Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Ngày của âm nhạc Việt Nam

Ngày của âm nhạc Việt Nam

TP - Hàng nghìn người có mặt tại buổi trình diễn khai mạc Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ nhất chiều 3-9 tại Hà Nội. Đúng ngày này cách đây 50 năm, Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài ca Kết đoàn tại công viên Bách Thảo.

Dàn nhạc giao hưởng dân tộc khai mạc Ngày Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội
Dàn nhạc giao hưởng dân tộc khai mạc Ngày Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội . Ảnh: N.M.Hà

Khán giả ngồi kín hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị tham dự buổi biểu diễn khai mạc Ngày Âm nhạc Việt Nam chiều 3-9. Chương trình vào cửa miễn phí, truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Phần đầu chương trình dành cho dàn nhạc giao hưởng dân tộc- tức các nhạc cụ truyền thống Việt Nam được biên chế theo kiểu dàn nhạc giao hưởng phương Tây- của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Khác với những lần ra mắt trước đây, hôm nay, các nhạc công, kể cả nhạc trưởng đều mặc trang phục đậm chất dân tộc. Bên rìa dàn nhạc, mấy nam nghệ sĩ áo dài khăn đóng đứng ôm đàn cello. Không có nhạc cụ Việt Nam nào tương tự để thay thế cây đàn Tây phương này.

Nếu giao hưởng thơ của Trọng Bằng- cũng là một tiết mục trong chương trình- lấy cảm hứng từ ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Văn Cao thì bản Niềm tin tất thắng của Khắc Chí dành cho đàn bầu và dàn nhạc mở đầu bằng một nét nhạc của Lý Chiều Chiều.

Ngoài hai bản nhạc soạn mới, tiết mục hát văn lời mới Hà Nội nghìn năm do nghệ sĩ Ánh Tuyết (đàn nguyệt và hát) cùng dàn nhạc giao hưởng dân tộc cho thấy sự dàn dựng hợp lý, khá ấn tượng.

Nhiều tác phẩm quen thuộc được tái hiện trong chương trình khai mạc Ngày Âm nhạc Việt Nam. Đó là hợp xướng Ca ngợi tổ quốc của Hồ Bắc, hợp xướng Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Đường chúng ta đi (Huy Du- Xuân Sách), Tình ca (Hoàng Việt)…

Có hai sáng tác mới (Vinh quang hồn dân tộcHát mừng ngày âm nhạc) đều của Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam- cũng là người chỉ đạo ngày Âm nhạc Việt Nam. Ca sĩ tham gia chương trình có NSƯT Mạnh Chung, Quốc Hưng, Đăng Dương, Việt Hoàn, Hoàng Tùng, ca sĩ trẻ Hồng Nhung và dàn hợp xướng ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ.

Một chương trình âm nhạc hướng đến khán giả trẻ diễn ra tối 3-9 tại vườn hoa Lý Thái Tổ do Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và Trường ĐH VHNT Quân đội đảm nhiệm.

Sáng 4-9, nhà kèn sau tượng đài Lý Thái Tổ được trả về đúng chức năng từng có của nó: nơi hòa nhạc kèn, với nhạc công của Đoàn Nghi lễ Quân đội. Tối 4 và 5-9, ngày Âm nhạc Việt Nam diễn ra tại sân khấu cổng chợ Đồng Xuân, do các nghệ sĩ của Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam trình diễn.

Đây chính là sân khấu âm nhạc truyền thống với các loại hình xẩm, hát văn, quan họ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc… đã quen thuộc với người dân và du khách hai năm nay.

Nhạc sĩ Thao Giang- người trực tiếp phụ trách sân khấu xẩm chợ Đồng Xuân- đang cân nhắc đưa thêm một số ca khúc chất liệu truyền thống vào chương trình đặc biệt trong khuôn khổ ngày Âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ cho biết, đã từng thí điểm trình diễn một số bài cùng một lời thơ nhưng ở nhiều hình thức âm nhạc khác nhau như Chân quê với 3 dạng ca khúc mới, xẩm và hát văn hay Lỡ bước sang ngang- ca khúc mới và xẩm… Nhưng khán giả vẫn cổ vũ nồng nhiệt- bằng cách vỗ tay và cả ném tiền lên sân khấu- cho những bài hát theo giai điệu truyền thống hơn.

Vài năm gần đây, công chúng Hà Nội và TPHCM vẫn được hưởng thụ Ngày hội Âm nhạc 21-6 do người Pháp tổ chức. Từ năm nay, người nghe nhạc Việt Nam đã có một ngày riêng để thỏa mãn tình yêu âm nhạc của mình. Được biết, những ngày Âm nhạc Việt Nam đầu tiên sẽ kéo dài trong suốt tháng 9 ở 15 tỉnh thành trên cả nước.

NPV

Không có nhận xét nào: