Du lịch Điện Biên: Làm sao “cất cánh”?
Thứ bảy, 26/06/2010 11:31 am
Du lịch Điện Biên: Làm sao “cất cánh”?
Báo Công Thương - 5 giờ trước9 lượt xem
Những giọt nước nối nhau chảy long tong trên mặt chiếc bàn sắt nằm xộc xệch trong hầm tướng De Castries. Một du khách kéo tay bạn đồng hành tránh xa nguy hiểm từ chiếc lan can inox đặt hờ trước tượng đài Điện Biên Phủ... Với thực trạng đó, du lịch Điện Biên làm sao “cất cánh”?
Bà con dân tộc Thái bán các sản phẩm nông sản và các loại thuốc lá rừng tại Lán Điệp báo viên
CôngThương - Chúng tôi đến Điện Biên, khi mùa du lịch hè mới bắt đầu. Mong tận mắt chứng kiến câu chuyện lịch sử hoành tráng, đồi A1, hầm tướng De Castries, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng... song, thất vọng, toàn chuỗi di tích chưa kể được câu chuyện mà vì nó, chúng tôi tìm đến Điện Biên.
Lịch sử bị lãng quên?
Có lẽ trong toàn bộ chuỗi hành trình, chỉ có khu di tích sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng và nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1 là còn giữ được một chút cảnh quan. Từ trên cao nhìn xuống lòng chảo Điện Biên, không còn một cách rừng nguyên vẹn, hầu hết là đồi trọc. Đã đến thời điểm lũ tiểu mạn về nhưng hồ Pa khoang vẫn cạn trơ đáy. Bia Bế Văn Đàn ở Mường Pồn chỉ còn là câu chuyện trong dân gian. Hầm tướng De Castries cũng không khá hơn bao nhiêu. Trong không gian ẩm mốc, những bộ bàn ghế sắt - nơi làm việc của vị tướng - nằm xộc xệch; nước từ trận mưa hôm trước vẫn nối nhau gõ long tong lên mặt bàn gỉ sét...
Bảy năm qua đi, sự cẩu thả trong xây dựng, trùng tu... vẫn hiện diện trên tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ - công trình văn hóa cấp quốc gia. Ngoài kinh phí xây dựng giai đoạn I trị giá 47 tỷ đồng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phải chi thêm 4 tỷ đồng để sửa chữa khu tượng đài. Và mặc dù xưởng đúc đồng Ý Yên đã đánh màu lại nhưng toàn thân tượng vẫn xỉn màu, ngả xanh, ngả đỏ từng mảng. Phần lồi lõm trên bề mặt tường xây bao quanh bệ tượng cũng đã được phủ một lớp đá ganito, song không chịu ăn nhập với lớp đá granit, long ra từng mảng. Toàn bộ mặt sân tượng đài gạch nứt vỡ nhiều, nước tạo thành vũng, rác bẩn vương khắp nơi. Vườn hoa không được chăm sóc, đầy cỏ dại. Dây điện bò loằng ngoằng trên mặt đất. Lan can inox long ra mà không hề có biển báo nguy hiểm...
Du lịch tự tìm hiểu
Du lịch, văn hóa, hai mặt của một hành trình không thể thiếu đối với mỗi khách du lịch. Nhưng với Điện Biên, du lịch và văn hóa còn khoảng cách khá xa bởi vẫn nặng tính “thời vụ”. Các hoạt động quảng bá, phát triển dịch vụ chỉ được chú trọng vào những dịp lễ tết, còn ngày thường, hầu hết khách du lịch phải tự tìm hiểu.
Trung tâm chỉ huy chiến dịch Mường Phăng nằm trên đồi cao, cách đường cái khoảng 800 mét. “Đón” chúng tôi là hai “hướng dẫn viên nhí”, em Cà Thị Thanh (12 tuổi) và Lò văn Tâm (9 tuổi), đều là người bản Phăng. Trời mưa khá to, đầu không mũ, loẹt quẹt đôi dép lê, các em vẫn nhẫn nại đi theo chúng tôi. Không cần biết khách có nhu cầu hướng dẫn không, các em vẫn vừa đi vừa nói vanh vách về các điểm di tích. “Từ khi 6 tuổi, em đã đi theo hướng dẫn viên. Sau này, em tự đón khách, rồi cứ đọc bài ấy lên là được”, em Cà Thị Thanh cho biết.
Các “hướng dẫn viên nhí” ở đây đều có chung thời gian biểu. Hàng ngày, khoảng 6 giờ sáng các em có mặt tại di tích. “Một ngày, chúng em đi lên, đi xuống khoảng 10 lần. Ngày nhiều được hơn 100.000 đồng, ngày ít chỉ 20-30.000 đồng. Tranh thủ những lúc mất điện trong khu đường hầm xuyên núi, chúng em đốt nến, dẫn đường cho khách tham quan với giá 5.000 đồng/người”, em Tâm kể.
Quên đặc thù văn hóa
Điều dễ nhận thấy, cách làm du lịch của Điện Biên không mang đặc thù của văn hóa vùng Tây Bắc, không phản ánh được bản sắc văn hóa phi vật thể của 21 dân tộc. Du lịch cộng đồng không kể được câu chuyện lịch sử văn hóa. Cả 8 bản văn hóa được tỉnh chọn phát triển du lịch cộng đồng đều không có nét riêng, không có ngành nghề truyền thống đủ sức tạo ra sản phẩm đặc trưng. Những ngôi nhà sàn lợp ngói, cầu thang xây gạch, lặt vặt vài mẫu túi, áo thổ cẩm từ Hà Tây (Hà Nội) đưa lên... gây phản cảm cho khách du lịch.
Thực tế, người Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung không có thiên hướng làm thương mại, dịch vụ du lịch, dù cơ chế, hành lang pháp lý đã mở. Bản Then được coi là một trong những điểm đông khách nhất, nhưng không nhiều khách quốc tế, mà chủ yếu là người trong tỉnh đến xem múa xòe, thưởng thức các món ăn dân tộc. Vì vậy, thu nhập từ dịch vụ du lịch rất thấp, chỉ từ 500-700.000 đồng/gia đình/tháng.
Tại các điểm du lịch, bà con dân tộc Thái bày bán các sản phẩm nông sản và các loại thuốc lá rừng. Các loại thuốc này không tem nhãn, xuất xứ, được bỏ trong túi nilông với vài dòng hướng dẫn viết tay nguệch ngoạc. Chưa biết chất lượng ra sao nhưng với giá khá rẻ (từ 5.000- 10.000 đồng/gói), một số khách du lịch vẫn mua một vài món về dùng hoặc làm quà.
Bao giờ lợi thế được phát huy?
Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên - Bùi Viết Bính - cho biết: “Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Điên Biên xác định phát triển kinh tế, lấy du lịch là mũi nhọn”. Phải khẳng định đây là chủ chương đúng. Nhưng dùng du lịch làm bàn đạp phát triển kinh tế không đơn giản, nhất là với Điện Biên, chính sách ưu tiên nhiều năm đã tạo thành cơ chế chờ “cầm tay, chỉ việc”. Đồng vốn của Chính phủ rót vào giúp Điện Biên phát triển kinh tế từ du lịch không hiệu quả bởi thiếu sự vận động, sáng tạo. “Điện Biên chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế”, ông Bính thừa nhận.
Không phải cứ chi tiền tỷ vào là phát triển được du lịch. Điện Biên cần có một quy hoạch tổng thể, đặc biệt là giải pháp cụ thể cho từng tồn tại. Để phát triển du lịch, người Mông, người Dao ở Sa Pa (Lào Cai) đã biết tạo ra các sản phẩm thổ cẩm, với nhiều mẫu mã độc đáo được du khách yêu thích. Người Mường, người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) đã dỡ bỏ các nhà sàn bê tông, thay vào đó là nhà sàn truyền thống, mái lợp gianh, sàn và cầu thang bằng tre, gỗ... Khó khăn nhất nước, đồng nghĩa với ưu tiên nhất, nhưng không lẽ Điện Biên cứ ngồi chờ chính sách ưu tiên mà bỏ qua lợi thế và quan trọng hơn là để lịch sử Điện Biên Phủ chỉ còn là câu chuyện cổ tích?
Hải Vân
Bà con dân tộc Thái bán các sản phẩm nông sản và các loại thuốc lá rừng tại Lán Điệp báo viên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét