Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Bộ trưởng GD&ĐT "không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân"

Bộ trưởng GD&ĐT "không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân"

05/09/2010 07:43:08

"...Tôi cũng là cha của hai cháu... Mọi vấn đề của giáo dục phổ thông, tôi bàn bạc, trao đổi với đồng nghiệp và suy xét giải quyết không chỉ trên cương vị nhà giáo, người quản lý mà còn xuất phát từ suy nghĩ, lo lắng trên cương vị của một phụ huynh, một người cha" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Vũ Luận Năm học mới 2010-2011 chia sẻ với PV TTXVN.

TIN LIÊN QUAN

Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục trong năm học mới 2010-2011?

Năm học 2010-2011 được chọn là năm học “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, toàn ngành sẽ tập trung triển khai tốt các công việc mới là: Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh từ lớp 3; Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên. Cùng với đó, chúng tôi tập trung chỉ đạo tổ chức giảng dạy kỹ năng sống (KNS) cho học sinh phù hợp với từng cấp học và điều kiện của từng địa phương.

Những nhiệm vụ thường xuyên của các năm học trước vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện với yêu cầu cao hơn, trong đó có chú ý đẩy nhanh tốc độ kiên cố hóa trường lớp học để trong thời gian ngắn nhất các học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, có thêm điều kiện học tập tốt. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú ý tới hệ thống trường dân tộc nội trú: Củng cố, nâng cấp các trường hiện có, mở thêm các trường DTNT ở nơi còn thiếu. Các trường phổ thông dân tộc bán trú (nội trú dân nuôi) cũng sẽ được quan tâm củng cố nâng cấp cơ sở vật chất. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu để đề xuất Chính phủ có hỗ trợ nhằm giúp các trường nội trú dân nuôi có thêm điều kiện tốt tổ chức dạy và học.

Ngành cũng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển giáo dục ở 3 Khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, vì hiện nay giáo dục ở các vùng này còn đang rất khó khăn.

Nói khái quát lại: trong năm học mới 2010-2011, chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng dạy chữ; Từng bước hướng nghiệp, phát triển dạy nghề ở nơi thuận lợi; Đặc biệt chú trọng việc dạy làm người, nâng cao KNS, giúp học sinh có ý thức, biết tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ mình trước cái xấu, trước những cám dỗ và hành vi không lành mạnh…

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: chinhphu.vn
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: chinhphu.vn



Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm phòng tránh các tệ nạn, trong đó có bạo lực học đường, … Bộ trưởng có thể cho biết, năm học này, Bộ sẽ có hướng dẫn gì giúp các trường thực nhiệm vụ còn rất mới mẻ này?

Thật ra, đây không phải là những nhiệm vụ mới, nhưng do thời gian trước chưa được làm tốt nên trở thành vấn đề bức xúc hơn, cần tập trung làm tốt từ năm học này. Để giáo dục và hình thành lối sống lành mạnh cho học sinh, phòng chống các tệ nạn, trong đó có bạo lực học đường, chúng tôi sẽ tăng cường giáo dục KNS. Bộ đã tổ chức tập huấn cho giáo viên chuyên đề giáo dục KNS, dạy tích hợp KNS vào các môn học văn hoá, tổ chức rèn luyện KNS thông qua các các hoạt động ngoại khoá trong và ngoài nhà trường. Trên cơ sở định hướng chung về chương trình, nội dung giáo dục KNS của Bộ, các địa phương và các nhà trường sẽ thảo luận, cụ thể hoá để vận dụng cho phù hợp thực tế của mình. Ví dụ như: với học sinh vùng sông nước(ĐBSCL) cần dạy trẻ biết cách phòng chống tai nạn sông nước; với HS gần đường giao thông lớn (quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt…) và vùng đô thị cần chú trọng dạy trẻ thực hiện an toàn giao thông, không nghiện Game online;…Toàn ngành sẽ chú ý để phát huy và nhân rộng ngay các sáng kiến trong năm học mới đồng thời sẽ tổ chức sơ kết để thực hiện tốt hơn yêu cầu này.

Chúng tôi đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp hành động mới cho năm học 2010-2011 với các đơn vị; Bộ VHTTDL, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội LHPN VN, Hội khuyến học Việt Nam về tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để chỉ đạo theo ngành dọc, huy động các lực lượng này tích cực quan tâm, phối hợp giúp đỡ các em học sinh trong việc đi lại, sinh hoạt ở bên ngoài nhà trường;…

Trong bối cảnh quy mô giáo dục từ phổ thông đến đại học cả nước đều rất lớn và đa dạng; các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đều chỉ rõ: giáo dục phải phân cấp quản lý mạnh mẽ, đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng với mức học phí của từng trường. Bộ trưởng có thể nói cụ thể hơn về việc thực hiện những chủ trương này?

Năm học mới 2010-2011 có chủ đề là Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Phân cấp mạnh mẽ, công bố cam kết và thực hiện cam kết về chất lượng giáo dục là những nội dung cụ thể của việc Đổi mới quản lý giáo dục. Nguyên tắc chung là làm sao cho hoạt động quản lý diễn ra đúng hướng và mang lại kết quả cao hơn, làm sao cho cả hệ thống giáo dục hoạt động nhịp nhàng và tránh được những khiếm khuyết đã gặp phải.

Muốn vậy, phải thống nhất quản lý giáo dục.Năm học này, đổi mới quản lý ở khu vực đại học, cao đẳng sẽ được triển khai nhiều hơn. Chúng tôi sẽ xem xét toàn diện mối quan hệ giữa Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành, địa phương; giữa bộ và các cơ sở giáo dục đại học … để xây dựng những quy định hợp lý về phân công trách nhiệm.

Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sẽ xem xét quan hệ giữa Bộ, Sở GD&ĐT với các địa phương trong việc quản lý mọi lĩnh vực liên quan đến giáo dục theo tinh thần tăng cường phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở nhưng vẫn đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong quản lý .

Chúng tôi đang chỉ đạo các trường tích cực thực hiện 3 công khai ( Công khai trình độ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất; Công khai thu chi và Công khai cam kết về kết quả học tập của HS-SV) để người dân, phụ huynh biết mức học phí của các trường có tương xứng điều kiện và chất lượng dạy học hay không?

Năm học này, chúng tôi cũng sẽ tích cực triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Ở bậc đại học, đã và sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng các chương trình tiến tiến. Ở bậc phổ thông, chúng tôi đang tích cực triển khai các công việc để tham gia Chương trình quốc tế về đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông ( PISA ).

Trong thời gian làm Bộ trưởng, GS Nguyễn Thiện Nhân đã ưu tiên, đề ra các giải pháp mạnh khi giải quyết tình trạng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích kéo dài nhiều năm trong giáo dục. Vậy trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình, ông có dự định sẽ chọn 1 vấn đề gì để ưu tiên giải quyết không, ví dụ như: dạy thêm – học thêm tràn lan, lạm thu, học để đối phó với thi cử?

Tôi không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân cho mình. Mục tiêu của tôi là cùng với các đồng chí đồng nghiệp của tôi trong toàn ngành nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Trong sự tiếp nối công việc đã làm, những gì làm tốt cần được phát huy, những gì làm chưa tốt sẽ phải khắc phục nhanh chóng.

Còn về những hiện tượng không lành mạnh, không đúng với bản chất của nền giáo dục, chúng ta đều phải ngay lập tức đấu tranh để chấm dứt. Trong những vấn đề nêu trên, có những vấn đề chung của nền giáo dục cả nước, có những vấn đề cần được giải quyết theo thực tế mỗi địa phương.

Ví dụ như tình trạng học thêm tràn lan chỉ diễn ra ở thành phố, đô thị, còn ở nông thôn, nhiều nơi có tổ chức học thêm nhưng không thu tiền. Tôi đã chứng kiến tận mắt không ít thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa không chỉ dạy thêm không thu tiền mà còn nhường cơm dành tiền của mình cho học sinh… Bộ sẽ cùng các Sở GD&ĐT, các nhà trường xem xét, căn cứ thực tế để chọn vấn đề ưu tiên cần giải quyết nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Để khắc phục tình trạng lạm thu đầu năm học, cần có sự thống nhất hành động của mọi chủ thể. Có khi nhiều người, với tư cách công dân thì phản ứng nhưng với tư cách phụ huynh lại tiếp tay cho việc nộp tiền. .. Tôi cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi người dân đã quan tâm đầu tư để các cháu học sinh con em chúng ta có điều kiện học tập tốt hơn. Đồng thời, tôi cũng xin đề nghị tăng cường hơn nữa việc giám sát sử dụng các khoản thu này, đề nghị các cơ quan công luận tuyên truyền rộng rãi để các phụ huynh thống nhất hành động vì mục tiêu chung cao nhất là môi trường giáo dục lành mạnh cho con em chúng ta.

Nhiều năm qua, người đứng đầu ngành giáo dục đều có điểm xuất phát từ các cơ sở giáo dục đại học, hiện nay cũng vậy. Bộ trưởng có cho rằng mình sẽ gặp khó khăn khi lãnh đạo Bộ, trong đó có mảng công việc mới là giáo dục phổ thông?

Tôi vốn là cán bộ giảng dạy và quản lý một trường đại học. Nhưng ngay với mảng công việc này, tôi cũng không dám cho rằng mọi điều về giáo dục đại học mình đã biết hết. Vẫn cần phải thường xuyên nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Giáo dục phổ thông có xa hơn một chút nhưng tôi có 2 sự thuận lợi. Thứ nhất, trong 6 năm công tác với nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi tham gia các hoạt động của 3 Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ và tôi đi công tác ở địa phương khá đều đặn. Vì thế, tôi hiểu được những vấn đề khó khăn nhất của giáo dục phổ thông cả nước.

Bên cạnh đó, tôi cũng là cha của hai cháu. Cháu lớn đang học đại học, cháu nhỏ mới học THCS. Trước đây, tôi vẫn thường đi họp phụ huynh. Gần đây, tôi không làm được việc yêu thích này nữa vì ít có thời gian rỗi. Vì thế, mọi vấn đề của giáo dục phổ thông, tôi bàn bạc, trao đổi với đồng nghiệp và suy xét giải quyết không chỉ trên cương vị nhà giáo, người quản lý mà còn xuất phát từ suy nghĩ, lo lắng trên cương vị của một phụ huynh, một người cha.

Là một chuyên gia kinh tế, ông sẽ định hướng và đưa con thuyền giáo dục Việt Nam phát triển theo hướng nào, thưa Bộ trưởng? Ông có băn khoăn hay lo lắng gì về những dự án “nghìn đô” cho giáo dục vừa được phê duyệt ?

Trong việc xây dựng, thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, tôi sẽ cân nhắc, xem xét sao cho phù hợp quy luật của khoa học sư phạm, khoa học quản lý,… Tất nhiên, tôi cũng sẽ xem xét từ góc độ kinh tế sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Tôi nghĩ cách đặt vấn đề khái quát “các dự án nghìn đô” có vẻ không ổn… Tuy nhiên, tôi không muốn bình luận về điều này. Các dự án này đã được chuẩn bị và cân nhắc kỹ không chỉ trong ngành giáo dục mà còn được thảo luận ở Chính phủ và Quốc hội. Do vậy, với câu hỏi có băn khoăn gì không, tôi trả lời là không băn khoăn. Còn với câu hỏi có lo lắng không thì tôi thừa nhận là Có. Lo lắng khi chưa được quan tâm đầu tư thì không đủ nguồn lực để thực hiện và phát triển. Khi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thì phải lo phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương quản lý chặt để đồng tiền của nhân dân mang lại hiệu quả cao nhất.

H.Hoa

Không có nhận xét nào: