Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

GS Nguyễn Lân Dũng: Cái gì làm nên Ngô Bảo Châu?

GS Nguyễn Lân Dũng: Cái gì làm nên Ngô Bảo Châu?
31/08/2010 09:55 (GMT +7)

Dù rất bận rộn với công việc nghiên cứu và thường xuyên phải đi công tác nước ngoài nhưng GS Nguyễn Lân Dũng vẫn dành thời gian để trò chuyện cùng chúng tôi để lý giải: Cái gì làm nên một Ngô Bảo Châu tầm cỡ thế giới? Từ chuyện GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Lân Dũng đã đưa ra nhiều giải pháp về chính sách đầu tư phát triển khoa học công nghệ nước nhà.

- Xin GS cho biết ông đón nhận tin vui GS Ngô Bảo Châu giành được giải thưởng Fields như thế nào?

Tôi quen biết Bảo Châu từ khi Châu học từ lớp 1 cùng với con trai tôi (Nguyễn Lân Hiếu) tại Trường thực nghiệm Giảng Võ của GS.TS Hồ Ngọc Đại. Khi đó tôi còn làm Trưởng ban phụ huynh. Hiện nay, Châu vẫn là bạn thân của con tôi. Tôi cũng quen biết nhiều với anh Cẩn, chị Hiền và vợ con của Châu. Vì thế tất nhiên tôi rất vui mừng đón nhận từ rất sớm tin vui này.

GS Nguyễn Lân Dũng.

Lẽ ra Châu còn có hy vọng nhận được giải thưởng này từ cách đây 4 năm. Vinh quang mà Châu đón nhận hôm nay theo tôi chứng tỏ hai điều: Một là thanh thiếu niên Việt Nam không ít em có năng lực chẳng thua kém ai. Hai là, chỉ có được những điều kiện đào tạo tốt thì mới phát huy được hết những năng lực này. Nếu Châu tiếp tục học tập nghiên cứu trong những điều kiện như hiện nay ở trong nước thì không thể có được vinh quang này. Giải Fields chỉ dành cho những người dưới 40 tuổi, điều ấy thật chẳng dễ dàng gì.

- Theo GS đánh giá, những yếu tố nào đã tạo nên thành công của GS Ngô Bảo Châu như ngày hôm nay?

Thành công của Châu do nhiều yếu tố. Trước hết là bản lĩnh và quyết tâm phấn đấu của Châu. Rồi còn kể đến tinh thần tôn trọng khả năng suy nghĩ độc lập của học sinh mà Trường thực nghiệm Giảng Võ đã làm được trong nhiều năm. Lớp chuyên Toán ở Đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là cái nôi để bồi dưỡng các em có năng khiếu vượt trội.

Đặc biệt là quá trình học Đại học và làm Tiến sĩ tại các trường danh tiếng ở Pháp như trường Đại học Paris VI (Université Pierre et Marie Curie), Trường Sư phạm Paris (École normale supérieure Paris) và Trường Đại học Paris XI (Université Paris-Sud 11). Lại có những thầy hướng dẫn tài giỏi như Giáo sư Gérard Laumon...

- Như vậy muốn thành công lớn là phải du học ở những trường danh tiếng?

Theo tôi việc cử học sinh đi học nước ngoài từ bậc phổ thông là rất lãng phí. Chỉ cần cải tiến chương trình cho đủ sức hội nhập quốc tế thì chúng ta đủ điều kiện đào tạo tốt học sinh ở bậc phổ thông. Những học sinh xuất sắc nên được học tại các lớp chuyên tại các trường đại học hoặc một số trường phổ thông có truyền thống bồi dưỡng nhân tài. Còn ở bậc đại học nên chọn các em có nhiều triển vọng phát triển nhất được cử đi học đại học và sau đại học tại một số trường danh tiếng ở nước ngoài bằng học bổng của Nhà nước.

GS Nguyễn Lân Dũng: "Lẽ ra Châu còn có hy vọng nhận được giải thưởng này từ cách đây 4 năm".

Việc đào tạo nhân tài không thể cào bằng được. Ngay ở nước ngoài trong khi phần lớn các trường đại học là đánh trống ghi tên thì tại các trường danh tiếng việc tuyển sinh cũng hết sức khắt khe. Thành công của Châu còn có phần đóng góp không nhỏ của bố mẹ, những nhà khoa học biết tạo điều kiện và động viên Châu ngay từ tuổi thơ và còn phải kể đến người vợ hiền biết hy sinh toàn bộ thời gian chăm sóc ba cô con gái rất dễ thương để cho Châu yên tâm làm khoa học.

- Ở nước ta không thiếu những tài năng nhưng dường như họ vẫn còn thiếu một điều gì đó để bước từ một nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước trở thành một nhà khoa học hàng đầu thế giới trong một lĩnh vực nào đó, là vì sao thưa giáo sư?

Tôi nghĩ chúng ta không thiếu những tài năng, nhưng gọi là tài năng xuất chúng thì đâu có nhiều. Có những bộ óc lớn như các GS Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng... nhưng họ đã làm hết mình để phục vụ Tổ quốc chứ đâu có đủ điều kiện nghiên cứu để trở thành những nhà khoa học đứng đầu thế giới.

Ngay như giải thưởng Field danh giá thì từ trước đến nay mới chỉ có 13 người quốc tịch Mỹ, 11 người quốc tịch Pháp, 9 người Nga và Liên Xô cũ, 5 người Anh, 3 người Nhật, 2 người Bỉ, 1 người Nam Phi, 1 người Phần Lan, 1 người Israel, 1 người Ý, 1 người Na Uy, 1 người New Zealand, 1 người Thụy Điển, 1 người Đức, 1 người Australia và Ngô Bảo Châu (hiện mang hai quốc tịch Việt- Pháp).

Đứng đầu thế giới là quý nhưng chúng ta cần rất nhiều người giỏi để góp phần xây dựng đất nước. Trung Quốc thiếu gì những nhà khoa học tài ba nhưng người được giải thưởng Nobel và giải thưởng Field mang quốc tịch Trung Quốc thì hình như chưa có (có 6 người Trung Quốc đã nhận giải Nobel nhưng đều mang các quốc tịch khác - Charles Kuen Kao, Vật lý, 2009; Cao Hành Kiện, Văn học, 2000; Daniel C. Tsui Vật lý, 1998; Edmond H. Fischer, Y sinh lý hoc,1992; Chen ning Yang, Vật Lý, 1957; và Tsung - Dao Lee, Vật lý, 1957).

- Có ý kiến cho rằng, nếu Việt Nam muốn có một Ngô Bảo Châu thứ hai được đào tạo hoàn toàn trong nước thì sẽ phải mất từ 50 - 100 năm nữa. Nhận xét đó phải chăng là quá bi quan đối với trình độ đào tạo nhân lực khoa học trong nước ,thưa GS?

GS Nguyễn Lân Dũng: "Chúng ta còn đầu tư dàn trải và thiếu các trung tâm khoa học đủ mạnh".



Tôi nghĩ là tại sao lại cần đặt mục tiêu duy nhất là phải được nhận giải Nobel hay giải Fields? Những người đã từng đạt các giải này họ đều phấn đấu vì khoa học chứ đâu vì giải thưởng. Chúng ta cần nâng cao chất lượng các trường đại học, các viện nghiên cứu (nên đưa về các trường đại học như ở hầu hết các nước khác) và kết hợp mật thiết với các nhà khoa học nước ngoài. Làm được như vậy thì tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm xuất hiện các nhà khoa học xuất sắc và có thể có những cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng nước nhà.

- Là một đại biểu Quốc hội, GS đánh giá thế nào về các chính sách để phát triển khoa học công nghệ, mà đặc biệt là khoa học cơ bản của nước ta trong những năm gần đây?

Chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong sự nghiệp phát triển khoa học và giáo dục. Trong sự nghiệp đổi mới không thể không kể đến những thành công trong việc phát triển giáo dục và khoa học - công nghệ. Tuy nhiên chúng ta còn đầu tư dàn trải và thiếu các trung tâm khoa học đủ mạnh (như ở Hàn Quốc, Đài Loan, chưa kể đến các nước phát triển). Chúng ta chưa thực sự coi trọng khoa học cơ bản vì có lẽ chưa nhận thức được hết, muốn có công nghệ cao trên tinh thần độc lập tự chủ không thể thiếu sự phát triển đồng bộ và nhanh chóng các ngành khoa học cơ bản, nhất là những lĩnh vực khoa học mũi nhọn.

Các nhà khoa học Việt Nam có mức sống quá thấp và ít có đủ điều kiện về phòng thí nghiệm, xưởng sản xuất thử (pilot) để phát huy được hết năng lực của mình. Riêng về công nghệ sinh học nhẽ ra chúng ta có những điều kiện rất thuận lợi (vì tính đa dạng sinh học rất cao, vì nguồn nguyên liệu lên men rất dồi dào...) nhưng chúng ta thiếu hẳn ngành công nghiệp vi sinh vật (trừ 3 lĩnh vực là Bia, Bột ngọt và Vaccin) cho nên các nghiên cứu chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm chứ chưa biến thành lực lượng sản xuất trực tiếp đem lại những lợi nhuận rất cao như ở các nước khác.

- Ngân sách nhà nước chi cho phát triển khoa học công nghệ liệu đã theo kịp được điều kiện thực tế hiện nay chưa, thưa GS?

Chúng ta còn nghèo nhưng Quốc hội đã dành khoảng 600 triệu USD cho lĩnh vực phát triển khoa học - công nghệ mỗi năm. Nếu biết sử dụng tập trung và đúng mục tiêu ngần ấy tiền chắc là chúng ta có thể có những bước phát triển có tính bứt phá chứ không mang tính dàn trải và chậm chạp như hiện nay.

Ta nên học tập các nước mà cách đây không lâu họ có trình độ khoa học công nghệ không hơn gì ta nhưng nay họ đã tiến nhanh hơn ta khá xa. Đâu có thể coi dân chúng của họ thông minh hơn chúng ta. Điều quyết định có lẽ thuộc về cơ chế, và chính sách. Tôi mong sau Đại hội sắp tới, Đảng ta sẽ có được những quyết sách mạnh mẽ về việc chấn hưng giáo dục và về việc bứt phá nhanh chóng đối với khoa học - công nghệ.

- Xin cảm ơn GS, chúc GS mạnh khỏe và có thêm nhiều thành công hơn nữa!

5 yếu tố làm nên thành công của Ngô bảo Châu:

- Một là, năng khiếu bẩm sinh và sự nỗ lực cá nhân của Ngô Bảo Châu.
- Hai là, ảnh hưởng của nền giáo dục gia đình: bố là GS-TSKH Ngô Huy Cẩn, mẹ là PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền. Đặc biệt là sự chăm sóc của người mẹ dành cho anh ở Việt Nam cũng như ở Pháp.
- Thứ 3 là ảnh hưởng môi trường làm việc khoa học và nền toán học Pháp đặc biệt là vai trò người thầy của anh GS G. Laumon.
- Thứ 4 là ảnh hưởng từ khối phổ thông chuyên toán ĐH Khoa học tự nhiên nơi đã đào tạo anh đoạt 2 huy chương vàng toán quốc tế điểm tuyệt đối năm 1988 và 1989. Đây là nơi hun đúc niềm đam mê Toán học và là bệ phóng cho anh đến với môi trường nghiên cứu Toán học hàng đầu thế giới
- Thứ 5 là sự may mắn trên con đường chinh phục đỉnh cao Toán học.

Tất cả chúng đều là chuỗi xuyên suốt, không thể bỏ qua bất cứ yếu tố nào.

(Theo ông Trần Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tài năng)

Theo Phạm Thịnh
VTC News
TIN LIÊN QUAN

Không có nhận xét nào: