã từng trải của những người đàn bà mang một gương mặt ngái ngủ. Thi thoảng có cô ngáp vặt hoặc xoay người tỏ vẻ mệt mỏi. Họ là ai? Họ từ đâu đến? Họ làm gì ở nơi chốn vui chơi, ăn uống suốt ngày đêm này? Và điều gì làm cho gương mặt non nớt của họ trĩu nặng sự mệt mỏi như thế?

Khoảng mười năm trở lại đây, những người nông thôn bắt đầu những cuộc di dân ngắn hạn lên thành phố kiếm ăn. Một trong những dòng người di dân này là những cô gái trẻ ở các miền quê. Trong những người di dân đặc biệt đó lại có những người đặc biệt. Họ là những cô gái trẻ có nhan sắc. Những người trẻ đi xin việc thì vũ khí của họ là tấm bằng của một trường đại học uy tín và những chứng chỉ khác, như chứng chỉ tin học hoặc tiếng Anh. Còn vũ khí của những cô gái thôn quê kia chính là nhan sắc. Ai không có nhan sắc sẽ bị loại. Ai không có nhan sắc sẽ không kiếm được nhiều tiền. Bởi khách hàng của họ là những người đến đó để mua nhan sắc trong một hay hai tiếng đồng hồ hoặc một đêm.

Một trong những nơi mà các cô gái trẻ này thường tìm đến là những khu nghỉ mát. Các khu nghỉ mát ở thành phố biển lại là nơi họ tìm đến đông nhất. Bởi những nơi đó là những nơi có nhiều du khách tìm đến nghỉ ngơi và tìm trò tiêu khiển trong những khu nhà nghỉ, các quán karaoke, mát xa… chập chờn sáng tối. Trước khi đến đó họ biết trước công việc họ sẽ làm, nhưng họ cần tiền cho chính họ và gia đình họ. Khi đến nơi, họ sẽ viết thư hoặc gọi điện cho người thân và nói rằng họ được nhận vào làm tiếp tân trong một nhà hàng, một quán cà phê, một quán gội đầu, hay một công ty nào đó. Nhưng thực chất họ chỉ là nhân viên phục vụ trong nhà nghỉ. Họ không phải nhân viên lễ tân, không phải nhân viên buồng bàn. Họ là những nhân viên đặc biệt mà họ tự nhận mình là “nhân viên chia sẻ nỗi buồn”. Họ chia sẻ nỗi buồn với các cậu thanh niên chưa đủ tuổi đi bầu cử cho đến những người đàn ông về hưu. Có lúc, họ chia sẻ nỗi buồn với khách từ hoàng hôn đến sáng. Và sáng hôm sau, họ đi như những kẻ say rượu đến các quán ăn và quán cà phê. Họ vừa đi vừa gục xuống vì buồn ngủ và mệt mỏi.

Ở bất cứ khu nghỉ mát biển nào cũng có họ. Cho dù công việc “chia sẻ nỗi buồn” ấy bị cấm đoán, bị trừng phạt có ghi trong pháp luật nhưng số nhân viên đến xin việc không bao giờ giảm đi bởi số người có nhu cầu chia sẻ không giảm. Một cô gái vừa sốt vừa ho vừa “chia sẻ” nỗi buồn với khách nam nhi. Một cô gái bị đau mắt đỏ nhưng vẫn đeo kính đen “chia sẻ nỗi buồn”. Một cô gái vừa chia sẻ vừa nghĩ về đám cưới của mình với một người trai làng đang ngày ngày làm nghề đóng gạch mộc ở quê. Họ tìm đến nơi này để kiếm tiền một cách nhanh nhất bằng công việc “chia sẻ nỗi buồn” này để chuẩn bị cho cuộc sống gia đình bước đầu của mình. Họ cũng như muôn vàn cô gái khác, họ muốn đám cưới của họ phải đàng hoàng như bạn bè trong xóm ngoài thôn. Họ cũng cần chăn hoa gối thêu, họ cũng cần một hai bức ảnh photoshop. Họ cũng cần ít vốn giắt lưng để mua một đôi lợn giống hay là một chú bê cho việc làm ăn của họ trên những cánh đồng lam lũ bao đời nay như đời ông bà, cha mẹ họ.

Trong 100 cô gái làm công việc chia sẻ nỗi buồn ở các khu nghỉ mát biển có bao nhiêu phần trăm là tìm đến công việc này là do những đòi hỏi hưởng lạc cá nhân hay bị cưỡng ép? Tôi nghĩ và tin chỉ có từ 1 đến 3% các cô gái thôn quê ở trong trường đó mà thôi.Có cô quyết đinh làm công việc đó nhưng đêm đêm chỉ mong trời chóng sáng và đếm từng ngày được trở lại quê quán. Có cô khi giải nghệ đã lên tận khu nghỉ mát nước khoáng của Hòa Bình ngâm mình một ngày để có cảm giác mình đã tẩy bớt những ê chề, nhớp nháp lâu nay. Có cô khi gặp lại “đồng nghiệp” đã tâm sự: “Sau khi cưới mấy tháng trời, đêm nào tao cũng sợ anh ấy ngửi thấy mùi lạ trên người tao”. Có cô bị chấn thương tâm lí do hoảng sợ, một thời gian dài sau khi lấy chồng. Cô ấy sợ nếu trong lúc ân ái hay trong giấc mơ buột miệng nói những lời cô ấy nói khi làm công việc “chia sẻ nỗi buồn” mà cô đã vùi sâu vào trong bóng tối của quá khứ. Có cô từng giật mình kinh hãi khi vô tình như một thói quen lặp lại khi hành động chia sẻ quá lành nghề mà cô được đào tạo miễn phí trước kia.

Tôi đã nghe một người bạn kể câu chuyện về đứa cháu họ của chị. Cô gái ấy đã từng làm trong một khu mát xa nhưng công việc thực chất lại là mát gần. Trước khi lấy chồng, cô gái ấy đã quá dày vò về những gì cô ấy đã làm trước đó. Bởi cô yêu người con trai kia vô cùng và người con trai ấy đã yêu cô bằng trái tim nồng cháy và chân thành. Cô gái ấy thấy không thể lừa dối người yêu mình. Thế là cô đã thú tội trước người yêu như con chiên thú tội trước Chúa. Người con trai đã không chịu nổi điều đó và chia tay. Một vài người thân của cô biết chuyện đã mắng cô tại sao lại nói ra những bí mật chết người như thế. Cô đã khóc và nói với họ rằng: Nếu đã yêu ai, cô sẽ nói ra những ngày tháng đen tối của mình vì cô không muốn lừa dối người mà cô yêu dấu.

Các tiệm mát xa đều được chính quyền địa phương cho hành nghề theo luật pháp. Bởi thế nhiều người đến tiệm mát xa để thư giãn theo phương pháp vật lý trị liệu đúng nghĩa. Nhưng cũng không ít các tiệm mát xa đã biến hình. Một người quen của tôi có kể lại một câu chuyện buồn trong một lần ông đi mát xa. “Đấy là một nơi trông rất nghiêm túc và sạch sẽ”, ông nói. Vì thế mà ông đã đến đó. Nhưng khi mát xa thì cô gái rất trẻ đã cố tình mát gần. Khi ông hỏi cô là ở đó cũng làm những chuyện ấy ư thì cô gái nghĩ ông có nhu cầu và đã nói ông muốn gì cô cũng chiều. Ông vừa bực tức vừa sợ hãi và định bỏ đi . Cô gái van xin ông đừng bỏ đi vì nếu không cô sẽ bị ông chủ tiệm phạt tiền và đuổi việc. Nhìn gương mặt cô gái trẻ như con gái mình ông động lòng. Ông hỏi vì sao cô lại không tìm việc khác mà làm. Cô nói với ông không thể tìm được việc gì khác ngoài việc rửa bát ở các quán cơm bụi. Nhưng rửa bát thì chỉ đủ tiền cho cô chi tiêu mà thôi. Trong khi đó, cô cần giúp cha mẹ của cô và hai đứa em cô đang ăn học. Cô bảo nếu không được học thì hai đứa em trai của cô sẽ nghèo khổ mãi mãi và biết đâu lại rơi vào rượu chè, trộm cắp hay nghiện ma túy. Cô nói sẵn sàng đi làm tiền nhưng hai đứa em của cô phải trở thành người có bằng cấp và nghề nghiệp ổn định. Thấy cô gái tâm sự một cách chân thành và đau đớn, ông hỏi thăm gia cảnh và quê quán của cô. Ông kinh hãi nhận ra đó là cô gái người cùng làng. Vì sống và làm việc ở thành phố mấy chục năm rồi nên và vì cách xa về tuổi tác nên cả hai người không biết nhau.

Mấy chục năm trước, tôi nghe một câu chuyện về một cô gái làm tiền bị gia đình phát hiện đã quyên sinh vì nhục nhã. Nhưng bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy những cô gái ăn mặc đẹp miệng cười tươi mời khách trước cửa nhiều nhà nghỉ ở các khu nghỉ mát biển một cách tự nhiên như thể họ đang làm một công việc chính đáng và công khai. Rất nhiều những cô gái chỉ cần mặc một bộ đồng phục của trường phổ thông trung học nào đó và khoác thêm một chiếc cặp thì ai cũng tin rằng đó là một nữ sinh xinh đẹp và thông minh. Nhưng không, họ là những cô gái đang sống trong nhiều khu nhà nghỉ vật vờ và nhơ nhớp như những động quỷ. Mỗi buổi sáng họ ngồi uống cà phê hay Dilmah trong dáng hình mảnh dẻ thư sinh với đôi mắt ngái ngủ giống như những đứa con, đứa cháu của chúng ta ngái ngủ sau một đêm thức khuya để làm bài tập hay chuẩn bị cho một kì thi quan trọng và đầy khó khăn.

24H.COM.VN (Theo Cảnh Sát Toàn Cầu)


Không có nhận xét nào: