Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Anh hùng tan mộng vì ải mỹ nhân

Tổng giám đốc IMF: Anh hùng tan mộng vì ải mỹ nhân
Tác giả: Hải Tâm (Tổng hợp)
Bài đã được xuất bản.: 18/05/2011 10:00 GMT+7

* Recomend
* Thanks
*
+1

Red

* In
* Email
* Thảo luận

TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm)

* Tổng giám đốc IMF: Anh hùng tan mộng vì ải mỹ nhân
* ‘Người đàn bà viết văn ở Đèo Ngang’ đòi kiện VTV tới cùng
* Người lấy xương thú rừng ghép cho đồng đội
* Tâm lý né tránh là rào cản chấn hưng giáo dục

*
*
*

Với việc bị cáo buộc tấn công tình dục, giấc mộng tổng thống có vẻ như đang dần khép lại đối với Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn.

Người hùng IMF và giấc mộng tổng thống

Từ khi trở thành người đứng đầu IMF vào tháng 11/2007, Dominique Strauss-Kahn (thường được gọi là DSK) đã tạo ra những làn gió mới trong IMF, như giúp các nước bị khủng hoảng có các khoản vay khẩn cấp, cho các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil có quyền bỏ phiếu lớn hơn trong IMF. Là người đối thoại với tất cả các nguyên thủ quốc gia, vị cựu bộ trưởng tài chính Pháp này đã làm biến đổi hình ảnh của IMF. Báo Pháp Le Figaro mô tả: "Với Dominique Strauss-Kahn, IMF đã chuyển từ vai trò sen đầm sang vai trò là thầy thuốc bắt mạch và chữa trị cho toàn cầu hóa".

Trong vai trò tổng giám đốc, DSK được đánh giá là đã chèo lái thành công thể chế tiền tệ này trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay.

Trong năm đầu tiên khi Strauss-Kahn tham gia điều hành IMF, thị trường chứng khoán thế giới nổ tung và các nền kinh tế chủ chốt thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Những chuyến đi con thoi gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia, Strauss-Kahn trở thành nhân vật chủ chốt giải quyết các "ca" khó trong cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930 bằng cách tiến cử IMF trở thành người đi cho vay.

Strauss-Kahn đã trải qua một năm chiến đấu không mệt mỏi để dập tắt các đám cháy đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Tháng 4/2009, khi thế giới đang dần thoát ra khỏi khủng hoảng, các nhà lãnh đạo G-20 đã đề xuất một gói cứu trợ trị giá 1,1 nghìn tỷ USD và tăng quỹ của IMF lên gấp ba lần để đối phó với khủng hoảng.

Vào tháng 4/2010, ông qua lại như con thoi giữa Athens, Berlin và Brussels, thuyết phục các quan chức EU và Thủ tướng Đức Angela Merkel, chung sức giải cứu nền kinh tế Hi Lạp và tìm cách ổn định đồng euro. Những nỗ lực của Strauss-Kahn đưa lại thành quả bằng một hội nghị chung giữa EU và IMF quyết định chi một gói cứu trợ trị giá 1 nghìn tỷ USD giải cứu các nền kinh tế bị khủng hoảng nặng nề nhất ở châu Âu. Thỏa thuận này đã ổn định được đồng euro, tương tự điều mà Strauss-Kahn đã từng làm, với tư cách là Bộ trưởng tài chính Pháp, giúp Pháp vượt ra khỏi những khó khăn kinh tế vào cuối thập niên 1990.

Trước khi đảm nhận trọng trách Tổng giám đốc IMF, trong nhiều năm, DSK là thủ lĩnh phe trung tả của Đảng Xã hội Pháp, có uy tín, được giới chính trị kính nể, kể cả phe hữu. Ông trở thành giáo sư kinh tế khi mới 32 tuổi và lần đầu bước lên chức vụ bộ trưởng năm 44 tuổi (năm 1993). Bốn năm sau, ông chuyển từ chức Bộ trưởng Công nghiệp và Ngoại thương sang một chân quan trọng hơn là chức Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Trên các cương vị đã đảm nhận, DSK đều hoàn thành xuất sắc.

Bê bối mới diễn ra đúng lúc cử tri Pháp đang dành cho DSK nhiều cảm tình nhất và ông được xem là nhân vật sáng giá có thể hạ bệ đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy. Trong khoảng gần một chục ứng cử viên nặng ký dự kiến sẽ tranh giành chiếc vé tranh cử của đảng Xã hội, DSK đã bứt lên xa so với các đối thủ. Một cuộc thăm dò của báo Parisien diễn ra hôm 15/5 cho thấy ông nhận được sự ủng hộ của 41% cử tri trong đảng Xã hội, cách khá xa so với Chủ tịch đảng Francois Hollande. Và với việc tỉ lệ ủng hộ của Sarkozy đang ở mức thấp kỷ lục, DSK rõ ràng càng có lý do để mơ về chiếc chìa khóa vào điện Elysee.

Đối với nhiều cử tri Pháp, nhà kinh tế tài ba này chính là một lựa chọn đầy tiềm năng cho nhiệm kỳ Tổng thống tới để có thể đưa ước mơ thay đổi nước Pháp thành sự thật, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy đang lao dốc thậm tệ do những chính sách cải cách mất lòng dân cùng sự suy giảm uy tín đáng lo ngại của nội các.

Con đường sự nghiệp đầy ánh hào quang của Dominique Strauss-Kahn trước khi bị bắt tại New York. Nguồn: VietNamPlus/AFP

2. Gót chân Achille

Tài ba, tương lai đầy rộng mở, nhưng cũng "đàn ông thường tình", điểm yếu của DSK chính là phụ nữ.

"Vụ việc ở New York" không phải là lần đầu tiên lỡ trót dại của ông. Báo chí Pháp đã gọi ông là "Kẻ quyến rũ vĩ đại", với một "bề dày" liên quan tới phụ nữ. Trên đài truyền hình Pháp, bà Anne Mansouret cho biết con gái bà - nhà văn Tristane Banon - từng là nạn nhân một vụ tấn công tình dục của ông Strauss-Kahn năm 2002 nhưng vụ việc không được đưa tới cảnh sát để điều tra.

Năm 2008, IMF cũng từng phải mở cuộc điều tra vì cáo buộc ông ngoại tình với một trợ lý văn phòng châu Phi dưới quyền. Tuy cuộc điều tra sau đó kết luận mối quan hệ này là "đồng thuận", DSK vẫn phải lên tiếng xin lỗi vì đã gây ra nhiều rắc rối.

Thói háo sắc của DSK nổi tiếng tới mức hồi năm 2009, bình luận viên cây hài Stephane Guillon đã dành nguyên chương trình hài buổi sáng của ông để chế giễu cái gọi là "nỗi ám ảnh đàn bà" của DSK. "Để đảm bảo sự an toàn cá nhân, các nữ nhân viên sẽ phải mặc quần áo dài, tối màu, kín đáo để không khêu gợi nhục cảm. Giày cao gót, quần da và những đồ nội y khêu gợi phải bị cấm tiệt".

Không lạ gì mà báo New York Daily News (Mỹ) lần này đã giật tít "Kẻ hư hỏng", còn tờ Financial Times cũng mô tả ông "có một thành tích bền vững là kẻ chạy bám váy đàn bà".

Cử tri Pháp vốn nổi tiếng là rộng lượng với những chuyện "ngoài luồng" của các chính trị gia cao cấp. Thực tế chuyện lăng nhăng tình ái không phải là hiếm trong giới chính trị Pháp. Cựu Tổng thống Francois Mitterrand được cho là đã từng yêu và có con với một cô gái quê. Tương tự là người kế nhiệm Jacques Chirac, nhân vật bị tay tài xế riêng Jean-Claude Laumont tố là kẻ trăng hoa. Song các đồn đoán về những mối quan hệ "ngoài luồng" không ngăn cản cả hai ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Agnes Poirier, một phóng viên Pháp đang sống ở London nói trên tờ Guardian rằng các vụ bê bối tình ái của DSK không chỉ do ông say mê phụ nữ mà còn vì ông cũng rất quyến rũ trong con mắt phái đẹp, là nhân vật thông minh, có sức mê hoặc và thu hút người khác. "Dù tốt hay xấu, hành vi của ông ấy là một phần văn hóa chúng tôi" - Poirier nói.

Tuy nhiên, cáo buộc chống lại Strauss-Kahn lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều. Theo luật của bang New York, tội phạm tình dục và cưỡng dâm có thể bị án 15-20 năm tù giam.

Không chỉ dính vào rắc rối với phụ nữ, DSK còn thường xuyên bị chỉ trích vì lối sống xa xỉ, với những siêu xe và các dinh thự hoành tráng. Theo tờ France Soir, sau khi ông Strauss-Kahn cùng vợ đến Mỹ để đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc IMF, cuộc sống của đôi vợ chồng cực kỳ xa hoa. Vợ chồng ông Strauss-Kahn sở hữu các bất động sản sang trọng khắp thế giới, gồm một ngôi nhà 2,4 triệu bảng Anh ở Washington, Georgetown (Mỹ), một căn hộ ở Paris 2,2 triệu bảng và một dinh thự thuộc khu Place des Vosges sang trọng trị giá 3,4 triệu bảng. Ông Strauss-Kahn còn sở hữu một biệt thự siêu sang tại Maroc.

Cũng không nên quên rằng phòng khách sạn Sofitel ở New York, nơi ngài Tổng giám đốc IMF nghỉ qua đêm khi xảy ra cáo buộc tấn công tình dục, có biểu giá lên đến 3.000 đô la. Được biết, một phòng hạng trung bình ở khách sạn này 1.000 USD/đêm, cộng thuế 151 USD, tổng cộng là 1.151 USD/đêm. Điều này khiến không ít người "cảm thấy ái ngại" cho các nước đang gặp khủng hoảng nợ hay chậm phát triển khi được biết sếp IMF qua đêm tại một khách sạn giá cao ngất ngưởng như vậy.

Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn

Âm mưu, gài bẫy? Kết quả vẫn là...

Ngay cả khi Strauss-Kahn trở thành ứng cử viên triển vọng nhất cho chiếc ghế tổng thống nhiệm kỳ tới, nhiều người cũng đã dự đoán con đường bước vào Điện Élysée (Phủ TT Pháp) của ông Strauss-Kahn còn dài và có thể còn nhiều chông gai. Bạn bè và người ủng hộ thậm chí đã cảnh báo DSK rằng cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp có thể sẽ chứng kiến những màn chơi bẩn khó chịu.

Với tình hình hiện tại, rất có thể những dự báo đó đã ứng nghiệm. Không ít quan điểm cho rằng bê bối lần này của DSK chính là một thủ đoạn chính trị, một cái bẫy giăng sẵn cho vị tổng giám đốc nổi tiếng hào hoa.

Bà Christine Boutin, chủ tịch Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, cho rằng: "Tôi nghĩ nhiều khả năng đây là cái bẫy được giăng ra cho ông Dominique Strauss-Kahn và ông ấy đã lọt bẫy. Đây là một quả bom đối với nền chính trị Pháp".

Chỉ vài giờ trước khi ông Dominique Strauss-Kahn bị lôi ra khỏi máy bay, một đồng minh của Đảng Xã hội cho biết ông Dominique Strauss-Kahn là mục tiêu của một chiến dịch bôi nhọ do Tổng thống Nicolas Sarkozy đề xướng. Chính trị gia của Đảng Xã hội Jean-Marie Le Guen nói với đài phát thanh Europe 1: "Đây là một chiến dịch quy mô, có chỉ huy đã được ông Sarkozy và đồng minh thông báo để tấn công ông Dominique Strauss-Kahn".

Tờ Le Figaro dẫn lời bà Michelle Sabban, thành viên hội đồng vùng Paris, cho rằng đây là "âm mưu quốc tế", là "hình thức ám sát chính trị mới khi muốn ngăn cản IMF với các vấn đề tài chính thế giới". Bộ trưởng hợp tác nước ngoài Pháp ông Henri Raincourt cũng không loại trừ một cái bẫy được dựng lên để đưa ông Strauss-Kahn vào tròng. Ngay cả Tổng thống Pháp Sarkozy cũng nói đây có thể là một "âm mưu chính trị".

Cũng có ý kiến khác đặt nghi vấn ở cấp vĩ mô hơn. Bà Michelle Sabban, một đồng minh của ông Dominique Strauss-Kahn, bình luận: "Tôi tin đây là một âm mưu quốc tế. Họ muốn nhắm đến IMF chứ không phải đến ứng viên hàng đầu của Đảng Xã hội. Ai cũng biết điểm yếu của ông ta là phụ nữ. Đó là cách mà họ cho ông ta vào bẫy".

Tuy nhiên, dù đây có thực sự là cái bẫy hay không thì có vẻ như tương lai chính trị của DSK cũng sẽ chấm dứt. Ông Laurent Dubois - chuyên gia tại Học viện Nghiên cứu chính trị Paris - ví vụ bê bối như một "cơn địa chấn" chính trị và nhận định "không còn bất cứ cơ may nào cho tương lai chính trị của ông Strauss-Kahn".

"Nếu ông ta được tuyên bố vô tội thì có thể trở lại chính trường, nhưng nếu cần đến 4-5 tháng nữa mới đến thời điểm đó thì có thể là quá trễ" - Jerome Fourquet của Cơ quan thăm dò dư luận IFOP nhận định.

Nhìn rộng hơn, vụ bê bối này không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp cá nhân của DSK mà còn có tác động vô cùng lớn. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự việc đang diễn ra là một cú sốc không chỉ đối với đảng Xã hội mà còn tạo ra một cơn "đại hồng thủy" trên chính trường Pháp. Thử hình dung nếu DSK bị chứng minh là có tội, thì đây sẽ thực sự là một vết nhơ với nước Pháp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của quốc gia châu Âu này.

Thêm vào đó, trong tình hình hiện tại, nước Pháp thực sự cần đến một nhân tố đem lại những thay đổi mạnh mẽ. Với những thành công đã đạt được, khả năng DSK có thể trở thành nhân tố đó là không hề nhỏ.

Đối với IMF nói riêng và châu Âu nói chung, sự ra đi lúc này của DSK sẽ thực sự là không thích hợp và gây ra tổn thất lớn. Với năng lực đã được kiểm chứng trong hơn 3 năm qua, không có Strauss-Kahn, IMF sẽ thiếu đi một tiếng nói quan trọng nhất là vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu hết sức căng thẳng với vấn đề khủng hoảng nợ khu vực. Trước khi Strauss-Kahn bị bắt giữ, Hy Lạp và EU, IMF đã gần như thỏa thuận xong một gói cứu trợ tiếp theo cho Athens. Nhưng với tình hình này, các quyết định có thể bị hoãn lại.

Việc DSK bị bắ́t rất có khả năng sẽ khiến nỗ lực bình ổn tài chính khu vực sử dụng đồng euro bị gián đoạn. Đồng euro giảm nửa cent xuống còn 1,4063 đôla Mỹ khi thị trường Á châu mở cửa hôm thứ Hai, thấp nhất trong sáu tuần qua và phản ánh quan ngại rằng vụ bắt giữ lãnh đạo IMF có thể ảnh hưởng tới kế hoạch cứu trợ Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Việc ông bị bắt đang khiến các quốc gia châu Âu lo lắng, do vai trò quan trọng của ông trong việc mối lái các gói cứu trợ kinh tế cho Iceland, Hungary, Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. "Có khả năng người kế nhiệm sẽ không phải là người Âu, và sẽ muốn tái sắp xếp các ưu tiên của IMF từ việc quá chú tâm tới châu Âu hiện nay sang hướng khác" - ông Jean Pisani-Ferry, giám đốc Cơ quan nghiên cứu kinh tế Bruegel, nhận định.

Việc Strauss-Kahn có tội hay không sẽ còn phải chờ kết luận của tòa án. Lúc này, tương lai của ông đang rất mờ mịt, nhưng có một điều rõ ràng là tình cảnh trớ trêu của Strauss-Kahn không chỉ còn là nỗi lo lắng của riêng ông hay đảng của ông nữa.
Red

* In
* Email
* Thảo luận

(Đọc thêm TRONG MỤC NÀY)
* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu
DISQUS...

Không có nhận xét nào: