Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

Nguyễn Duy ra mắt tuyển tập thơ

Thứ Hai, 05/07/2010, 17:58

Nguyễn Duy ra mắt tuyển tập thơ

(ANTĐ) - Có thể gọi Tuyển tập Thơ Nguyễn DuyĐường Thơ Nguyễn Duy, khi hành trình của những con chữ và vần điệu không được đánh dấu bằng mốc thời gian mà bởi những chặng đường: Đường làng-Đường nước-Đường xa-Đường về.

Trình tự ấy do chính nhà thơ sắp xếp, bởi hơn ai hết, ông hiểu những chặng đường ấy có ý nghĩa như thế nào với mình, và hơn ai hết, ông hiểu những chặng đường ấy dường như cũng “trùng khớp” với những chặng đường đời của một nhà thơ “cứ chìm nổi với đám đông/Riêng ta xác định ta không là gì” (Bao cấp thơ-1993/Về-1994).

Nếu như Đường làng đưa người đọc về với những ký ức tuổi thơ “mang dấu ấn ruộng vườn” với cánh đồng, cỏ lúa và hoa; bờ ruộng lấm tấm dấu chân cua, những cọng rơm xơ xác gày gò, con cá kho dưa, quả cà kho tép, cơm nếp thơm, canh cua ngọt, khoai sắn nướng lùi…, thì Đường nước hằn in dấu chân người lính trên mỗi bước đường hành quân dọc chiều dài đất nước thấm đẫm nghĩa tình quân dân, nghĩa tình đồng đội.

Đường xa giống như một cuốn băng đậm chất du ký với những thước phim bằng thơ trải dài từ Á sang Âu, sang Mỹ; từ vùng đất cổ kính này sang thành phố hiện đại khác, từ những miền hồi ức đến thế giới hiện tại, ắp đầy trải nghiệm. Đường về - quay trở lại với mảnh đất quê hương, phần nhiều vẫn là trở về với hương đồng gió nội, để rốt ráo tìm ra cái đáng quý nhất còn đọng lại, bởi cuối cùng “Đâu biết những gì chờ ta đằng kia/Chỉ biết đời ta khởi đầu từ nơi ấy” (Đường 9, Nam Lào, 1971/ Mẹ& Em-1987).

Đúc kết những chặng đường nghệ thuật và tư tưởng quan trọng, Nguyễn Duy không bộc lộ khuynh hướng theo đuổi những vấn đề mang tính chất nghề nghiệp thuần túy, như đào sâu, trau dồi việc thực hiện ngôn ngữ, không mê mải với những cách tân siêu thực, tượng trưng, hay hậu hiện đại… Ông chọn cho thơ mình một lối cảm hứng bám sát hiện thực đời thường, bám sát thời cuộc, với những vấn đề tâm lý “nóng bỏng” của toàn xã hội cũng như những day dứt và trưởng thành của mỗi cá nhân. Đó cũng là chặng đường trưởng thành về nhận thức, có hệ quả khăng khít là sự rộng mở, bao dung của tâm hồn nhà thơ, trước những biển dâu, những bất trắc khôn lường và cả đổ vỡ đau đớn của đời sống.

Thơ Nguyễn Duy có khi mộc mạc, chân phương, dễ hiểu vì những gì nó hướng tới cũng không quá trừu tượng, không vượt ra ngoài đời sống tai nghe mắt thấy, tự tình của con người. Có khi đẹp một vẻ trau chuốt, cổ điển, nhờ sự giản dị và tinh lọc của câu chữ, hình ảnh diễm lệ nhưng không gò bó, rườm rà, cảm xúc nồng nàn mà tiết chế. Có khi bâng quơ nhưng bất chợt lãng mạn khó ai bì.

Những bài thơ hay nhất của Nguyễn Duy chưa thoát khỏi nhịp điệu bằng lặng ngay ngắn của thơ lục bát. Nhưng để nói đến nhịp điệu như một khía cạnh quan trọng của điệu thức tâm hồn nhà thơ nhạy bén bắt kịp với tâm cảm của thời đại, thì những bài thơ viết theo lối tự do của ông cũng đáng được chú ý, như sự xộc xệch, bứt phá khỏi cảm quan ổn định, nghiêm ngắn, có phần hiền lành của Nguyễn Duy trước cuộc đời…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhìn nhận: "Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó." Tuyển tập Thơ Nguyễn Duy đã thể hiện những gì tinh túy nhất của thứ cây quý ấy.

Gia Bách


Không có nhận xét nào: